Giáo viên "thổi hồn" vào các sản phẩm CNTT

GD&TĐ - Tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2019 do Báo Giáo dục Thời đại phối hợp với Microsoft tổ chức, có rất nhiều dự án độc đáo, thú vị được các giáo viên giới thiệu.

Cô Trần Thị Yến Nhi, tác giả dự án “Người bạn thực tế ảo”
Cô Trần Thị Yến Nhi, tác giả dự án “Người bạn thực tế ảo”

Công nghệ là một món quà

Là tác giả dự án “Người bạn thực tế ảo”, cô Trần Thị Yến Nhi- giáo viên Trường Wellspring (TPHCM) chia sẻ: Với những người làm công tác giáo dục, công nghệ đã đem đến những bước đột phá, là món quà nên tôi muốn trao tặng nó cho những học sinh yêu quý để cuộc sống các em trở nên ý nghĩa hơn.

Cô Nhi luôn trăn trở làm thế nào để công nghệ thông tin thực sự hữu ích với giáo viên, học sinh; làm thế nào để học sinh có thể vừa tiếp cận sớm với công nghệ vừa không rời xa cuộc sống thường ngày; vừa sáng tạo vừa sống nhân ái.

Hơn nữa, hiện nay do đời sống quá bận rộn nên nhiều cha mẹ không thực sự quan tâm đến con trẻ, nhiều trẻ em dường như bị “bỏ rơi” ngay trong chính gia đình của mình.

Điều đó thôi thúc cô Nhi cùng với cô Lâm Đông Phi – một giáo viên dạy mĩ thuật quyết tâm thực hiện một điều gì đó để thay đổi nhận thức cho các bậc phụ huynh đồng thời khuyến khích, động viên trẻ thể hiện chính bản thân mình. Và dự án “Người bạn thực tế ảo” đã ra đời.

Đây là một dự án liên môn, đóng vai trò chủ đạo là môn Tin học và Mỹ thuật. Đối tượng thực hiện dự án là học sinh lớp 3. Dự án được thực hiện nhằm tạo môi trường cho học sinh tiếp cận công nghệ một cách an toàn. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm, thực làm thực học cùng với Steam. Giúp các em phát triển trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tình yêu với khoa học và nghệ thuật.

Khi được hỏi về ý nghĩa mà dự án đưa lại, cô Trần Thị Yến Nhi chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện dự án, chúng tôi thấy rất thú vị, có động lực là phải làm được, làm ngay.

Cô Hoàng Thị Minh Hoa với dự án "Hãy kể tôi nghe chuyện tuổi 16 của bạn"
Cô Hoàng Thị Minh Hoa với dự án "Hãy kể tôi nghe chuyện tuổi 16 của bạn"

Công nghệ giúp bài giảng thú vị hơn

Tác giả của Dự án liên môn Văn học- Tin học "Hãy kể tôi nghe chuyện tuổi 16 của bạn", cô Hoàng Thị Minh Hoa, giáo viên Ngữ văn của trường Đinh Thiện Lý (TP HCM), cho rằng công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để kết nối kiến thức với thực tế và với các môn học khác, giúp bài giảng thú vị hơn.

Cô Hoa kể trước đây khi chưa biết nhiều về công nghệ, cô ra đề bài yêu cầu học sinh kể lại tác phẩm bằng giọng văn của mình, sau đó các em viết ra thành bài kiểm tra và cô thu lại để chấm.

Ban đầu, cô Hoa nghĩ rằng như vậy là ổn nhưng từ khi thực hiện dự án liên môn Ngữ văn – Tin học cách đây hơn một năm, cô bắt đầu nhận thấy cách làm đó không hề ổn chút nào bởi nó không phát triển được sự sáng tạo của học sinh.

Giờ đây, với nội dung văn tự sự, cô Hoa yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện về tuổi 16 của chính các em. Cô chia lớp thành nhiều nhóm, các em trong cùng một nhóm sẽ tập hợp bài lại, vẽ, thiết kế hoặc chụp ảnh minh họa cho bài rồi dùng các công cụ công nghệ như Word, Power Point để tạo thành cuốn sách.

Sản phẩm đem nộp không còn là một bài kiểm tra nữa. Điều này khiến các em hào hứng. Giáo viên chấm bài thấy sự sáng tạo của học sinh cũng trở nên vui hơn.

Cô Trần Thị Minh Hậu thuyết trình dự án
Cô Trần Thị Minh Hậu thuyết trình dự án

Công nghệ giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức

Đến từ Lào Cai, cô Trần Thị Minh Hậu rất tâm huyết với dự án: Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là dự án thuộc lĩnh vực KHXH và hành vi, tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lí, GDCD, văn học cũng như ứng dụng CNTT vào các bài học.

Cô Hậu cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong học tập và nghiên cứu sẽ góp phần làm cho học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, hoàn thiện đầy dủ các kĩ năng.

Khi học sinh khi tham gia dự án sẽ có những nhận thức đúng đắn về bảo vệ biên giới nói chung và của bảo vệ chủ quyền biên giới tỉnh Lào Cai nói riêng trong tình hình mới. Học sinh hiểu được về quyền và nghĩa của mình trong việc bảo vệ chủ quyền BGQG.

Rèn cho học sinh kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng tư duy, phản biện, phân tích. Đặc biệt là kĩ năng nghiên cứu khoa học, thu thập dữ liệu, phân tích được rõ nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng, rút ra kết luận khoa học về hiệu quả của những giải pháp mới tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi của học sinh THPT trong việc bảo vệ chủ quyền BGQG.

Qua dự án giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Học sinh thấy được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền BGQG là trọng tâm, là niềm tự hào thiêng liêng cao cả. Thế hệ trẻ ngày nay phải có trách nhiệm tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của tổ quốc, đồng thời phải phấn đấu rèn luyện để xây dựng quê hương đất nước.

Nói về hiệu quả của CNTT trong giảng dạy, cô Hậu cho biết: Nhờ các công cụ như Skype, cô có thể hướng dẫn, giảng cho các học sinh mọi lúc, mọi nơi, không kể trên lớp học. Công cụ này cũng giúp các em dễ dàng học nhóm hơn và không khí học tập hay làm bài tập về nhà trở nên thoải mái hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.