Gần nhất là suất diễn cuối tháng 9 tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), vở diễn đã bán được lượng vé lớn.
Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng của sân khấu – một loại hình giải trí lâu nay vẫn trầm lắng so với các loại hình giải trí hấp dẫn khác như điện ảnh, âm nhạc, truyền hình… Vậy điều gì đã giúp “Rồi tôi sẽ lớn” – vở nhạc kịch đầu tiên khai thác về lứa tuổi vị thành niên – đã “quyến rũ”, mời gọi được bước chân khán giả, nhất là khán giả trẻ đến thưởng thức và cùng rưng rưng?
Vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” được mở ra bằng một không gian ngập tràn âm nhạc, ở đó kể rất nhiều câu chuyện dung dị mà sâu lắng của người lớn và đám trẻ sống trong thành phố.
Góc phố này là tiệm may Chị Cờ - nơi cậu thiếu niên tên Bách mê chơi game được lớn lên trong tình yêu thương tần tảo của người mẹ đơn thân. Phố bên này là tổ ấm của Phi – cậu thiếu niên đêm đêm lén lút lên sân thượng chơi nhạc (dàn trống tự chế từ rổ rá, nồi niêu…) để thỏa niềm đam mê chưa được cha mẹ đồng tình ủng hộ.
Còn kia, ngay giữa phố là ngôi nhà khang trang nhưng vắng tiếng cười của gia đình cô bé Hà khi ở đó có biết bao vết rạn nứt trong tình cảm gia đình khó có thể hàn gắn.
Cũng có khi câu chuyện diễn ra trên lớp học – nơi có đám học trò nhất quỷ nhì ma dám cả gan kéo thầy giám thị cùng hòa vào vũ điệu thần tiên. Hoặc là những câu chuyện trên đường phố vừa rình rập bao mối hiểm nguy từ những kẻ “săn mồi” dẫn dụ thiếu niên vào con đường lầm lạc; vừa là những lạnh lùng, vô cảm của dòng người làm ngơ, tất bật bước qua người mẹ vội vã đưa hàng (shipper) bị ngã nhoài.
Vẫn ở trên đường phố, những bà, những chị bán hàng rong, bán nước chè vỉa hè có thể ghê gớm, chao chát nhưng lại dám vác ghế đuổi những kẻ “săn mồi” dụ dỗ, bắt nạt đám trẻ vì giây phút xốc nổi, giận dỗi cha mẹ mà bỏ nhà lang thang trên phố.
Ở đây, mỗi câu chuyện được kể không quá lệ thuộc vào lời thoại mà còn được kể qua những vũ điệu, âm nhạc, ca khúc để bộc bạch nỗi niềm sâu kín của mỗi nhân vật.
Đó là câu hát buồn tủi, xót xa, âu lo của người mẹ đơn thân như mẹ Bách khi chưa lo được tiền thuê nhà, chưa sắm được cho con chiếc máy tính mới, khi vội vã chạy grab hay làm shipper đưa hàng cho khách nhưng bị bỏ bom.
Vở nhạc kịch 'Rồi tôi sẽ lớn' của Nhà hát Tuổi trẻ đang thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ. Ảnh : NHTT |
Nhất là vũ điệu lột tả giây phút trào dâng nước mắt, đứt từng khúc ruột khi người mẹ ấy vừa buột miệng so sánh con nhà mình với con nhà người thì đứa con trai hết mực yêu thương liền nức nở đáp trả đầy ghen tị rằng cậu thấy bố mẹ nhà người đưa đón con đi học rồi ủng hộ, yêu chiều từng li từng tí để cuối cùng cậu ta hét lên trong bao tủi hờn: “Còn mẹ thì sao? Những thứ đơn giản nhất như đưa đón con đi học mà mẹ cũng không làm được, lúc nào mẹ cũng làm và làm, mẹ chẳng quan tâm gì đến con cả. Không biết con thích gì hay là ước mơ của con là gì, lúc nào cũng chỉ học và học thôi!”.
Đó là vũ điệu đầy dồn nén những nhẫn nhịn, cam chịu của người mẹ sớm từ bỏ ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang, từng du học nước ngoài và tốt nghiệp bằng giỏi để ở nhà nội trợ, chăm sóc, vun vén cho ước mơ của cô con gái.
Nhưng liệu rằng sự hy sinh ấy của người mẹ có đáng giá hay không khi cái kết cuối cùng lại trở thành người vợ bị chồng bội bạc? Rồi người mẹ ấy vì quá yêu con, chăm bẵm và quản lý đến cả cuốn nhật ký của con thì liệu rằng đã đúng hay chưa?
