Đưa 'Nói thơ Vân Tiên' vào chương trình giảng dạy Ngữ văn:

Trân quý di sản văn hóa quê hương

GD&TĐ - “Nói thơ Vân Tiên” là lối nói mộc mạc truyền miệng trong dân gian ở miền Nam, đặc biệt là huyện Ba Tri, Bến Tre, nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với người dân trong 26 năm cuối đời.

Cô Huỳnh Mai (giữa) trong buổi sinh hoạt “Nói thơ Vân Tiên” của Trường THPT Phan Liêm.
Cô Huỳnh Mai (giữa) trong buổi sinh hoạt “Nói thơ Vân Tiên” của Trường THPT Phan Liêm.

Trân quý di sản văn hóa của quê hương, Trường THPT Phan Liêm (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, Bến Tre) đã đưa “Nói thơ Vân Tiên” vào chương trình giảng dạy Ngữ văn cho ba khối lớp của trường từ năm 2018.

Ý tưởng của cô giáo

Người có ý tưởng và đề xuất đưa “Nói thơ Vân Tiên” để dạy học sinh về đạo làm người, lòng yêu nước, tinh thần trượng nghĩa... là cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai - giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Phan Liêm.

Bước đầu, cô đưa phiếu khảo sát qua sự hiểu biết của học sinh về các làng nghề ở huyện Ba Tri, về di sản văn hóa nơi đây như hát sắc bùa Phú Lễ, “Nói thơ Vân Tiên” cho thấy nhận thức của đa số học sinh rất thấp. Từ kết quả khảo sát, cô cùng tổ Văn lập dự án, kế hoạch dạy “Nói thơ Vân Tiên”. Dự án được sự hỗ trợ chuyên môn của cố nghệ nhân Lư Hội - Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa Bến Tre. Khi dự án và kế hoạch được ban giám hiệu chấp thuận, cô đưa học sinh tham quan khu di tích văn hóa quốc gia nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, hợp đồng nghệ nhân dạy các em hát sắc bùa Phú Lễ, nói thơ Vân Tiên. Sau đó, cô chia đội học sinh nói thơ, sinh hoạt nói thơ Vân Tiên theo kỳ. Khi đội nói thơ tương đối nhuần nhuyễn, cô tổ chức hội thi nói thơ, đưa các em giao lưu câu lạc bộ “Nói thơ Vân Tiên” của khu du lịch Hải Vân ở xã Tân Mỹ, Ba Tri, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, học hỏi thêm.

Ở Trường THPT Phan Liêm, việc tổ chức giảng dạy “Nói thơ Vân Tiên” không bắt buộc mà trên tinh thần tự nguyện. Khi đăng ký học “Nói thơ Vân Tiên”, các em chưa biết gì về nói thơ nhưng trải nghiệm rồi lại thích. Học sinh yêu thích nói thơ và nói được.

Việc “Nói thơ Vân Tiên” mang lại hiệu quả tốt trong giáo dục đạo đức học sinh. Qua quá trình tìm hiểu về nhân vật Lục Vân Tiên, tìm chọn các hồi để nói thơ, học sinh học được giá trị đạo đức trong truyện thơ Lục Vân Tiên, đó là lòng yêu nước, hiếu thảo, thủy chung, trung nghĩa, tinh thần nghĩa hiệp... Trong đó có những giá trị sống mà không chỉ phù hợp ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng tôn vinh, giữ gìn.

Em Trần Hữu Phước, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Phan Liêm chia sẻ: “Các dòng thơ của cụ Đồ Chiểu rất hay. Qua tác phẩm, em học được tình yêu quê hương đất nước, tình người với người, tình cha mẹ và con cái... rất có ích cho bản thân”.

Cùng cảm nhận như Phước, em Phạm Văn Trung Hậu, lớp 12A9, cho biết thêm: “Em tự hào được sinh ra và lớn lên ở quê hương cụ Đồ Chiểu. Qua các tác phẩm thơ, em học được lý lẽ làm người, thấy được ý chí của ông cùng những giá trị đạo đức của người dân Nam Bộ. Ý chí vượt khó của cụ Đồ Chiểu trong hoàn cảnh sống mù lòa, nghèo khó mà vẫn giữ đạo nhà, từ chối bổng lộc của giặc thật đáng khâm phục”.

Em Trần Hữu Phước học sinh lớp 11A3 diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”. Ảnh: TG

Em Trần Hữu Phước học sinh lớp 11A3 diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”. Ảnh: TG

Cần nhân rộng, bảo tồn di sản

Đưa “Nói thơ Vân Tiên” vào trường học nhằm bảo tồn di sản văn hóa của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cô Huỳnh Mai có những kinh nghiệm tổ chức tốt. Đó là việc dạy nói thơ phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh; chọn số lượng vừa phải; nghệ nhân không chỉ có khả năng nói thơ mà còn cần có khả năng thực hành truyền dạy. Nhà trường nên tổ chức sân khấu hóa cho học sinh nhập vai khi nói thơ. Việc sinh hoạt nói thơ, thời gian vừa phải, có lồng ghép trò chơi tìm hiểu về truyện thơ Lục Vân Tiên, về tác giả Nguyễn Đình Chiểu sẽ làm cho không khí học tập thêm sinh động, các em dễ tiếp thu giá trị đạo đức qua tác phẩm…

Sau 5 năm đưa “Nói thơ Vân Tiên” vào trải nghiệm với môn học, cô Mai cho biết, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn di sản văn hóa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mà qua đó, còn giáo dục được lòng yêu nước, đạo làm người, tinh thần nghĩa hiệp và nhiều giá trị sống khác trong truyện thơ Lục Vân Tiên.

“Thầy cô giáo nói với học sinh về đạo đức con người, dũng cảm, chính trực... khó có thể tạo nhận thức cho các em làm theo. Nhưng hướng dẫn “Nói thơ Vân Tiên” sẽ dẫn dắt tình cảm của các em vào câu chuyện thơ Lục Vân Tiên với đạo lý làm người, tinh thần nghĩa hiệp... Nói thơ Vân Tiên cảm hóa thuyết phục các em nhanh và nhiều hơn”, cô Mai cho biết trải nghiệm giảng dạy của mình.

Tuy đã có hiệu quả nhất định trong việc dạy trò “Nói thơ Vân Tiên” nhưng cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai vẫn băn khoăn là mô hình hiện mới thực hiện ở Trường THPT Phan Liêm, chưa nhân rộng sang các trường khác. “Tôi mong mỏi được lãnh đạo cấp sở có tác động lớn hơn trong đưa giảng dạy này vào các trường học. Mỗi trường học được cấp kinh phí cho việc giảng dạy, sinh hoạt cho môn học. Nếu không có tác động của các cấp lãnh đạo, không thể duy trì việc nói thơ, di sản văn hóa Nói thơ Vân Tiên sẽ mai một”, cô Mai trăn trở.

“Thơ của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu giản dị, mộc mạc nhưng chuyển tải giá trị đạo đức rất rõ. Kết hợp nói thơ Vân Tiên với hoạt động trải nghiệm môn học, các em có đạo đức tốt”. - Thầy Nguyễn Văn Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Liêm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.