Câu trả lời có ở trong vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” – món quà đặc biệt ý nghĩa mà Nhà hát Tuổi trẻ dành tặng khán giả nhí trong dịp Tết Trung thu này.
Hòa vào sự khác biệt
Một gia đình yêu tinh trú ngụ trong khu rừng xanh lá, ngày ngày cùng vui hát ca “rừng xanh cho tôi bao ước mơ…”. Chúng đề phòng, bất an mỗi khi con người xuất hiện thường gieo tai ương tới rừng xanh: Bạt lá, cưa cây thậm chí đốt lửa thiêu rụi những khoảng xanh mướt.
Dù gia đình yêu tinh ấy nỗ lực cùng với cộng đồng báo động rồi gắng sức chữa lành cho rừng, cây cỏ… trở về với sự xinh đẹp ban đầu nhưng vẫn không xuể nếu sự tàn phá ấy cứ liên tiếp xảy ra.
Nhất là, cộng đồng yêu tinh đặc biệt dặn nhau rằng, không được nhìn vào mắt con người để không bị tan biến – như một lời nguyền từ xa xưa… Liệu rằng, nguyên tắc ấy sẽ được yêu tinh bố, yêu tinh mẹ tuân thủ thực hiện triệt để, luôn tránh xa, bỏ mặc con người dù ở bất kỳ tình huống, bối cảnh nào hay họ sẵn sàng phá lệ khi một thiên thần nhỏ đáng yêu từ thế giới con người không may bị lạc cha mẹ như cô bé Leah xuất hiện?
Đấy là câu chuyện được viết dựa trên truyện ngắn cùng tên của nữ nhà văn đầu tiên giành giải Nobel văn học – bà Selma Lagerlöf (Thụy Điển) mà vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” muốn kể bằng âm nhạc, giai điệu cùng diễn xuất ngọt ngào, nhí nhảnh, hồn nhiên của các nghệ sĩ: Huy Hoàng, Quang Trọng, Mai Hằng, Yến Nhi, Hải Ninh, Thanh Nhàn, Mai Lan…
Khi đó, một thế giới của những xung đột, đấu tranh được mở ra và dẫn dắt khán giả nhí cùng trải nghiệm, khám phá trong niềm thích thú, hưng phấn suốt thời gian của vở diễn.
Ở đó có sự ích kỷ sống cho riêng mình, cứng nhắc tuân thủ lời nguyền (yêu tinh bố) cùng tấm lòng nhân ái, bao dung tràn đầy tình yêu thương, sẵn sàng gạt đi mọi khác biệt và dũng cảm bước qua lời nguyền (yêu tinh mẹ - “nhưng có sao đâu, vì chỉ là một đứa bé thôi mà…”) để mở rộng vòng tay cứu giúp, chở che cho một sự sống khác biệt – cô bé Leah...
Cùng với những tràng cười nắc nẻ trước sự cãi vã của yêu tinh bố và yêu tinh mẹ, nhất là lúc gia đình này không thể hiểu nhau vì bất đồng ngôn ngữ với Leah hay gặp phải hành động kỳ cục, khác thường của cô bé, không ít bạn nhỏ còn thực sự khoái chí vì thấy mình ở trong đó.
Chăm chú thưởng thức vở nhạc kịch cùng mẹ và em trai, gặp phân cảnh yêu tinh bố đuổi cô bé Leah khi thấy yêu tinh mẹ có nguy cơ bị tan biến, ở hàng ghế khán giả, cô bé Hà My quay ra nói với mẹ: “Ở nhà bố cũng đuổi con đi như thế mẹ ạ. Con cãi bố là: Bố ra khỏi nhà trước đi…”.
“Con thấy không, là vì bố quá lo lắng khi con chưa ngoan mà thôi chứ bố cũng rất yêu thương các con”, người mẹ khẽ khàng giải thích.
Và sau những rộn ràng trong trẻo ấy, khán giả còn được lắng lại trong bao phút giây xúc động khi tất cả rào cản được gỡ bỏ - kể cả tòa tháp đá - tín vật tâm linh của cộng đồng yêu tinh - chỉ còn lại những yêu thương, kết nối. Nhất là giấc mơ ấm áp của gia đình yêu tinh.
