Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019 có hơn 19.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do rất đông; ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.
“Em làm khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản” là hai hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản, tránh lối mòn cũ bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học - học mà chơi, giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần rèn luyện kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm, rèn luyện phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chuyên đề giáo dục lịch sử phù hợp với từng cấp học, gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản với các chủ đề như: Kể chuyện Hoàng thành Thăng Long; lịch sử triều Lý, Trần, Lê; nhân vật sự kiện hai vị Tổng đốc Thành Hà Nội; di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; khám phá lịch sử thành - hào Cổ Loa, kiến trúc thành Cổ Loa…
Cùng với đó, trung tâm tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm tái hiện văn hóa truyền thống của cha ông như: Tết Việt, Tết Đoan Ngọ, Vui Tết Trung thu, thi Đình, triển lãm trò chơi dân gian Việt Nam... để phục vụ chương trình giáo dục di sản, thu hút khách tham quan và học sinh tham gia. Đặc biệt, tại các chương trình này còn có nhiều khu vực tương tác và hoạt động trải nghiệm dành riêng cho học sinh các cấp.
Đề cập đến công tác giáo dục di sản trong nhà trường, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) nhận định: Trong những năm qua, công tác giáo dục di sản cho học sinh bước đầu đem lại hiệu quả, tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện của học sinh. Nhiều học sinh hứng thú hơn với giờ học lịch sử, tích cực tiếp cận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...
Tuy nhiên, để giáo dục di sản không còn là việc tự phát của mỗi nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản trong các trường học. Đây là đơn vị quản lý hai khu di tích quan trọng trên địa bàn thành phố là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa - những khu di tích có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nói chung và học sinh nói riêng.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học tập ngoại khóa cho học sinh các cấp tại các khu di tích. Tại đây, các em được nghe hướng dẫn, thuyết minh và chủ động tìm hiểu hiện vật thông qua việc trả lời câu hỏi trong phiếu hoạt động, chơi trò chơi dân gian, tham gia hoạt động khảo cổ, tự tay làm sản phẩm thủ công truyền thống...
Sự háo hức của học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử qua các câu chuyện, hiện vật... là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các em không quay lưng với lịch sử. Giáo dục di sản đem đến cách tiếp cận và diễn giải lịch sử độc đáo, tạo hứng thú để các em chủ động tìm hiểu, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của học sinh trước các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Đó cũng là nền tảng để các em trở thành công dân Thủ đô có trách nhiệm.