Cuộc hội ngộ lịch sử
Năm 1902, Y dược là trường đại học đầu tiên do người Pháp mở ở Đông Dương. Năm 1907, chính quyền Pháp ra nghị định thành lập Đại học Đông Dương với một số trường cao đẳng, nhưng thực chất là trường trung cấp chuyên nghiệp. Trong danh sách lúc đó không có một trường nào dạy về nghệ thuật.
Cơ duyên dẫn tới việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương có thể kể từ khi họa sĩ Pháp Victor Tardieu tới Việt Nam. Victor Tardieu là họa sĩ, người lính trong Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) ở miền Bắc nước Pháp. Chiến tranh kết thúc, ông trở về và tiếp tục giấc mơ hội họa với hàng loạt tác phẩm được ghi nhận, rồi đạt Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) năm 1920. Đây là giải thưởng do Antony Kloboukowski – Toàn quyền Đông Dương lập ra để khuyến khích họa sĩ đi các thuộc địa và vùng đất xa sáng tác. Họa sĩ Victor Tardieu nhận giải thưởng được đài thọ sinh hoạt trong một năm tại Đông Dương để sáng tác. Tháng 1/1921, Victor Tardieu đi tàu biển dời cảng Marseille. Ban đầu ông tới miền Nam sau đó mới ra Hà Nội.
Tại Hà Nội, Victor Tardieu nhận được hợp đồng vẽ tranh sơn dầu khổ lớn 78 m2 từ Toàn quyền Đông Dương để dán trên tường giảng đường chính của Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Và thêm một bức tranh nhỏ hơn để tại cầu thang của Thư viện Đông Dương (nay là Thư viện Quốc gia). Sở dĩ phải vẽ tranh rồi mới dán lên tường vì khí hậu ẩm, nóng của Việt Nam không giống bên Âu châu, không thích hợp cho việc vẽ ngay lên tường (Bích họa - Fresque). Về bức tranh lớn, Victor Tardieu dự kiến sẽ vẽ một bức tranh đề cao việc học bằng hình tượng Allégorie du Progrès - bà mẹ của trí tuệ, tay cầm sách, hướng mọi người đến tri thức. Trong tranh có khoảng 200 nhân vật, trong đó có mặt 4 vị Toàn quyền Đông Dương: Paul Doumer, Jean Baptiste Paul Beau, Albert Sarraut, Maurice Long, những vị giáo sư đã từng giảng dạy tại trường, đại thần Hoàng Trọng Phu, và những cư dân bản xứ…
Khi bắt tay để thực hiện, Victor Tardieu thực sự thấy khó khăn. Thời đó ở Việt Nam chưa có nghề người làm mẫu. Qua giới thiệu của ông Louis Marty – Chủ tịch danh dự Hội quán sinh viên An Nam (Foyer des Étudiants annamites), Victor Tardieu tìm đến hội quán sinh viên (ở số 9 phố Vọng Đức, Hà Nội) và gặp họa sĩ Nam Sơn đang giúp trang trí cho Hội quán. Ở thời điểm đó, Nam Sơn đã là họa sĩ minh họa báo chí nổi tiếng từ năm 1919 như các Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí và đang là công chức Sở Tài chính Đông Dương (Direction des Finances) cùng với Hồ Trọng Hiếu (nhà thơ Tú Mỡ). Ông An Kiều - con trai thứ họa sĩ Nam Sơn cho biết: Hiện gia đình tôi vẫn lưu giữ bức ảnh cha tôi ngồi đĩnh đạc trước giá vẽ tranh năm 1919 và bài thơ nhà thơ Tú Mỡ tặng cha tôi.
