Nhiều ưu điểm
- Bà có thể tóm lược những nét mới và khác của sách giáo khoa (SGK) môn Tự nhiên và Xã hội (TN và XH) 1 trong CTGDPT mới so với SGK môn TN và XH 1 hiện hành?
- Ngoài những nội dung, yêu cầu mới theo quy định CTGDPT mới, SGK TN và XH 1 trong bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được biên soạn với nhiều điểm khác biệt so với SGK hiện hành. Có thể tóm lược những ưu điểm của sách bằng mấy cụm từ và cũng là tiêu chí mà các tác giả tuân thủ để dày công biên soạn sách. Đó là: Hấp dẫn người học; Người học là chủ thể của các hoạt động; Người học được trải nghiệm và khám phá; Người học được hình thành và phát triển năng lực.
- Dạy học môn TN và XH quan trọng ra sao trong quá trình đổi mới giáo dục và giúp học sinh (HS) lớp 1 phát triển toàn diện?
- TN và XH là môn học về các sự vật, hiện tượng của môi trường TN và XH xung quanh. Môn học cần trang bị cho HS những hiểu biết khoa học ban đầu làm cơ sở cho việc học tập các môn học khác và ở các lớp, cấp học trên. Đồng thời việc học tập môn học cũng giúp HS có thêm kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng vào cuộc sống bản thân ở gia đình, trường học và cộng đồng.
Trong SGK mới, các hoạt động được biên soạn đều bắt đầu từ thực tiễn, gắn và kết nối với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với đặc điểm tâm lí của HS lớp 1. Vì vậy, việc học tập môn học theo bộ SGK TN và XH sẽ dễ dàng giúp HS được hình thành và phát triển các kĩ năng sống, là tiền đề cho việc hình thành các phẩm chất và năng lực theo định hướng của CTGDPT mới.
Ảnh minh họa/ INT |
- HS được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn khi học môn TN và XH 1 ở CTGDPT mới?
- Nội dung cơ bản của SGK TN và XH 1 là những kiến thức cơ bản ban đầu về TN&XH xung quanh, được cấu trúc thành các chủ đề và theo đúng trật tự trong CT môn học mới. Đó là 6 chủ đề: Gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, Trái đất và bầu trời.
Dựa vào tỷ lệ thời lượng quy định trong CT môn học cho các chủ đề, chúng tôi đã phân chia thành số tiết tương ứng và xây dựng hệ thống bài học phù hợp.
Một số điểm đáng chú ý của SGK TN và XH 1 mà GV cần lưu ý đó là: Mỗi bài học có 4 phần: Khởi động; khám phá; thực hành; vận dụng. Trong quá trình dạy học GV cần tổ chức đầy đủ 4 hoạt động trên và đặc biệt coi trọng 2 hoạt động sau. Đây là các hoạt động tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm, thực hành, vận dụng để hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực ở người học.
Khác với SGK hiện hành, trong sách TN và XH 1 mỗi bài học gồm 2 hoặc 3 tiết. Mỗi tiết học gồm 2 trang mở. Cuối mỗi bài học có hình ảnh chốt thái độ, hành vi. Đây là gợi ý và mong muốn đạt được ở HS sau mỗi bài. Cuối mỗi chủ đề có hoạt động tự đánh giá của HS và gợi ý một số sản phẩm học tập mà HS có thể tự làm được.
Trong SGK TN và XH 1, đã thiết kế 2 dự án học tập vào học kì 2 của năm học: Trồng và chăm sóc cây; Tìm hiểu bầu trời và thời tiết. Các hoạt động cụ thể của các dự án đều gắn bó mật thiết với các hoạt động của bài học. Đây cũng là hoạt động thực hành để vận dụng kiến thức của bài học vào thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động này có vai trò bổ trợ áp dụng và đào sâu hơn các kiến thức, kĩ năng đã được khám phá qua các bài học kết nối kiến thức với cuộc sống và tạo ra sản phẩm học tập cụ thể.
PGS. TS Nguyễn Thị Thấn – Chủ biên SGK môn TN&XH |
Đội ngũ GV cần được tập huấn kĩ lưỡng
- Bà có tin tưởng vào thực trạng đội ngũ GV khi triển khai chương trình mới?
- Trong những năm trở lại đây có nhiều dự án, mô hình dạy học mới được áp dụng và nhân rộng ở nước ta, giúp GV được làm quen và áp dụng các cách tiếp cận, phương pháp và kĩ thuật dạy học hiện đại.
