Giáo dục là vấn đề được đặc biệt quan tâm
Đây là loạt bài báo điện tử theo hình thức longform gồm 5 kỳ: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm; Giáo viên là "nhựa sống" của nhà trường; Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo; Hành trình bền bỉ và kiên nhẫn; Nhân rộng “tế bào” trường hạnh phúc.
Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, đại diện nhóm tác giả cho biết: Tạp chí Ngày Nay là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nên vấn đề giáo dục - một trong những nội dung chính mà UNESCO đặc biệt quan tâm luôn được quan tâm, phản ánh rất sâu.
Mọi vấn đề thường xuyên được tạp chí khai thác, mổ xẻ bằng những loạt bài 4-5 kì để làm sao làm rõ được thông điệp mà loạt bài muốn truyền tải đến bạn đọc. Ở loạt bài mới nhận giải, cả nhóm đã cố gắng kết nối với nhiều chuyên gia, giáo viên trong ngành để đưa ra cái nhìn đa chiều về trường học hạnh phúc.
Xương sống của 5 loạt bài thì vạch ra khá nhanh, nhưng chúng mình đã phải liên hệ và thay đổi chuyên gia phỏng vấn 1 số lần vì không thể hẹn được nhân vật, có khi chững lại một cô giáo phỏng vấn xong lại không muốn lên báo, buộc phải tìm giáo viên khác chia sẻ...
Khi bàn về giáo dục, tạp chí cũng thường khai thác theo hướng bám sát tôn chỉ, hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có mô hình Trường học hạnh phúc, lớp học sáng tạo... Đây là một trong rất nhiều loạt bài về giáo dục mà phóng viên tạp chí Ngày Nay thực hiện công phu và chỉn chu.
Loạt bài "Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ" gây ấn tượng với bạn đọc bởi cách trình bày hiện đại với nhiều nội dung phong phú với thông điệp: Xã hội cần chung tay cùng ngành giáo dục đào tạo xây dựng trường học hạnh phúc, để trẻ em được đến trường trong những nụ cười rạng rỡ.
Nhiều thông điệp được lan tỏa
Những ngôi trường hạnh phúc đã và đang trở thành phong trào sôi nổi do Bộ GD&ĐT phát động trong toàn ngành, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực. Việc nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc đang được coi là hướng đi đúng, giúp học sinh tận hưởng niềm vui mỗi ngày.
Mô hình “trường học hạnh phúc” đã có tiêu chí rõ ràng nhưng theo nhiều chuyên gia, đó không hẳn là một khái niệm mà là cách thức vận hành một trường học để làm sao mỗi học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất khi bước chân vào trường.
Để trường học gây được ấn tượng thú vị, học sinh phải cảm thấy hạnh phúc đầu tiên khi bước chân vào cổng trường. Học sinh thấy yêu mến trường lớp, yêu thầy cô bạn bè, thích được đến trường hàng ngày, đó chính là đích đến của giáo dục.
Chỉ khi được học trong một ngôi trường thú vị, được sống một cuộc sống hạnh phúc bắt đầu từ nhà đến trường, các em học sinh mới có thể tiếp thu bài vở tốt, sau đó là làm những việc có ích cho quê hương, đất nước và xã hội.
Khẳng định những điểm tích cực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đó là lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, áp dụng phương pháp giảng dạy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trẻ em được tạo điều kiện học tập tốt nhất, rèn luyện chú trọng vào kỹ năng sống...
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục chưa thật sự hiểu về chương trình giáo dục mới nên quá trình học tập của các em vẫn chưa được giảm nhẹ ở tất cả các khâu. Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn quá nhiều áp lực phải cạnh tranh nên tình trạng học thêm, dạy thêm khó có thể giảm bớt được. Dạy thêm tràn lan đã “cướp” đi tuổi thơ của trẻ em, đánh mất hạnh phúc của học trò.
Hành trình “dệt” nên cảm xúc hạnh phúc cho học sinh, khơi nguồn sự thân thiện trong đội ngũ giáo viên không phải việc một sớm một chiều, mà là quá trình tác động lâu dài và cần có lộ trình như xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc...
Việc tạo ra một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần có sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc chia sẻ, đây là lần đầu tiên nhóm phóng viên tạp chí Ngày Nay tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Đạt giải thưởng là niềm vinh dự của nhóm tác giả. Qua loạt bài này, nhóm tác giả mong muốn sẽ được lan tỏa thông điệp của trường học hạnh phúc đến mọi người.