5 chính sách được đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Liên quan đến dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất 5 chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7/7/2023.

Cô giáo của phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.
Cô giáo của phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

5 chính sách trên được ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Cụ thể:

Chính sách 1: Định danh nhà giáo

Chính sách này quy định tường minh về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục làm cơ sở quy định các chính sách về nhà giáo. Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và nhà giáo là người nước ngoài. Qua đó, nhằm khắc phục hạn chế hiện nay khi các quy định của pháp luật hiện hành chỉ chế tài đối với nhà giáo trong công lập.

Chính sách về định danh nhà giáo khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo là nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách cũng quy định rõ về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo nhằm làm rõ những khác biệt giữa “nghề nghiệp” nhà giáo với các nghề nghiệp khác.

Chính sách 2: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo

Chính sách này quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo bao gồm các tiêu chí nghề nghiệp của nhà giáo, áp dụng cho từng chức danh nhà giáo ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo để sử dụng thống nhất trong toàn quốc,

Đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo khi nhà giáo vừa có chuẩn nghề nghiệp, vừa thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức nhưng nhà giáo ngoài công lập lại không có chế tài để quản lý và phát triển. Kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là căn cứ để tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nhà giáo, sử dụng, sa thải nhà giáo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hội thi nghiệp vụ cấp trường.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hội thi nghiệp vụ cấp trường.

Chính sách 3: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo

Chính sách này quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, hợp đồng nhà giáo, chế độ làm việc của nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo;

3 trường hợp sử dụng nhà giáo là: luân chuyển, thuyên chuyển và biệt phái nhà giáo; Quy định về chính sách đối với nhà giáo dạy liên trường;

Quy định về chính sách tiền lương, hỗ trợ, thu hút nhà giáo; Chính sách thôi việc, nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo.

Chính sách này sẽ khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo gắn với đặc thù hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Chính sách 4: Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

Quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Quy định về nhà giáo ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Chính sách này làm cơ sở chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo

Chính sách này quy định về: cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo, quản lý nhà giáo; tổ chức xã hội nghề nghiệp nhà giáo; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật nhà giáo.

Chính sách này nhằm khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian vừa qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