Còn gì ngọt ngào hơn khi con trẻ được đón nhận, ấp iu, che chở từ vòng tay của mẹ cha. Điều đặc biệt ở đây, dẫu có thể những người cha, người mẹ ấy không phải là người sinh thành, thậm chí ban đầu còn ngờ vực, ghét bỏ, đuổi đứa trẻ ra khỏi khu rừng (yêu tinh bố) nhưng khi đã được thấu hiểu, trái tim rộng mở đón nhận thì sẽ dệt nên một cuộc sống diệu kỳ.
Với bố mẹ là niềm hãnh diện: “Môi con yêu như ánh sao, đẹp tựa như ánh trăng, trên đời có gì sánh được bằng điều quý giá nhất là con…”. Với con trẻ là ước mong: “Yêu thương con đừng xa rời, xua tan đi bao tăm tối chở che con…”. Từ đó, họ cùng “chung tiếng hát, tiếng nói, tiếng cười trong không gian với muôn loài, mơ ta mơ giấc mơ đi nào, trong tình yêu tình thương…”.
Vở nhạc kịch 'Đứa con của yêu tinh' là dự án hợp tác thành công giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc). Ảnh: Bình Thanh. |
Khán giả nhí cười khoái chí khi thấy câu chuyện của gia đình yêu tinh giống với gia đình mình. Ảnh: Bình Thanh. |
Tiếp cận hiệu quả
Cậu bé lên 5 lần đầu được mẹ đưa đến nhà hát xem nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” có phần bẽn lẽn bày tỏ cảm xúc và ngại ngùng khi cuối buổi các nghệ sĩ giao lưu, chụp hình. Nhưng trong suốt quá trình thưởng thức, cậu bé rất chăm chú. Vở diễn vừa tắt đèn chuyển cảnh, cậu liền ghé tai mẹ hỏi có còn tiếp nữa không.
“Lần đầu tiên cho con đi xem kịch, tôi đã khá lo lắng, dặn con cần trật tự, tập trung, không rời khỏi chỗ khi nghệ sĩ đang biểu diễn. Vậy nhưng, trái với sự lo lắng của tôi, con không bị chán mà đã rất tò mò, mong chờ những cảnh tiếp theo”, chị Thùy Giang (Đống Đa) vui mừng nói.
Chia sẻ thêm, chị Thùy Giang cho rằng cách tiếp cận khán giả nhí bằng nhạc kịch như vở diễn rất hiệu quả qua một bản dựng gọn ghẽ, logic, ca khúc hay phù hợp với trẻ thơ ở độ tuổi nhi đồng, thời lượng hợp lý.
Cùng với đó, diễn viên diễn xuất tự nhiên; ca hát, nhảy múa đẹp; thể hiện các ca khúc truyền cảm và có sự tương tác nên các bạn nhỏ thêm hào hứng. Nhất là, thông điệp rõ ràng về việc bảo vệ môi trường trong “Đứa con của yêu tinh” được chị Giang đặc biệt quan tâm vì chị đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Khán giả nhí thích thú chụp hình kỷ niệm với yêu tinh mẹ - nhân vật trong vở nhạc kịch 'Đứa con của yêu tinh'. Ảnh: Bình Thanh. |
“Đây là điều chúng tôi muốn nói mỗi khi đi qua các cánh rừng ở miền núi, nhất là khu vực Tây Nguyên có nhiều đồi trọc, lòng xót xa vô cùng. Qua “Đứa con của yêu tinh”, các em nhỏ được tiếp cận và xây viên gạch đầu tiên về ý thức bảo vệ môi trường nên vở diễn càng trở nên ý nghĩa.
Hy vọng với sự giáo dục sớm về thông điệp xanh, thông điệp hòa bình qua những ca khúc vui nhộn mà không kém phần duyên dáng sẽ ngấm sâu vào con trẻ để chúng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Tôi có góp ý nhỏ, vở diễn cần có thêm những chi tiết đời thường gắn với trẻ nhỏ như: Vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh cá nhân sạch sẽ… Những điều đó với người lớn có thể rất đỗi bình thường, đơn giản nhưng với các bạn nhỏ lại rất mới và cần phải học để tạo thành nếp. Cộng hưởng vào đó là việc tranh thủ sự háo hức, ấn tượng của các bé với lời thoại, hành động của nghệ sĩ sẽ trở thành kênh giáo dục hiệu quả”, chị Thùy Giang bày tỏ.
