Môn Ngữ văn trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Lấy các kỹ năng giao tiếp làm trục chính xuyên suốt ba cấp học; phát triển hơn nữa tư tưởng dạy học tích hợp; coi trọng năng lực ngôn ngữ và chú ý đến việc vận dụng trong giao tiếp, phục vụ trực tiếp cho đọc, viết, nói và nghe hơn là lý thuyết hàn lâm… Đó là những điểm mới nổi bật của nội dung Chương trình Ngữ văn mới.  

Chương trình Ngữ văn mới lấy kỹ năng giao tiếp (đọc, viết. nghe và nói) làm trục xuyên suốt ba cấp học
Chương trình Ngữ văn mới lấy kỹ năng giao tiếp (đọc, viết. nghe và nói) làm trục xuyên suốt ba cấp học

Phát triển tư tưởng dạy học tích hợp

Chia sẻ của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống,Chủ biên chương trình môn Ngữ văn: Trước đây, chương trình Ngữ văn được xây dựng theo trục lịch sử văn học và thể loại văn học. Chương trình môn Ngữ văn lần này lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp.

So với chương trình hiện hành, Chương trình Ngữ văn mới phát triển hơn nữa tư tưởng dạy học tích hợp, thể hiện ở sự thống nhất của trục tích hợp, ở yêu cầu tích hợp triệt để và nhất quán đến mức cao nhất có thể giữa ngôn ngữ và văn học, giữa các kiểu loại văn bản và giữa các hoạt động giao tiếp. Ngoài ra, chương trình Ngữ văn còn chú ý thực hiện quan điểm tích hợp các nội dung liên môn và xuyên môn một cách hợp lí. Yêu cầu phân hoá theo năng lực, sở trường của cá nhân người học được coi trọng; ở THPT, phân hóa còn được thực hiện bằng việc cho HS tự chọn một số chuyên đề học tập.

Năng lực ngôn ngữ được coi trọng và chú ý đến việc vận dụng trong giao tiếp, phục vụ trực tiếp cho đọc, viết, nói và nghe hơn là lý thuyết hàn lâm. Năng lực văn học thể hiện ở yêu cầu tiếp nhận các nội dung nhân văn, chú trọng việc hình thành và phát triển cách đọc hiểu văn bản văn học theo thể loại. Phương pháp dạy học cũng như đánh giá đều thay đổi theo mục tiêu giúp cho HS hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.

Kỹ năng đọc được hiểu theo nghĩa rộng, đầy đủ hơn với nhiều yêu cầu và mức độ khác nhau. Văn bản được chọn làm ngữ liệu đọc bao gồm văn bản văn học (chủ yếu là truyện, thơ, kịch, kí), văn bản nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học), văn bản thông tin (văn bản thuyết minh, văn bản nhật dụng). Trong đó kĩ năng đọc văn bản văn học, được đặc biệt chú trọng. Tuy vậy cần chú trọng cân đối giữa việc dạy đọc văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; chú ý kết nối vấn đề đặt ra trong văn bản với các vấn đề của đời sống; chú ý kết nối dạy học đọc với dạy học viết, dạy nói và nghe.

Kỹ năng viết bao gồm yêu cầu viết chữ, viết câu, viết đoạn và tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn. Việc luyện viết theo quy trình cũng là một yêu cầu quan trọng của kỹ năng viết.

Các kỹ năng nói và nghe thể hiện ở khả năng trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói và nghe. Tất cả các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung nêu trong Chương trình tổng thể đều được quan tâm trong dạy học và đánh giá thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng “mở”. Theo đó, Chương trình Ngữ văn mới không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc hoặc bắt buộc tự chọn đối với tất cả các bộ sách giáo khoa và HS toàn quốc.

Giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc đánh giá kết quả học tập định kì (cuối kì, cuối năm, cuối cấp) không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá.

Nội dung giáo dục cốt lõi

Chia sẻ về nội dung GD cốt lõi trong Chương trình Ngữ văn mới, PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết: Nội dung GD trong Chương trình Ngữ văn mới gồm nội dung khái quát và nội dung cụ thể. Nội dung khái quát nêu các yêu cầu cần đạt về kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe); hệ thống kiến thức (kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn học), ngữ liệu. Nội dung GD cụ thể gồm hệ thống các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định chi tiết với từng lớp và tăng dần độ khó từ lớp 1 đến lớp 12.

Nội dung chương trình môn Ngữ văn được phân bố phù hợp theo hai giai đoạn:

Giai đoạn GD cơ bản, chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức văn học và tiếng Việt được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS ở mỗi cấp học. Mục tiêu của giai đoạn này là giúp HS sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học khác (năng lực ngôn ngữ); hình thành và phát triển năng lực văn học; đồng thời, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để HS phát triển về tâm hồn, nhân cách.

Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, chương trình môn học củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn GD cơ bản, giúp HS nâng cao năng lực ngôn ngữ, yêu cầu cao hơn về năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học; tăng cường kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về chủ đề và kỹ thuật viết, trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

Ngoài ra, trong mỗi năm, những HS có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của HS.

Nội dung kiến thức

Ngữ văn từng cấp học

Nội dung kiến thức của Chương trình Ngữ văn mới gồm: Kiến thức tiếng Việt (ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ) và kiến thức văn học (một số vấn đề về lý luận văn học thiết thực; thể loại văn học; các yếu tố của văn bản văn học; lịch sử văn học).

Ở tiểu học, kiến thức tiếng Việt tập trung vào một số hiểu biết sơ giản về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp và biến thể ngôn ngữ (ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu); có khả năng nhận biết, bước đầu hiểu được các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp. Kiến thức văn học tập trung vào một số hiểu biết sơ giản về truyện và thơ, văn bản hư cấu và văn bản phi hư cấu; nhân vật trong văn bản văn học, cốt truyện, thời gian, không gian, từ ngữ, vần thơ, nhịp thơ, hình ảnh, lời nhân vật, đối thoại.

Ở THCS, kiến thức tiếng Việt tập trung vào những hiểu biết cơ bản về từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ (từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội; ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ), giúp HS có khả năng hiểu các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp. Kiến thức văn học tập trung vào những hiểu biết về các thể loại; chủ thể trữ tình và nhân vật trữ tình; giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học; một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học; cuối lớp 9 có tổng kết sơ giản về lịch sử văn học.

Ở cấp THPT, kiến thức tiếng Việt nâng cao theo hướng chú ý đến những một số hiểu biết nâng cao về tiếng Việt giúp HS hiểu, phân tích và bước đầu biết đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan, chú trọng những cách diễn đạt sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ trong các báo cáo nghiên cứu và trong giao tiếp. Kiến thức văn học tập trung vào những hiểu biết về một số thể loại ít thông dụng, đòi hỏi kỹ năng đọc cao hơn như thần thoại, sử thi, truyện và tiểu thuyết huyền ảo, truyện, thơ hậu hiện đại; một số kiến thức lịch sử văn học, lý luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết văn bản văn học; một số chuyên đề học tập tập trung vào kiến thức về các giai đoạn, trào lưu và phong cách sáng tác văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