Ông An Kiều cho biết: Cha tôi đứng làm mẫu vẽ cho họa sĩ Victor Tardieu. Rồi cũng chính cha tôi đi mượn những phẩm phục triều đình để Victor Tardieu vẽ. Những người mẫu nữ cũng do cha tôi tìm cho Victor Tardieu. Điều đặc biệt ít ai biết là trong tranh lớn này cũng có cả hình nhìn nghiêng của họa sĩ Victor Tardieu (đội mũ) và con trai là nhà thơ Jean Tardieu ở phần giữa phía trên tranh. Chính họa sĩ Nam Sơn đã vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng của hai cha con họa sĩ Victor Tardieu. Hình ảnh người bác sĩ khám bệnh và người soi kính hiển vi cũng là khuôn mặt của Nam Sơn.
Họa sĩ Nam Sơn đã đưa Victor Tardieu đi thăm các chùa chiền, đền đài miếu mạo, danh lam cổ tích để ông hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Đã có việc tiếp biến văn hóa (acculturation - như nhận xét của nhà văn hóa Hữu Ngọc nay đã ở tuổi 101) giữa hai người Pháp và Việt. Và chính điều này đã khiến cho trung tâm bức tranh có một tam quan lớn đề đôi câu đối chữ Nho (Nam Sơn viết tiếp câu của Tiến sĩ Thân Nhân Trung): “Nhân tài quốc gia chi nguyên khí - Đại học giáo hóa chi bản nguyên” (Nhân tài là nguyên khí quốc gia; Đại học là gốc của giáo hóa). Bên cạnh tam quan là cây đại lớn. Bức tranh sau khi hoàn thành được thuê một công ty của Pháp dán lên tường. Tiếc là sau năm 1960, bức tranh lớn nhất Đông Nam Á đó đã bị gỡ bỏ. Họa sĩ Hoàng Hưng đã được ông An Kiều cho xem ảnh chụp bức tranh và là cơ sở để cùng cộng sự phục dựng lại năm 2006 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương.
Năm 1923, Nam Sơn đề đạt ý tưởng với Victor Tardieu về việc nên thành lập một trường mỹ thuật vì người Việt Nam rất khéo tay không thua kém gì người Âu châu. Ông An Kiều vẫn lưu giữ được bản đề cương “Mỹ thuật Việt Nam” viết tay năm 1923 của họa sĩ Nam Sơn. Trong bản đề cương, Nam Sơn không chỉ nêu việc cần thiết phải lập nên một trường đại học mỹ thuật sẽ gồm tới “7 ban”, mà còn phân tích thấu đáo sở trường, sở đoản của hội họa phương Đông, phương Tây. Việc học để đạt tới mục đích “Tạo nên một nền nghệ thuật cho Quốc gia Việt Nam”. Nam Sơn còn tiên đoán “Cứ như thế tuần tự mà tiến độ mươi, hai, ba mươi quốc thuật của nước Nam sẽ hình thành”.
Khi đó, họa sĩ Victor Tardieu chưa đồng ý vì cho rằng: Kỹ thuật vẽ sơn dầu là của châu Âu, người Việt Nam chưa thể thực hiện được vì người Việt Nam chỉ quen vẽ trên lụa, trên giấy Tuyên chỉ (thấm nước) thôi. Họa sĩ Nam Sơn nghe nói vậy bèn về nhà ở phố Nguyễn Trọng Hợp và vẽ ngay tác phẩm sơn dầu “Chân dung Nhà Nho xứ Bắc” nổi tiếng. Có thể coi đây là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của họa sĩ Việt Nam. Bức tranh mô tả chân dung nhà Nho Nguyễn Sỹ Đức – người thầy chữ Nho và hội họa Á đông của Nam Sơn. Cụ Sỹ Đức là một nhà Nho tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và chít khăn trắng để tang cho nước mất và Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp. Bức tranh thể hiện một bút pháp già dặn, bố cục chặt chẽ, chịu ảnh hưởng của trường phái Tân cổ điển vì đã sử dụng cả các màu xanh da trời, màu tím, xanh lá cây, điêu luyện không kém gì một họa sĩ châu Âu.