Trong khi đó, mặc trên mình bộ trang phục nặng khoảng 17kg và vô cùng nóng bức nhưng yêu tinh bố (nghệ sĩ Huy Hoàng) và yêu tinh mẹ (nghệ sĩ Mai Hằng) vẫn thấy không hề gì. Hai nghệ sĩ chia sẻ niềm vui cũng như sự ấm lòng khi được khán giả không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn thích thú dõi theo câu chuyện họ kể.
“Ngoài bộ trang phục khủng, yêu tinh mẹ còn phải đi đôi guốc tăng chiều cao hơn 10 phân… Nhưng những điều đó không có gì là khó khăn đối với chúng tôi khi biết rằng sau những nỗ lực này luôn có sự động viên, yêu thương của tất cả mọi người”, yêu tinh mẹ - nghệ sĩ Mai Hằng - vừa lau dòng mồ hôi trên má vừa vui vẻ giao lưu với khán giả.
Còn hai nghệ sĩ trẻ Quang Trọng và Hải Ninh thì dí dỏm kể về việc đảm nhiệm nhân vật dẫn chuyện (Ting và Pick) tinh nghịch, nhí nhảnh nhưng cũng không kém phần sâu sắc khi đặt ra những câu hỏi: “Giá như mình có bố mẹ thì tốt biết mấy nhỉ?”, “Bố mẹ chúng mình ở đâu nhỉ?”, “Trên đời này, làm gì có bố mẹ nào đuổi con mình ra khỏi nhà cơ chứ? Tất cả những đứa trẻ trên thế gian này đều phải được bảo vệ”...
Để có thể đem đến cho khán giả sự yêu thích với nhân vật, hai diễn viên đã phải vượt qua không ít sự khó khăn, và thú vị là: Họ có sự hoán đổi điều này cho nhau.
Một người là diễn viên kịch mà phải nhảy múa, ca hát và một người là ca sĩ mà phải diễn kịch từ thuộc lời thoại và chuẩn về đài từ đến việc bắt mạch cảm xúc để khóc - cười trong mỗi tình huống. Tuy nhiên, cả hai đều cố gắng vượt qua thử thách và hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc. Thậm chí Quang Trọng còn “mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục được tham gia nhiều vở nhạc kịch…”.
Là dự án hợp tác với Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc), vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” được Nhà hát Tuổi trẻ triển khai dàn dựng trong hai năm qua.
Vở diễn có sự tham gia của các chuyên gia sân khấu, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, diễn viên của hai nhà hát như: Kim Bami (kịch bản/soạn lời), Kim Haesung (soạn nhạc), Son Jieun (đạo diễn), Kim Hyohwan (đạo diễn âm nhạc), Lại Huy Hoàng (đạo diễn sân khấu), NSƯT Lê Ánh Tuyết - Trần Thế Cường (đạo diễn âm nhạc), Vương Mai Lan (biên đạo)…
Đánh giá cao sự chuyên nghiệp của Nhà hát Tuổi trẻ, ông Um Dongyoul, Giám đốc Nhà hát SangsangMaru cho rằng, các hoạt động giao lưu hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn chưa phát triển xứng tầm, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu trình diễn dành cho thiếu nhi.
Vì vậy, “việc hợp tác này góp phần phát triển văn hóa biểu diễn của cả hai nước thông qua các hoạt động đồng sáng tạo, đồng sản xuất, tổ chức giao lưu, biểu diễn và trao đổi các chương trình giáo dục nghệ thuật trong tương lai.
Chúng tôi đã thống nhất sẽ cùng nhau tích cực học hỏi, trao đổi, vượt qua các khác biệt, cùng hướng đến một viễn cảnh tốt đẹp cho khán giả nhỏ tuổi ở cả hai đất nước chúng ta”, ông Um Dongyoul nhấn mạnh.
NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì tin tưởng: “Dự án sẽ mang đến một làn gió mới đối với hoạt động trình diễn phục vụ thiếu nhi tại Việt Nam, góp phần đưa diện mạo biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em tiếp cận với các trào lưu nghệ thuật đương đại trên thế giới”.
Sau những đêm diễn ra mắt thành công vừa qua, vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” tiếp tục có các suất diễn cùng khán giả nhí đón Tết Trung thu tại rạp số 11 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội), lúc 20 giờ các ngày 23, 24 và 30/9; riêng suất diễn ngày 1/10 mở màn lúc 15 giờ.