Các cách tiếp cận, phương pháp, kĩ thuật dạy học… mới đó hoàn toàn phù hợp trong việc dạy học theo CT và SGK mới. Nói cách khác GV sẽ không bỡ ngỡ với các phương pháp dạy học theo SGK mới. Đặc biệt, trong SGK mới chúng tôi đã thiết kế các hoạt động cụ thể GV có thể dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên cũng giống như những lần thay đổi CT và SGK trước GV cũng cần tập huấn để hiểu được những yêu cầu, nội dung của CT mới, làm quen với quan điểm, cách thức, cấu trúc biên soạn SGK mới và cách tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh.
Cách tập huấn hiệu quả theo tôi nên là trực diện và cụ thể thông qua các hoạt động để học viên cùng tham gia. Cùng với việc tập huấn trực tiếp nên kết hợp sử dụng các băng hình minh họa cách tổ chức các hoạt động dạy học theo SGK mới.
- Có ý kiến cho rằng, cần đội ngũ GV chuyên ngành giảng dạy bộ môn TN và XH. Có như vậy mới đạt hiệu quả cao cho môn học. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
- Tôi được biết, nhiều trường tiểu học đã áp dụng mô hình GV dạy chuyên môn TN&XH. Tôi ủng hộ chủ trương này vì: GV chuyên dạy môn học sẽ đầu tư tìm hiểu nghiên cứu môn này nhiều hơn, họ sẽ hiểu sâu hơn về nội dung cũng như phương pháp dạy học môn học. Hơn nữa họ cũng được dạy nhiều giờ học hơn nên được “cọ sát” nhiều hơn.
Trong thực tiễn dạy học ở trường TH, phần lớn thời gian và công sức GV phải tập trung cho các môn Toán và Tiếng Việt, cho nên thời gian và công sức đầu tư cho môn học này rất ít. Vì vậy, nếu được dạy chuyên một môn TN và XH GV sẽ luôn có nhu cầu và thời gian tìm hiểu để bổ sung kiến thức khoa học và phương pháp dạy học.
Nếu việc để GV chuyên dạy môn TN và XH trở thành đại trà, dần dần các trường đào tạo GV sẽ có cách điều chỉnh chương trình đào tạo của mình, hoặc GV dạy chuyên đó sẽ lo học tập thêm để nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, để dạy học theo CT và SGK lớp 1 mới, thì đối tượng GV nào cũng cần tập huấn cẩn thận để có thể hiểu rõ ý đồ của SGK mới.
Để TN&XH không còn là môn học “phụ”
- Để hiểu đúng tầm quan trọng của môn học, GV cần lưu ý gì trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá?
- Việc phụ huynh coi đây là môn học “phụ” vì môn học ít được sử dụng để kiểm tra và đánh giá HS trong chuyển lớp, chuyển cấp. Để khắc phục tình trạng này thì cần đưa việc đánh giá các môn học vào các kì cuộc, nhất là thi tuyển sinh ĐH và CĐ. Trong vài năm trở lại đây hình thức tuyển sinh ĐH và CĐ của Bộ GD&ĐT đã phần nào khắc phục được tình trạng này. Điều này sẽ dần thay đổi cách nghĩ của phụ huynh HS và HS ở lớp lớn.
Riêng với HS tiểu học các em không phân biệt môn nào chính hay môn nào phụ, các em sẽ thích học môn nào miễn là việc học tập môn đó mang lại niềm vui. TN và XH là môn học về các sự vật, hiện tượng cụ thể gần gũi với HS nên HS có nhiều kinh nghiệm và vốn sống để tham gia tìm hiểu, khám phá nội dung bài học. Ở các giờ học môn học này HS được phát huy tối đa tính tích cực, tính sáng tạo của mình. Vì vậy, HS luôn yêu thích môn học và các giờ học TN và XH. Qua trao đổi với GV các địa phương được biết, cả GV và HS đều mong muốn được dạy - học môn TN và XH nhiều hơn.
TN và XH là môn học về các sự vật và hiện tượng của môi trường TN&XH xung quanh nên dạy học ngoài thực địa, dạy học ngoài thiên nhiên được coi là hình thức tổ chức dạy học đặc trưng. SGK TN và XH 1 được biên soạn khuyến khích tối đa việc tổ chức bên ngoài lớp học như: Ở sân trường hay khu vực xung quanh trường…
PGS. TS Nguyễn Thị Thấn – Chủ biên SGK môn TN&XH