Đến ngày này, không chỉ là học sinh, phụ huynh mà toàn xã hội thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo của mình, với người thân của mình bằng nhiều cách khác nhau, có thể tặng một bó hoa tươi thắm hoặc một món quà ý nghĩa hay chỉ đơn giản là một cuộc điện thoại với lời chúc sức khỏe,…Đây là nguồn động viên to lớn góp phần tiếp thêm nghị lực để thầy cô giáo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Nhiều năm trước, một số nhà trường và nhiều thầy cô tuyên bố là không nhận quà nhân ngày 20 tháng 11 nhưng xét ở góc độ nào đó, thì tuyên bố đó cũng chưa hợp tình hợp lý, bởi, quà là tượng trưng cho tình cảm giữa thầy và trò, là nét đẹp văn hóa “tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay, do vậy, việc ngăn cấm hay từ chối nhận quà nhân ngày 20 tháng 11 sẽ mất đi ý nghĩa của ngày này.
Tôi còn nhớ khi còn học trung học, đến ngày ngày 20 tháng 11 thì các bạn trong lớp đều góp tiền để mua quà tặng thầy cô. Hồi đó, mỗi bạn chỉ góp 2.000 đồng là có thể mua được nhiều món quà lưu niệm và được các bạn gái xem phong gói lại rất cẩn thận. Khi đến nhà thầy, cô, học trò được mời vào uống nước, ăn bán, kẹo. Ngoài món quà tặng đơn sơ, giản dị nhưng rất ý nghĩa thì thầy, cô còn nghe học trò gửi đến những lời chúc chân thành, những bài hát ca ngợi về tình thầy trò…Cảm xúc đó thật ý nghĩa và đáng nhớ!
Thế nhưng ngày nay, với sự hối hả của cuộc sống, môi trường học tập của học sinh bây giờ đã có nhiều thay đổi. Phụ huynh nào cũng mong giáo viên quan tâm, giúp đỡ con em mình nên để tỏ chút lòng thành, nhân ngày 20 tháng 11 nhiều phụ huynh chuẩn bị những món quà đắt tiền, chở con đến tận nhà để tặng thầy cô, chứ không cho các em tự góp tiền và đi chung với các bạn cùng lớp; nhiều trường hợp, phụ huynh chọn cách bỏ tiền vào phong bì để biếu thầy cô nhân ngày này.
Tôi biết chắc rằng, nhiều thầy cô cũng không đồng tình khi phụ huynh làm như vậy, bởi Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày xã hội tôn vinh nhà giáo, là ngày mà giữa thầy và trò được giao lưu tình cảm thông qua những lời thăm hỏi, động viên nhau để thi đua dạy tốt, học tốt.
Thông qua ngày này, thầy cô cũng phải nhìn lại mình, khắc phục những khó khăn, khuyết điểm để nâng cao chất lượng dạy học; học sinh thì cũng phải ra sức học tập để không phụ tấm lòng của thầy cô. Không nên nhân ngày này mà phụ huynh lại tôn vinh thầy cô bằng tiền, bằng giá trị vật chất…với suy nghĩ là sẽ đổi lại sự quan tâm của thầy cô đối với con mình, đây là sự lệch chuẩn, biến tướng cần biện pháp ngăn chặn.
Về phần quà chuẩn bị cho con tôi tặng cô nhân ngày 20 tháng 11 thì vợ tôi đã chuẩn bị từ lâu. Món quà chỉ có giá trị tinh thần, đó là tấm vải thêu chữ về tình thầy trò, được vợ tôi gói rất xinh xắn và đợi đến ngày sẽ đưa cho con mang đến trường tặng cô. Tôi cho rằng cách làm của vợ tôi như thế là phù hợp, đúng đắn.
Và tôi cũng chợt nghĩ: “Ngày 20 tháng 11 ở các trường tại địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì như thế nào. Học sinh thì nghèo không có tiền mua quà để tặng thầy cô. Chắc có lẽ thầy và trò sẽ quấn quýt, tự động viên nhau vượt qua những khó khăn để học tập, để các em có tương lai tươi sáng, góp phần xây dựng địa phương thoát nghèo, phát triển”. Nghĩ về thầy cô đang công tác nơi đây, tôi cảm thấy trân trọng và tự hào về họ biết bao!