Đó là vũ điệu bí bách, khó chịu muốn vuột thoát trong cái khoáng đạt mà xốc nổi, giận hờn mà chông chênh, chợt vui mà chợt buồn của những đứa trẻ tuổi mười ba, mười bốn. Chúng đều được lớn lên từ tình yêu thương của mẹ cha nhưng chúng cũng đều vô tình bị những tình yêu thương ấy áp đặt cách nghĩ, cách ước mơ, cách vui chơi.
Cả một khoảng trống của tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì mà chúng đang trải qua bị các bậc cha mẹ bỏ quên, không những không được lắng nghe, không được chia sẻ mà còn bị tác động bởi bao vấn đề cơm áo gạo tiền, các mối quan hệ phức tạp của người lớn và nhất là những quan điểm giáo dục ngày xưa chỉ nặng về học gạo mà ít để ý đến những kỹ năng sống khác giúp con trẻ thực sự bản lĩnh trước một xã hội ngày càng nhiều cạm bẫy, chông gai.
Hình ảnh trong vở nhạc kịch 'Rồi tôi sẽ lớn'. |
“Có lẽ đây là vở diễn đề cập đến đối tượng khán giả ở phân khúc rất khó - tuổi vị thành niên – lứa tuổi mà xưa nay luôn là thách thức với các nhà tâm lý học và đối với nghệ thuật biểu diễn cũng là một bài toán rất khó. Chúng tôi hy vọng và ước mơ rằng vở diễn phần nào sẽ giải mã được sự quan tâm của khán giả cũng như mong rằng vở diễn sẽ được đến với đông đảo khán giả cả nước trong thời gian tới”, NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
Nhất là, Bách và Hà đã bị rơi vào hai nỗi sợ hãi nhất trong lòng con trẻ: Bị mẹ nói dối (mẹ Bách che giấu việc bà phải chạy grap, làm shipper để kiếm thêm tiền mưu sinh) và bị kiểm soát riêng tư (mẹ Hà lén xem nhật ký)…
Đôi khi những vũ điệu ấy phân thân như để tự cật vấn sự đúng – sai của mỗi người, trong đó, có người tìm ra con đường để bước tiếp nhưng cũng có người rơi vào trạng thái bối rối, mông lung và cần được dẫn lối. Điều này không chỉ xảy ra với con trẻ mà còn xảy ra với cả người lớn.
Khéo léo và cũng đầy dụng công khi đan cài vào chuỗi bi kịch gia đình trong “Rồi tôi sẽ lớn” một vũ điệu ấm áp, tươi trẻ mà thấu hiểu vì biết lắng nghe của… bà ngoại cô bé Hà.
Vậy, có nghịch lý hay không khi bà ngoại đã đi qua cái thời thanh niên sôi nổi sao bà vẫn có thể chơi đùa, nhảy múa, hát ca cùng đám trẻ nhỏ và trở thành mắt xích quan trọng gỡ rối cho những cặp cha mẹ và con cái?
Từ “nhịp cầu” bà ngoại, đám trẻ đang không muốn trở về nhà, muốn tiếp tục chạy trốn để phạt mẹ cha phải tìm vậy mà bỗng đâu trong khu vườn ăm ắp tiếng cười đong đầy sự sẻ chia, tâm sự nhỏ to đủ thứ chuyện của bà ngoại, chúng liền rưng rưng nước mắt rồi sà vào lòng mẹ cha.
Thực ra không có nghịch lý nào ở đây, bởi lẽ, tuổi tác có thể sẽ ngày một lớn nhưng nó sẽ không thể kéo theo sự già nua nếu tâm hồn, nếp nghĩ của mỗi người luôn tươi trẻ, nhân hậu, bao dung.
Dù rằng, mỗi người luôn có những ưu tư của từng thế hệ hoặc khoảng cách về tâm sinh lý nhưng đấy không phải là vật cản khó vượt cho sự hòa hợp nếu mỗi người cùng biết lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực đi đến.
Đó cũng chính là thông điệp vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” gửi gắm đến không riêng gì khán giả trẻ hôm nay, như tác giả kịch bản Hoàng Anh Tú tâm huyết chia sẻ: “Đôi khi cả cha mẹ và các con – hai bên đều là những người đi trốn. Và, mỗi đối tượng đều có những ẩn ức của riêng mình, có thể là điều mong muốn của những đứa trẻ cũng như điều mong muốn của cha mẹ. Bởi vậy, khi vở nhạc kịch này khép lại, tôi tin chắc nhiều người sẽ cùng nhìn lại. Mỗi đứa trẻ được học hiểu về cha mẹ và mỗi cha mẹ cũng học hiểu về con cái”.