Victor Tardieu kinh ngạc trước bức tranh “Chân dung Nhà nho xứ Bắc” của Nam Sơn, một thanh niên Việt Nam chưa từng sang Âu châu học vẽ. Do đó, ông nhất trí sẽ thuyết phục chính quyền Pháp và Đông Dương về ý tưởng thành lập trường Mỹ thuật của Nam Sơn.
Kết quả tình bạn: Victor Tardieu và Nam Sơn
Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi thứ 4 từ trái qua), họa sư Nam Sơn (ngồi đầu tiên bên phải) cùng thầy trò và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. |
Ngày 27/10/1924, Toàn quyền Đông Dương Merlin ra Nghị định thành lập trường. Victor Tardieu là hiệu trưởng. Nói về vai trò đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong cuốn “Những Trường Mỹ thuật Đông Dương” (Les Écoles d’art de L’Indochine) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937, có lưu trữ tại thư viện Quốc gia Hà Nội ký hiệu M 10692, trang 16 có ghi rõ: “Việc giảng dạy môn đồ họa và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn – một trong hai người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương đảm nhiệm. Ông Nam Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đào tạo, giáo dục và góp một phần quan trọng trong việc phục hưng nền mỹ thuật truyền thống An Nam, đó cũng là chủ thuyết và hiến chương của nhà trường”.
Nhà nghiên cứu Pháp Corinne de Ménonville, tác giả cuốn sách “Lịch sử mỹ thuật Việt Nam” (NXB ARRHIS - Paris 2003) nặng tới 2,6 kg, nhận xét: Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời do một Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1924, nhưng thật ra đó là kết quả của tình bạn giữa hai họa sĩ: Victor Tardieu và Nam Sơn.
Để chuẩn bị mở trường, ngày 18/2/1925, Toàn quyền Đông Dương cử Victor Tardieu và Nam Sơn sang Pháp. Nam Sơn ở tại nhà Victor Tardieu (số 3 phố Chaptal, thuộc quận 9 Paris). Hàng ngày, buổi sáng Nam Sơn đến tu nghiệp ở trường Mỹ thuật Quốc gia trong xưởng họa của Viện sĩ Jean Pierre Laurens (1875 - 1933, học trò của Ingres) và lo sắm họa cụ; buổi chiều đến trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia trong xưởng họa của Félix Aubert (1866 - 1940). Buổi tối, Nam Sơn học thêm về điêu khắc. Ngày Chủ nhật đi thăm các bảo tàng, thư viện, không lúc nào nghỉ. Tại xưởng vẽ của danh họa Félix Aubert, Nam Sơn đã gặp và thuyết phục được họa sĩ Joseph Inguimberty sang Việt Nam giảng dạy. Cũng tại tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Nam Sơn cũng kết bạn với hai danh họa: Tsuhugaru Foujita (Nhật Bản) và Từ Bi Hồng (Trung Hoa).
Ông An Kiều kể: Có lần, sáng sớm, họa sĩ Victor Tardieu thấy muộn rồi mà Nam Sơn vẫn chưa đến trường. Ông chạy lên gác đập cửa gọi: “Nam Sơn, sao giờ này mà anh vẫn chưa dậy? Anh sang đây để học hay để ngủ?”. Nam Sơn mệt mỏi mở cửa ra và nói: Xin lỗi thầy, con bị ốm, sốt. Victor Tardieu đặt ngay tay lên trán Nam Sơn rồi dịu giọng nói “Để tôi nói lấy súp hành cho anh”.
Đến nay, về kỷ niệm chuyến đi Pháp và tu nghiệp này, ông An Kiều vẫn lưu giữ được tấm palette danh họa J.Pierre Laurens tặng Nam Sơn, mà chỉ có 3 người con Nam Sơn được thấy. Tháng 10/1925, đến kỳ hạn về Việt Nam để tổ chức tuyển sinh nhưng do Victor Tardieu bị ốm, Nam Sơn và Joseph Inguimberty phải về Việt Nam trước để lo việc tuyển sinh.
