Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024:

Mong muốn đại học phi lợi nhuận Việt Nam phát triển

GD&TĐ - Tuyến bài “trường Đại học không vì lợi nhuận tại Việt Nam” kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy, phát triển đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam...

Nhà báo Mỹ Quyên lưu lại hình ảnh trong buổi tác nghiệp tại trường học.
Nhà báo Mỹ Quyên lưu lại hình ảnh trong buổi tác nghiệp tại trường học.

Tuyến bài về “trường Đại học không vì lợi nhuận tại Việt Nam” của Báo Thanh Niên đã nêu rõ thực trạng cũng như kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy, phát triển đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam.

Một mô hình lý tưởng

Mô hình trường đại học không vì lợi nhuận trên thế giới đã hình thành và phát triển từ rất lâu, tuy nhiên tại Việt Nam thì mô hình này vẫn còn mới mẻ dù đã được đưa vào các văn bản pháp luật và được bàn luận không ít.

Đại học không vì lợi nhuận là một vấn đề được dư luận quan tâm. Vì thế, dưới sự triển khai, hướng dẫn của lãnh đạo ban Giáo dục Báo Thanh Niên, cùng với sự quan tâm trăn trở với đề tài, nhà báo Mỹ Quyên và Bùi Ngọc Long đã phối hợp để làm nên loạt bài "Vì sao trường Đại học không vì lợi nhuận chưa phát triển ở Việt Nam", với đầy đủ thông tin trong và ngoài nước về văn hoá hiến tặng cho trường Đại học không vì lợi nhuận, điều kiện nào để trường Đại học không vì lợi nhuận Việt Nam có thể phát triển...

Nhà báo Mỹ Quyên cho biết: "Từ lâu, bản thân đã quan tâm tới mô hình trường Đại học không vì lợi nhuận mà trước đây chúng ta vẫn gọi là phi lợi nhuận. Đây là một mô hình lý tưởng và rất tuyệt vời vì người học sẽ được thụ hưởng rất nhiều những lợi ích từ nó.

Cách đây khoảng hơn chục năm, từ "phi lợi nhuận" được nhắc nhiều đến ở Việt Nam khi lãnh đạo một trường Đại học lúc bấy giờ tuyên bố trường phát triển theo mô hình phi lợi nhuận gây tranh cãi từ chính nội bộ và dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trường này sau đó cũng chưa được công nhận là trường Đại học không vì lợi nhuận, chưa có quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục Đại học và cổ đông vẫn được chia cổ tức giá trị lớn".

md-3.jpg
Nhà báo Mỹ Quyên.

Theo Mỹ Quyên, mô hình đại học không vì lợi nhuận lần đầu tiên được xác lập trong Luật Giáo dục Đại học, sau đó được cụ thể hóa trong Nghị định 141 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Điều lệ trường Đại học năm 2014. Nhưng đến năm 2018, luật Giáo dục Đại học sửa đổi mới quy định cổ đông của trường Đại học không vì lợi nhuận phải cam kết hoàn toàn không hưởng lợi tức và phải được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục Đại học. Những quy định này là cơ sở pháp lý để sau đó một số trường Đại học không vì lợi nhuận chính thức ra đời.

“Tuy nhiên, thời gian qua có quá nhiều rào cản để những nhà đầu tư thực sự tâm huyết với giáo dục có thể xây dựng và phát triển một trường Đại học theo mô hình phi lợi nhuận. Chẳng hạn như đất đai để xây trường, không phải địa phương nào cũng hỗ trợ. Có nhà đầu tư phải chờ đợi cả chục năm chưa có đất sạch. Chính sách miễn giảm thuế cho nhà đầu tư cũng chưa rõ ràng và khó thực thi. Việt Nam cũng chưa có văn hoá hiến tặng như nước ngoài để góp phần làm dồi dào thêm nguồn tài chính cho một trường Đại học không vì lợi nhuận phát triển, có thể vì xã hội chưa có đủ niềm tin...”, nhà báo Mỹ Quyên nhận định.

