Mong một trải nghiệm di sản sâu sắc

GD&TĐ - Có một tâm lí mong thành đạt từ nghiệp học hành ở phần lớn các sĩ tử...

Ông đồ cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ông đồ cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trong nhiều dịp phỏng vấn các bạn trẻ về việc “Vì sao đến Văn Miếu? Vì sao đến đền thờ Chu Văn An? Vì sao xin chữ “đỗ đạt”, “đăng khoa” mỗi dịp Tết?...” tôi đồng tình với nhận định rằng: Có một tâm lí mong thành đạt từ nghiệp học hành ở phần lớn các sĩ tử.

Cũng chính từ đây, khi khảo sát lượng khách viếng thăm các nơi thờ tự như Văn Miếu ở các địa phương hay đền thờ các danh nhân, thì khách hàng “giáo dục”, “khách hàng là học trò” chiếm một số lượng đông đảo. Thế nhưng, tôi thấy, hoạt động ở các di tích này chủ yếu là “bị động” kiểu di sản để truyền thuyết dẫn lối du khách. Trong khi đó, từ phương diện giáo dục, đều có thể làm các hoạt động để định hướng, khơi gợi cho các học trò những cách học để đỗ đạt thật thực chất.

Năm ngoái, với tư cách một chuyên gia giáo dục, tôi được mời thẩm định - góp ý đề án cải tạo, phục dựng và làm mới một số chương trình - hoạt động của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tôi bày tỏ mong muốn các hoạt động được thiết kế để tăng sự trải nghiệm cho du khách, mà trọng tâm hướng đến là “học trò hiếu học”, để qua đó các em nhận thức và có thực hành kĩ năng bồi đắp năng lực tự chủ, tự học trong môi trường thấm đẫm văn hóa dân tộc.

Chẳng hạn, ở hạng mục “trải nghiệm thư pháp” trong hàng trăm “chữ”, “câu đối”, “câu thơ” của các vị danh nhân được ban tổ chức lựa chọn để cho khách du lịch viết, thì có nên đưa ra yêu cầu tiêu chí lựa chọn gắn với những con người mà họ đã trưởng thành từ trường đại học đầu tiên của quốc gia; có nên tái hiện những bối cảnh ra đời hoặc mở mang thành các hoạt cảnh về con người, hoàn cảnh lịch sử (có thể được lưu trữ ở dạng “số hoá”) để du khách thấm được ý nghĩa của những CHỮ, những CÂU họ kính trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thật may là ý tưởng đó rất được hưởng ứng. Vì sự thật là, tất cả những người thành công, rạng danh học vấn đều đã từng khổ HỌC, yêu HỌC và hiểu giá trị của HỌC. Vì thế họ có cách học, cách làm không chỉ thể hiện ở “cần cù, siêng năng” mà còn ở những phẩm chất khác. Chẳng hạn là “tôn trọng”, trọng Thầy, trọng Chữ; “khiêm tốn” để tiếp nhận cái đẹp ở đời, cái đẹp ở muôn nơi; và “dám làm” thể hiện ở sự vượt qua cám dỗ mà tu thân trong bể HỌC, dám lên tiếng và hành động.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, với mục tiêu giúp các công dân tương lai có năng lực, có phẩm chất, thì chương trình đã dành nhiều thời lượng cho hoạt động trải nghiệm. Điều đó có nghĩa là, các hoạt động tại nơi di sản, di tích đã có điều kiện chính quy hóa, được yêu cầu thay đổi về chất lượng, và nội dung.

Ở một cách tiếp cận khác, đó là “hiện đại hoá, công nghệ hoá” di sản sẽ nâng tầm nhận thức và nâng tầm trải nghiệm của di sản. Đồng thời sẽ giúp những người học sinh có thể tiếp cận di sản ở mọi không gian, thời gian chứ không cần đến trực tiếp. Hiện nay nhiều di sản ở Việt Nam đã bắt đầu làm được điều đó như di sản Hoàng thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long,… nhưng sự kết nối với giáo dục thì chưa rõ nét, chưa đi vào đời sống học trò.

Phải làm sao để từ ý nguyện, từ một nét văn hóa có thể trở thành một hoạt động giáo dục ý nghĩa. Không khó làm, khi “học trò muốn, học trò sẽ làm” và cần “được học đúng cách”. Nhưng sẽ trở thành “khó” nếu ai đó cho rằng “mới, và chưa được đào tạo để thực hiện”. Di sản vật chất đã tồn tại cả mấy trăm năm. Di sản tinh thần thành văn hóa, thành “tục lệ” truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ý tôi nói là chỉ “khó” vì không chịu làm đúng, hiểu đúng về di sản, để bày tỏ thành một hoạt động giáo dục. Phải chăng người lớn bị quen thói trải nghiệm xô bồ, nên khó làm cho tụi trẻ điều gì sâu sắc!

Xuân này con gái tôi tự trải nghiệm tại Văn Miếu cùng các bạn. Con đã nhận ra sự khác biệt so với mùa Xuân trước. Con cũng đã có đêm sống trong hoạt cảnh ở Hỏa Lò, ở Hoàng Thành Thăng Long. Con và các bạn chắc ngấm được chút ít. Nên tôi có mùa Xuân ở trong lòng, nên tôi thấy có sự thay đổi ở hành động của các cháu.

Xuân mới, một cách nguyện cầu mới!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