Món quà âm nhạc ý nghĩa dành cho trẻ em trước thềm Tết Trung thu

GD&TĐ - Vở nhạc kịch "Đồng dao cổ tích" được kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để khán giả cảm nhận được những giá trị sống nhân văn, sâu sắc.

Xuyên suốt vở nhạc kịch là chuyến phiêu lưu của 2 chị em Thi Ca - Thi Họa với nhiều nhân vật trong cổ tích lẫn hiện đại.
Xuyên suốt vở nhạc kịch là chuyến phiêu lưu của 2 chị em Thi Ca - Thi Họa với nhiều nhân vật trong cổ tích lẫn hiện đại.

Lan tỏa những giá trị tích cực

Được công diễn chính thức cách đây ít ngày tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), vở nhạc kịch "Đồng dao cổ tích" đã thực sự chinh phục được đông đảo khán giả, nhất là các em nhỏ bởi sự đầu tư chỉn chu về kịch bản, trang phục, ý tưởng cũng như thông điệp và giá trị nghệ thuật.

Nhạc kịch kể về hành trình của hai chị em Thi Ca và Thi Họa ở thế giới hiện đại đi lạc vào thế giới cổ tích trên chuyến xe xuyên không.

Một câu chuyện thần kỳ của thế giới song song được bắt đầu, nơi đó hiện đại xen lẫn cổ tích, cái thiện và cái ác không có ranh giới. Tất cả cùng hòa quyện thành một bản nhạc lúc trầm lúc bổng, khiến người xem vô cùng thích thú.

Các nhân vật cô Tấm - cô Cám xuất hiện trong nhạc kịch với vũ đạo và trang phục ấn tượng.

Các nhân vật cô Tấm - cô Cám xuất hiện trong nhạc kịch với vũ đạo và trang phục ấn tượng.

Từ chuyến xe xuyên không, khán giả đã được gặp lần lượt các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Một ông Bụt thất nghiệp ở thế giới hiện đại nhưng vô cùng mẫn cán và nhiệt huyết ở thế giới cổ tích. Cứ hễ nghe tiếng trẻ em khóc là ông Bụt lập tức xuất hiện để cứu nguy.

Một cô Cám không hề mang dã tâm độc ác như "cái bóng" lâu nay vẫn bị đè nặng trong tâm trí nhiều thế hệ. Trái lại, nhân vật Cám có giọng hát rất hay và trong sâu thẳm tâm hồn luôn mong muốn tất cả mọi người được yên bình, hạnh phúc.

Tác giả Quyên Trần - Chủ nhiệm chương trình "Đồng dao cổ tích".
Tác giả Quyên Trần - Chủ nhiệm chương trình "Đồng dao cổ tích".

Nhân vật Thánh Gióng với dáng đứng hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất hiện lên vô cùng gần gũi đã dạy chúng ta biết rèn luyện tăng cường sức khỏe. Sơn Tinh và Thủy Tinh đã quyết định dừng cuộc chiến để giữ hòa bình, tạo nên bức tường đoàn kết cùng nhiều nhân vật khác.

Tác giả Quyên Trần - Chủ nhiệm chương trình "Đồng dao cổ tích" chia sẻ, mục đích của dự án này là muốn phá vỡ những định kiến rằng nhạc kịch phải được làm nên bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp với rất nhiều tiêu chuẩn về mặt diễn xuất, giọng hát, đối tượng khán giả… Tuy nhiên, 100% diễn viên ở chương trình lần này chưa từng qua khóa học diễn xuất nào trước khi nhận vai.

Đây là một dự án được đầu tư phát triển trong nhiều năm với nhiều tâm huyết. Các bạn đã lựa chọn đến với không gian âm nhạc được dệt nên bởi các loại nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn tì bà, trống dân tộc, sáo trúc, đàn tứ, đàn nhị, cồng chiêng, tam thập lục…

“Đồng dao cổ tích” không chỉ là một vở diễn sân khấu, mà là sự tôn vinh di sản phong phú của dân tộc và những câu chuyện vượt thời gian đã hình thành nên ý thức tập thể của chúng ta.

Những trải nghiệm khó quên

Các nhân vật như ông Bụt, Thánh Gióng lần lượt xuất hiện trong vở nhạc kịch với thông điệp hướng tới cái thiện để lan tỏa những điều tốt đẹp.

Các nhân vật như ông Bụt, Thánh Gióng lần lượt xuất hiện trong vở nhạc kịch với thông điệp hướng tới cái thiện để lan tỏa những điều tốt đẹp.

Trong vai "Thi Ca" - Đồng Hiền Trang Anh (SN 2007) đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ niềm vui và hạnh phúc vì đã thể hiện thành công vai diễn của mình một cách xuất sắc. Qua dòng chảy của thời gian, những thanh âm truyền thống đã trở thành di sản, là "kho báu" tinh thần quý giá mà cha ông ta từ ngàn đời xưa đã để lại cho ngày nay.

"Em mong muốn khi khán giả đến với Đồng dao cổ tích sẽ được hòa vào dòng chảy bất tận của văn hóa, niềm tin và tình yêu. Chúng ta cùng nắm tay nhau hòa mình vào không gian kết nối của quá khứ - hiện tại - tương lai trong vở nhạc kịch. Qua đó cũng sẽ truyền cảm hứng đến với các bạn trẻ thêm yêu những di sản văn hoá đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam" - Trang Anh tâm sự.

Vở nhạc kịch là sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại.
Vở nhạc kịch là sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại.

Đỗ Thế Gia Long, học sinh lớp 6G3 Trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm vô cùng thích thú khi lần đầu diễn trên sân khấu và được đóng vai chính "Thi Họa". Long có niềm yêu thích nghệ thuật và thể thao nên rất muốn được thử sức ở chương trình này.

Với khả năng diễn xuất thông minh, nhí nhảnh nhưng cũng đầy cảm xúc cùng với bạn diễn của mình, cả Trang Anh và Gia Long rất thành công trong vai trò dẫn dắt câu chuyện của thế giới cổ tích xen lẫn thế giới hiện đại, đem lại tiếng cười sảng khoái cho các khán giả.

Cậu bé Nguyễn Ngọc Đăng (đeo kính) cùng các bạn diễn đã thể hiện tốt vai trò của mình.

Cậu bé Nguyễn Ngọc Đăng (đeo kính) cùng các bạn diễn đã thể hiện tốt vai trò của mình.

Vào vai một cậu bé ở thế giới hiện đại, em Nguyễn Ngọc Đăng - học sinh lớp 2CI3 hệ Cambridge, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chính sự hỗ trợ từ ban tổ chức, sự đồng hành từ gia đình đã giúp em vượt qua chính mình để thể hiện tốt vai trò của mình trong vở nhạc kịch.

Đăng có sở trường về ngoại ngữ, ca hát và đọc sách để tự trau dồi thêm kĩ năng cho bản thân. Tham gia chương trình này, em thêm yêu những giai điệu của nhạc cụ dân tộc, các bài đồng dao và mong muốn lan tỏa tới các bạn nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