Đóng góp quan trọng của đội ngũ giáo viên trường chuyên
Hiện nay, các tỉnh/thành phố đều có quy định những chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp.
Kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên cũng được tăng cường đầu tư.
Về phía Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản liên quan đến cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học và các quy định khác về giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT đã được ban hành… Các văn bản này tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; trong đó có giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT chuyên.
Giáo viên trường chuyên đã trở thành đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong toàn tỉnh/thành phố. Với trình độ chuyên môn vững vàng, thầy cô giảng dạy trường chuyên luôn được huy động để tham gia xây dựng tài liệu giảng dạy, kiểm tra đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục cấp tỉnh/ thành phố và cấp quốc gia; đồng thời góp phần tích cực trong việc triển khai tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên tại địa phương.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, so với trường THPT bình thường khác, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của trường chuyên đã có những bước đột phá về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm. Thầy cô được chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận, cập nhật nhạy bén hơn với những đổi mới trong khu vực và trên thế giới trong công nghệ giáo dục, được quan tâm, ưu đãi nhiều hơn và có nhiều cơ hội được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp tại một số trường chuyên cho thấy chưa xây dựng được mạng lưới hoạt động mạnh mẽ của đội ngũ giáo viên đầu đàn, một bộ phận chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên được cho là do cơ chế, chính sách thu hút giáo viên giỏi về công tác giảng dạy tại trường chuyên ở một số nơi chưa hấp dẫn. Nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ còn hạn chế. Tư duy chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nội dung và phương pháp dạy học ở một bộ phận giáo viên chưa được phát huy.
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). |
Mong có chính sách ưu tiên với giáo viên dạy môn chuyên
Theo cô Trần Thị Thanh Xuân, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định, giáo viên dạy ở trường THPT chuyên có 2 nhóm: Nhóm giáo viên dạy môn chuyên ở lớp chuyên và giáo viên dạy môn không phải môn chuyên ở lớp chuyên. Cần phải tách bạch cơ chế đãi ngộ của 2 nhóm giáo viên này
“Nên có ưu đãi cho giáo viên dạy môn chuyên của lớp chuyên. Lý do, đầu tư một giáo án để dạy một tiết lớp chuyên rất vất vả. Trong khi đó, giáo viên không dạy môn chuyên được lợi thế hơn bởi sĩ số ít, học sinh chăm ngoan. Có sự khác biệt về chế độ đãi ngộ giữa 2 nhóm giáo viên này sẽ tạo động lực để giáo viên tự nâng cao trình độ chuyên môn để được dạy môn chuyên ở lớp chuyên”, cô Trần Thị Thanh Xuân đề xuất.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy môn chuyên của lớp chuyên cũng sẽ có 2 nhóm: Nhóm tham gia bồi dưỡng các đội tuyển và nhóm không tham gia bồi dưỡng đội tuyển. Cô Trần Thị Thanh Xuân cho biết, đãi ngộ với giáo viên phụ trách đội tuyển như hiện nay là phụ thuộc vào chế độ của từng tỉnh. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên có quy định một mức sàn cho tất cả các địa phương.
Còn theo chia sẻ của cô Ngô Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), Theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ, giáo viên công tác tại trường THPT chuyên được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc, cùng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đến thời điểm này, chưa có thang bảng lương của cán bộ, giáo viên công tác tại trường THPT chuyên thực hiện nghị quyết 27 về cải cách tiền lương tháng 7/2024 nên chưa thể có ý kiến.
Tuy nhiên, cô Ngô Thanh Trúc kỳ vọng Luật Nhà giáo cần làm rõ vai trò, nhiệm vụ của các trường THPT chuyên trong tình hình mới. Từ đó, cấp có thẩm quyền xây dựng các chính sách ưu tiên đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, giáo viên dạy tại lớp chuyên được hưởng thêm chế độ đãi độ riêng ngoài phụ cấp mà bất kỳ giáo viên nào trong trường chuyên cũng được hưởng.
“Đặc thù với các lớp chuyên là ôn thi học sinh giỏi và các cuộc thi nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước, nên giáo viên dạy lớp chuyên có áp lực, vất vả hơn rất nhiều so với giáo viên dạy tại các lớp không chuyên.
Việc có thêm chế độ đãi ngộ tốt sẽ khuyến khích các thầy cô giảng dạy tại lớp chuyên cống hiến hơn nữa để bồi dưỡng, phát hiện, đào tạo nhân tài cho địa phương và cho quốc gia”, cô Ngô Thanh Trúc chia sẻ.