Bệnh nhân N.H.L. (17 tuổi, trú tại Hà Nội), vốn khỏe mạnh, đột ngột sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, đau đầu, lơ mơ, giảm ý thức. Trong hơn 30 ngày điều trị tại nhiều cơ sở y tế, tình trạng không cải thiện, ý thức ngày càng giảm, kèm suy hô hấp tăng dần. Các bác sĩ ban đầu nghi ngờ viêm não do virus hoặc viêm não tự miễn, song chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng.
Khi chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được đánh giá toàn diện và xác định dương tính với viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, tổn thương thần kinh nặng nề, phải thở máy kéo dài. Dù đã được cai máy thở thành công, nhưng ý thức không phục hồi. Hiện, bệnh nhân không thể tự ăn uống hay vận động, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình.
ThS.BS Hà Việt Huy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản do virus Japanese Encephalitis Virus (JEV) là bệnh lý gây tổn thương trực tiếp mô não - khác với viêm màng não vốn chỉ ảnh hưởng lớp màng bao quanh não - nên mức độ nghiêm trọng cao hơn nhiều. Di chứng để lại thường nặng nề và khó phục hồi, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Viêm não Nhật Bản thường xảy ra vào mùa Hè, thời điểm muỗi truyền bệnh hoạt động mạnh sau khi hút máu chim di cư mang virus. Đây là giai đoạn nguy cơ cao mà các gia đình cần đặc biệt cảnh giác.
BS Huy khuyến cáo: “Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng ngừa hiệu quả và bắt buộc đối với trẻ em. Không nên chờ đến khi có triệu chứng mới điều trị, bởi khi bệnh đã khởi phát, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng là rất cao. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sống ở khu vực miền Bắc cần được tiêm đúng lịch và đầy đủ”.