Môn Vật lý trong Chương trình GDPT mới: Đặc thù trong đánh giá và điều kiện thực hiện

GD&TĐ - Bên cạnh các hình thức chung, môn Vật lý sử dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá có tính chất đặc thù. Để triển khai thực hiện tốt môn học này, các trường cần đáp ứng những yêu cầu gì về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học?

Điều kiện cơ sở vật chất và sĩ số lớp học có ảnh hưởng lớn tới môn học
Điều kiện cơ sở vật chất và sĩ số lớp học có ảnh hưởng lớn tới môn học

Điểm đáng lưu ý

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên Chương trình môn Vật lý - cho biết: Kiểm tra, đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng trong GD, nếu thực hiện không tốt sẽ gây ra hệ lụy khôn lường, làm méo mó chương trình GD. Phải thực hiện việc kiểm tra đánh giá sao cho đạt được mục tiêu là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn (yêu cầu cần đạt) của chương trình và sự tiến bộ của HS để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng GD.

Việc đánh giá cần bảo đảm: Toàn diện về nội dung, năng lực, phẩm chất, đặc biệt là đánh giá toàn diện các thành phần của năng lực đặc thù môn học; khách quan; chính xác; phân hoá. Kết quả đánh giá phải giúp cho việc xác định mức độ đạt được của từng HS cũng như thúc đẩy việc học tập của học sinh một cách tốt nhất.

Căn cứ đánh giá là mục tiêu, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của môn Vật lý được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn Vật lý.

Phạm vi đánh giá là toàn bộ nội dung và yêu cầu cần đạt của Chương trình môn Vật lý. Đối tượng đánh giá là quá trình học tập, rèn luyện và sản phẩm của học sinh thông qua học tập môn Vật lý.

Có gì đáng chú ý trong đánh giá kết quả GD môn Vật lý? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh cho biết: Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực HS, môn Vật lý tập trung đánh giá các mức độ HS hình thành và phát triển được năng lực vật lý; trong đó, cần chú trọng thích đáng đến việc đánh giá thành phần năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý. Để thực hiện được điều đó, cần coi trọng đánh giá: Khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm; các kỹ năng thực hành vật lý; năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn.

Không có phương pháp, hình thức đánh giá đa năng. Để đánh giá được năng lực HS, không thể chỉ sử dụng một vài hình thức kiểm tra, đánh giá. Vì thế, giáo viên cần đa dạng hoá các hình thức và phương pháp đánh giá như: Đánh giá theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan; đánh giá bằng quan sát hoạt động của HS, đánh giá bằng các bài kiểm tra viết, vấn đáp, bài tập, thực hành, các dự án hay sản phẩm học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật...; tạo điều kiện và khuyến khích HS tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng.

Để đánh giá được năng lực của HS, cần thiết kế, tổ chức các tình huống để xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp HS bộc lộ, thể hiện năng lực của mình. Mặt khác, cần lưu ý lựa chọn các phương pháp, công cụ phù hợp, vì để đánh giá một năng lực cụ thể thì có thể có những phương pháp, công cụ với ưu thế khác nhau.

Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên cần quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua quá trình thực hiện bài thực hành, qua các sản phẩm thực hành của HS.

Kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết. Kết quả GD được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở cơ sở GD, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp địa phương, quốc gia và các kì đánh giá quốc tế.

Để giúp giáo viên khắc phục những khó khăn trên, PGS Nguyễn Văn Khánh cho rằng, cần có sự thay đổi về chất việc kiểm tra đánh giá và các kì thi; tổ chức tập huấn, đặc biệt là tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học phát triển năng lực. Đồng thời, cách quản lý khoa học và hiệu quả các hoạt động giáo dục của lãnh đạo các nhà trường cùng với sự nỗ lực của mỗi giáo viên trong hoạt động học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có vai trò quyết định đối với việc khắc phục các khó khăn có thể gặp khi thực hiện Chương trình mới. 

Việc đánh giá quá trình do GV phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của GV khác về HS, của phụ huynh HS, của bản thân HS được đánh giá và của các HS khác trong nhóm, trong lớp. Việc đánh giá tổng kết do cơ sở GD tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng GD.

Vậy, thực hiện đánh giá kết quả GD môn Vật lý bằng hình thức nào? Cũng như các môn học khác trong nhóm môn Khoa học tự nhiên, môn Vật lý sử dụng các hình thức đánh giá chung, dựa trên: Bài kiểm tra kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan với ma trận bao gồm các chủ đề nội dung và các mức độ năng lực với các yêu cầu cần đạt tương ứng; bài tập thực hành; bảng kiểm (bảng hỏi); bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu, dự án vận dụng kiến thức và kỹ năng trong thực tiễn; bảng quan sát của giáo viên, bảng tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của HS trong các hoạt động thí nghiệm, thực hành, thảo luận nhóm; hồ sơ học tập.

Bảo đảm các điều kiện để thực hiện tốt chương trình

PGS Nguyễn Văn Khánh cho biết, việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lý không thể thiếu các thí nghiệm, thực hành; một phần không nhỏ năng lực vật lý của HS được hình thành thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành. Chính vì thế, Chương trình môn Vật lý đã đưa ra các yêu cầu tối thiểu về thiết bị thí nghiệm, thực hành giúp phát triển năng lực HS. Ở những nơi có điều kiện, các địa phương, các cơ sở GD có thể bổ sung các thiết bị phù hợp.

Chương trình môn Vật lý xác định nội dung GD cũng như các yêu cầu cần đạt thống nhất đối với HS tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản trong tìm hiểu, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho HS hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.

Thực hành trong Vật lý giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo trong môn học
Thực hành trong Vật lý giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo trong môn học 

Trong một số trường hợp, những vùng còn khó khăn, thiếu thốn về thiết bị dạy học có thể thực hiện một số yêu cầu cần đạt ở mức độ đơn giản hơn. Ví dụ, trong trường hợp nhất định, chương trình nêu ra 2 mức đáp ứng cho một yêu cầu cần đạt: Thực hiện thí nghiệm hoặc dựa trên số liệu cho sẵn để rút ra kết luận. HS ở những trường không đủ điều kiện về thiết bị dạy học có thể chỉ dựa trên số liệu cho trước (mức 2) mà không thực hiện thí nghiệm (mức 1).

Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất về kiến thức, kỹ năng đối với HS cả nước, trong Chương trình môn Vật lý cũng chỉ có một số trường hợp được lựa chọn hai mức yêu cầu cần đạt như vậy. Các địa phương cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu về thiết bị dạy học được quy định trong chương trình để thực hiện được đầy đủ các mức độ yêu cầu cần đạt của chương trình.

Nói về khó khăn của giáo viên, theo PGS Nguyễn Văn Khánh, khó khăn lớn nhất của giáo viên khi dạy Chương trình mới là việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực; nhất là trong điều kiện lớp đông HS, thiết bị dạy học không đồng bộ, khó áp dụng được các phương pháp tổ chức dạy học tích cực. Mặt khác, kiểm tra, đánh giá năng lực HS là vấn đề mới và khó với nhiều giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.