Có 272 thí sinh trên toàn Đông Dương dự tuyển ở khóa I này. Họa sĩ Nam Sơn vừa ra đề thi, vừa trông thi và vừa chấm thi, chứ không phải học khóa 1 cùng họa sĩ Nguyễn Phan Chánh như có người đã viết…
Tác giả bài viết này may mắn được tiếp xúc với các tư liệu mỹ thuật từ mấy chục năm nay, do ông An Kiều, con trai họa sĩ Nam Sơn, và 2 con gái Thanh Hằng, Thanh Nga, là những đại diện chính thức cho gia đình họa sĩ Nam Sơn quản lý từ xưa. Một thí dụ ít ai được biết: Cuốn sổ điểm ghi đầy đủ tên các sinh viên, việc điểm danh hàng ngày, cũng như điểm số bài vẽ được thầy Nam Sơn cho chính xác tới 1/4 điểm!.
Họa sư Nam Sơn đã giảng dạy từ khóa đầu đến khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 18 khóa học đã đào tạo được 149 người; số sinh viên tốt nghiệp là 128, trong đó có 118 người thuộc khoa hội họa, 10 người thuộc khoa Ðiêu khắc và Kiến trúc. Khóa cuối cùng tại Sơn Tây năm 1945, họa sư Nam Sơn phải đảm trách cương vị hiệu trưởng khi những người Pháp về nước hoặc bị quân đội Nhật cầm giữ, hay phải trình diện hàng ngày. Năm 1930, ông đã xuất bản sách “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa) bằng tiếng Pháp, cuốn sách mỹ thuật đầu tiên do người Việt Nam soạn và đã được dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường.
Cuộc gặp gỡ hữu duyên giữa Tardieu và Nam Sơn đã mở ra một thời đại rực rỡ của lịch sử mỹ thuật Việt Nam đúng như Nam Sơn dự đoán. Những họa sĩ học trường Đông Dương sau đó đã trở thành những trụ cột của nền mỹ thuật Việt Nam hoặc nổi danh trong từng chất liệu. Tô Ngọc Vân - Người hiệu trưởng mỹ thuật khóa kháng chiến; Trần Văn Cẩn – Lãnh đạo ngành mỹ thuật; Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy; Nguyễn Gia Trí - Phạm Hậu – tranh sơn mài; Nguyễn Phan Chánh – tranh lụa…
Năm 1937, họa sĩ Victor Tardieu qua đời tại Hà Nội. Nhà điêu khắc George Khánh đã thực hiện 3 phiên bản tượng bán thân thầy Tardieu. Phiên bản 1 dâng cho gia đình thầy, phiên bản 2 dâng tặng thầy Nam Sơn và phiên bản 3 tặng trường Mỹ thuật (đã bị thất lạc trong chiến tranh 1945). Hiện nay, trên bàn thờ gia tiên, ông An Kiều và con cháu thờ tượng Victor Tardieu này và tượng bán thân cụ Nguyễn Thị Lân (thân mẫu họa sư Nam Sơn) với tác giả là nhà điêu khắc Vũ Văn Thu (cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương), tượng bán thân họa sư Nam Sơn do nhà điêu khắc Minh Đỉnh thực hiện.
Không sao kể hết đóng góp lớn lao của họa sư Nam Sơn với nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, nhưng, khi trao đổi, ông An Kiều ở tuổi bát tuần, từng làm việc tại Tập đoàn điện lực ALSTOM, người con duy nhất đã chứng kiến sự ra đi của họa sư ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý (1973) vẫn minh mẫn nêu rõ: Tôi chỉ kể những sự việc thực liên quan đến cha tôi vì nhiều người chưa được biết, chưa được gặp họa sư Nam Sơn. Tôi không có ý mong cha tôi được truy tặng các giải thưởng, hay đặt tên đường phố vì Nam Sơn đã được Giải thưởng lớn nhất từ lâu với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương và góp phần đào tạo ra đội ngũ nghệ sĩ tài năng mang lại vinh quang văn hóa cho đất nước Việt Nam…