Cải thiện cơ chế đãi ngộ nhà giáo
Gắn bó với nghề giáo hơn 20 năm, cô Nguyễn Thị Trang - giáo viên Tiểu học tại Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo để trình Chính phủ, sau đó trình Quốc hội xem xét thông qua là vô cùng cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên trên cả nước.
Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội coi trọng bên cạnh nghề Y. Những người làm trong hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế được kính trọng gọi một tiếng "thầy". Theo sự phát triển của đời sống hiện đại, nghề giáo vẫn luôn khẳng định được vị thế, tầm quan trọng của mình trong giáo dục, rèn luyện thế hệ tương lai của đất nước.
Trong dịp Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đối thoại trực tuyến với giáo viên cả nước hồi tháng 8/2023 đã chỉ ra lương giáo viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung. Tình trạng nhiều giáo viên bỏ nghề là có thực bởi không chịu nổi áp lực công việc cộng với thu nhập không đảm bảo đời sống. Do đó, vấn đề cải thiện đời sống cho nhà giáo ngày càng trở nên bức thiết.
Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân. |
Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ, nếu xây dựng thành công Luật Nhà giáo sẽ giúp khẳng định được vị thế của nhà giáo. Đồng thời, ngành Giáo dục có thể cải thiện được tình trạng thiếu giáo viên khi các cơ chế về tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên được luật hóa. Từ đó mới mong cải thiện được chất lượng giáo dục.
"Công việc của giáo viên ở mỗi cấp học đều có những vất vả riêng. Nếu các cô Mầm non, Tiểu học phải chăm trẻ từ những việc nhỏ nhất thì lên cấp THCS và THPT, thầy cô phải rất tinh tế khi giáo dục học trò bởi lứa tuổi các em đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Để các em có sự tiến bộ thì phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thầy cô mới làm tốt nhiệm vụ của mình", thầy Sơn bày tỏ.
Mong giáo viên được trao thêm quyền
Giáo viên mầm non luôn có những nỗi vất vả riêng rất cần được xã hội thấu hiểu, đồng hành. |
Cùng quan điểm với thầy Sơn, cô Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo nên đề cập thật rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của từng đối tượng trong nhà trường. Trong đó, giáo viên cần được trang bị thêm quyền trong việc giáo dục học sinh.
Cô Trinh mong muốn, Luật Nhà giáo cần khắc phục được những bất cập, chồng chéo của các quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được xã hội tôn trọng.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ. |
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đồng tình cao với việc cho ra đời Luật Nhà giáo. Cô cũng bày tỏ, luật sẽ nêu rõ những quyền hạn của nhà giáo trong quản lý, giáo dục và cả xử lý nếu có học sinh chưa chấp hành đúng nội quy của nhà trường.
Vị Hiệu trưởng dẫn giải, hiện nay việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm đã được quy định tại Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục 2019 cũng đề cập những hành vi bị nghiêm cấm trong trường học. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai ở một số nơi vẫn còn chưa mang lại hiệu quả giáo dục để các em tự nhận ra cái sai và sửa sai.
"Ngành Giáo dục ngày nay đang đứng trước nhiều thách thức cùng với sự phát triển của công nghệ. Nếu ngày xưa thầy cô có thể dùng roi vọt để học sinh ngày càng tiến bộ thì ngày nay việc này bị cấm. Nếu thầy cô không nghiêm thì sẽ rất dễ xảy ra các trường hợp trò xúc phạm cô như ở Tuyên Quang năm 2023 vừa qua. Vì thế, nhà trường cần được trang bị thêm một số quyền hạn khi xử lý học sinh", cô Hoàng Thị Thu Trinh kiến nghị.
Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo sẽ có 5 chính sách được đề cập gồm: Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.