Vào 20 giờ ngày 26/3, Nhà hát Tuổi trẻ đã trình diễn vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” do NSƯT Ánh Tuyết đạo diễn. Đây là hoạt động mở đầu cho loạt chương trình biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ sau đại dịch Covid-19.
Vở nhạc kịch nằm trong khuôn khổ dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” do Thành Đoàn Hà Nội cùng Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng việc thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 5/2018.
Sử dụng hình thức hướng nghiệp bằng thể loại nhạc kịch là một bước đột phá trong việc đổi mới hình thức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, mới lạ và hấp dẫn hơn. Dự án nỗ lực thay đổi tư duy của phụ huynh, nhà trường và học sinh về tầm quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Vở nhạc kịch bám theo cốt truyện với hệ thống nhân vật của truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh nhưng đưa thêm câu chuyện hướng nghiệp, sự lựa chọn tương lai của người trẻ. Chuẩn - cậu học trò mơ mộng, ham chơi nhưng yêu cái đẹp, có thú chơi hoa và ca hát, trồng riêng cho mình một trại hoa đầy màu sắc. Trại hoa của Chuẩn là nơi chứng kiến những rung động e ấp đầu đời, tình cảm học trò khe khẽ, trong sáng vô tư, những cuộc xung đột, mâu thuẫn kịch liệt giữa Chuẩn và người bố cộc cằn nhưng hết mực yêu con, sự trưởng thành của những đứa trẻ lớn dần lên theo hành trình của câu chuyện... Vở nhạc kịch khép lại bởi thông điệp: Đam mê là khởi nguồn của mọi ước mơ, những ngày tháng vui buồn, nghịch ngợm, ngây ngô của tuổi học trò là tài sản vô giá của cuộc đời mỗi người, đồng hành với chúng ta vượt qua mọi khó khăn để có con đường đi riêng.
Sự kết hợp của ca nhạc, vũ kịch và kịch nói
Điều thú vị là vở nhạc kịch sử dụng các ca khúc được các bạn trẻ yêu thích chứ không sáng tác mới, như các ca khúc: Và thế là hết (Soobin Hoàng Sơn), Thật bất ngờ (Mew Amazing - Lê Đức Hùng), Con đường tôi (Trọng Hiếu), Bohemian Rhapsody (ban nhạc Queen)… Vở kịch là sự kết hợp của ca nhạc, vũ kịch và kịch nói. Tất cả bổ trợ cho nhau, các bài hát đẩy tình huống kịch lên và ngược lại tình huống kịch cũng đẩy cảm xúc cho các bài hát. Dàn nhạc sống hai bên sân khấu cũng tạo hiệu ứng âm thanh phấn khích.
Họa sỹ, nhà thơ Bàng Ái Thơ đã có nhận xét tích cực về vở nhạc kịch “Thật vui khi được xem vở nhạc kịch này. Đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết đã rất sáng tạo khi kết hợp nhuần nhuyễn của ca nhạc, vũ kịch và kịch nói làm cho khán giả vô cùng thích thú. Cảm xúc được đẩy lên cao cùng với thông điệp sâu sắc của vở kịch khiến người xem có lúc lặng đi vì xúc động. Tôi đánh giá cao nội dung cũng như hình thức của vở nhạc kịch. Mong Nhà hát tuổi trẻ tiếp tục phát huy và cho ra mắt nhiều vở kịch hay như vậy”.
Theo nhận xét của nghệ sỹ Nguyễn Văn Báu “vở nhạc kịch này có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo sôi động, trẻ trung đã đánh thức giác quan người xem. Điều thú vị là có sự tương tác giữa những phân cảnh điện ảnh và sân khấu gây thêm hiệu ứng hấp dẫn”.
Dàn diễn viên trẻ trung, năng động và đầy triển vọng
Còn theo TS. Đặng Vũ Tùng, giảng viên Đại học Bách Khoa cho biết “tôi nghĩ vở diễn có lẽ rất hấp dẫn với các bạn trẻ bởi không gian rực rỡ, lung linh hoa lá, cùng với sự trẻ trung, sôi động của âm nhạc và vũ đạo. Những câu chuyện thời thanh xuân của những chàng trai, cô gái mới lớn, đống thời nổi bật chủ đề “hướng nghiệp”. Khán giả trẻ sau khi xem vở diễn sẽ ít nhiều suy ngẫm về con đường lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong muôn nghề. Bên cạnh đó, vở diễn cũng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người đứng tuổi khi được thưởng thức. Vở nhạc kịch đưa chúng tôi đắm chìm vào thế giới mộng mơ, làm trỗi dậy những tháng ngày đầy hoài niệm".
Vở nhạc kịch khích lệ các bạn trẻ có ước mơ, khát vọng và đủ nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lập nghiệp. Đồng thời cũng gửi gắm tới các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu những mong muốn chính đáng của con trẻ, đồng hành với các con trên con đường chinh phục ước mơ.