Mong muốn lan toả thông tin tích cực cho xã hội

Trong thời gian thực hiện đề tài, Mỹ Quyên đã gặp gỡ một số nhà đầu tư và nghe họ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, cảm nhận được tâm huyết của họ đang dần vơi đi vì cả chục năm chờ đợi đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc...

“Tôi cũng trao đổi với nhiều chuyên gia - những người có nhiều nghiên cứu về mô hình không vì lợi nhuận ở trong và ngoài nước, họ đã cung cấp nhiều thông tin, đưa ra nhiều nhận định và đề xuất để mô hình này có thể phát triển ở Việt Nam”, nữ nhà báo cho biết.

Đối với nhà báo Bùi Ngọc Long, khi triển khai viết về đề tài này, anh đã tốn khá nhiều thời gian để tìm hiểu văn hoá hiến tặng cho trường Đại học không vì lợi nhuận ở các nước, bởi đặc điểm của việc hiến tặng ở mỗi nước lại khác nhau, chưa kể cách thể hiện và nơi đăng thông tin cũng có sự khác biệt.

md4.jpg
Nhà báo Bùi Ngọc Long.

“Ngoài ra, để phản ánh toàn cảnh xu hướng thế giới, tôi cũng phải tìm đọc nhiều nghiên cứu, hỏi thăm các chuyên gia có kinh nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài. Các nội dung nêu trên được trình bày bằng tiếng Anh, và một số ít trình bày bằng tiếng bản địa, cũng là một khó khăn đáng chú ý”, nhà báo Bùi Ngọc Long nhận định

Trong nội dung bài viết, các tác giả cho rằng, cần rà soát lại các chính sách để có thể xóa các điểm gây bất bình đẳng trong đầu tư giáo dục giữa trường công lập và tư thục. Qua đó có chính sách phù hợp và thúc đẩy phát triển giáo dục tư thục nâng cao chất lượng và đáp ứng đến 40 - 50% giáo dục ngoài công lập phục vụ đào tạo cho giáo dục Đại học. Về chính sách khuyến khích thành lập các trường Đại học tư thục không vì lợi nhuận, đề nghị nên bổ sung luật và có ban hành nghị định riêng để có chính sách hỗ trợ ưu đãi phù hợp và khả thi. Đồng thời mong Bộ GD&ĐT chủ trì và hỗ trợ hướng dẫn để các dự án được triển khai khả thi, đảm bảo tiến độ theo chủ trương cho phép của Thủ tướng.

Theo Mỹ Quyên và Bùi Ngọc Long, qua tác phẩm của mình, hai nhà báo đều hy vọng có thể nhân bản nghĩa cử hiến tặng cao đẹp này trong xã hội Việt Nam, vốn còn chưa quen thuộc với khái niệm “hiến tặng cho giáo dục”, nhất là ở giáo dục đại học - lĩnh vực còn gặp định kiến là nơi để các trường thu lợi nhuận chứ không thuần túy vì người học. Ngoài ra, hai nhà báo cũng mong qua loạt bài có thể giúp các cấp lãnh đạo tìm hiểu và động viên các trường đại học thu hút nguồn hiến tặng trong và ngoài nước bằng những chính sách, hỗ trợ phù hợp.

“Tôi rất tâm đắc với tên gọi của giải báo chí: Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Đây là một giải thưởng thực sự ý nghĩa khi giáo dục luôn được xem là quốc sách và là gốc phát triển của một quốc gia. Báo chí có vai trò quan trọng góp phần làm thay đổi mạnh mẽ và tích cực đối với mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Vì thế, tôi tin giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ góp phần tạo ra động lực để những nhà báo viết về giáo dục luôn tìm tòi, phát hiện ra những cá nhân, trường học, mô hình... điển hình để lan toả thông tin tích cực cho xã hội.

Bên cạnh đó cũng phản ánh những mặt hạn chế theo tinh thần xây dựng để giáo dục ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi tác giả tham dự giải đều xứng đáng được ghi nhận vì những bài viết đầy tâm huyết của họ. Và những tác giả đoạt giải chắc chắn sẽ cảm thấy mình được cổ vũ, động viên để tiếp tục thực hiện những bài viết "vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam", nhà báo Mỹ Quyên, Báo Thanh Niên nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