Nhiều năm được giao dạy môn Giáo dục công dân, tôi không ít lần tranh luận với đồng nghiệp. Đầu tiên vì đồng nghiệp bao giờ cũng theo sát nội dung, trình tự bài dạy đã có trong sách giáo viên, nghĩa là hướng dẫn học sinh đọc câu chuyện trong sách giáo khoa rồi tìm hiểu theo câu hỏi hướng dẫn có sẵn. Thời lượng cho từng câu hỏi hay phương pháp tiếp cận cũng đã được quy định.
Có những câu chuyện chưa hấp dẫn, khó thu hút học sinh được trích từ quyển Cổ học tinh hoa đậm tính triết lý được đưa vào phần đặt vấn đề nên ngay từ đầu đã thấy khó có kết quả. Có câu chuyện không còn sát với tình hình thực tế, thầy vẫn ép trò theo, không dám thay bằng một câu chuyện khác mang tính thời sự cao đang được toàn xã hội quan tâm và phù hợp với bài dạy. Lý do là phải tuân thủ nội dung của sách giáo khoa. Tổ bộ môn và chuyên viên của phòng, sở chắc chắn sẽ đánh giá tiết dạy chưa đạt nếu giáo viên thay đổi.
Chính vì thế, một tiết dạy công dân thường mở đầu bằng việc đọc câu chuyện có sẵn trong sách. Tiếp đó là học sinh trả lời các câu hỏi của thầy và ghi nội dung vào vở. Khi củng cố bài, học sinh làm các bài tập là xong. Nếu thầy cô năng động hơn, các em mới phải giải quyết một số tình huống có liên quan. Nhưng nói chung các tình huống này còn đơn giản, dễ đưa ra kết quả. Các tình huống trong cuộc sống chưa được cập nhật hóa nên giữa bài học và thực tế cuộc sống còn khoảng cách.
Trong nhà trường, vai trò người thầy dạy môn Giáo dục công dân rất mờ nhạt vì cách nghĩ đây là môn phụ. Nhiều đồng nghiệp cho rằng dạy công dân có gì khó. Ai dạy cũng được vì chỉ cần lấy sách ra đọc rồi cho học sinh chép nội dung là xong. Học sinh nhìn thầy cô dạy công dân không được nể trọng bằng thầy cô dạy các bộ môn khác. Thậm chí thầy cô dạy công dân cũng không được đồng nghiệp đánh giá cao.
Vì vậy có thầy cô lên lớp chỉ dạy cho xong bài, nói chi đến hình thành nhân cách, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cho học sinh. Có thầy cô nhiều năm dạy công dân chỉ lên lớp với giáo án, chưa bao giờ mang đến cho học sinh một clip thời sự, một hình ảnh, một sự kiện văn hóa, ngoại giao… có liên quan mà xã hội đang quan tâm. Chính thầy cô còn không làm giàu kiến thức bằng việc đọc báo, xem sách, làm sao có vốn liếng truyền đạt cho học sinh.
Việc thảo luận, phản biện trước các sự kiện xã hội muôn mặt chưa được thầy cô quan tâm. Vì thế học sinh chưa được định hướng trong suy nghĩ và hành động cụ thể sao cho phù hợp với chuẩn mực xã hội. Việc vận dụng giáo dục học sinh bằng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần cụ thể qua những câu chuyện, hình ảnh, nhận định về Bác sao cho phù hợp với từng bài dạy và với lứa tuổi các em; từ hiểu biết dần dần mới có ứng xử hành động phù hợp trong đời sống.
Khi kiểm tra miệng hay làm bài kiểm tra một tiết, nhiều thầy cô vẫn thích học sinh học thuộc lòng câu chữ, viết đúng như sách hơn là đề ra cách giải quyết tình huống trong cuộc sống. Khi ra đề, một số đồng nghiệp quá chú trong nội dung học nằm ở khoản mấy, điều bao nhiêu, tên bộ luật là gì, có mấy chương, ban hành lúc nào…, trong khi cái cần thiết các em cần nắm là nội dung gì, có phù hợp với độ tuổi không.
Chưa hết, đồng nghiệp đưa ra các bài tập vượt quá trình độ học sinh để chứng tỏ đề kiểm tra cao siêu lắm. Ví dụ học sinh lớp 8 nhưng thầy cô buộc các em phải tiếp thu kiến thức kiểu như có mấy hình thức khiếu nại - tố cáo, hiến pháp có bao nhiêu chương, pháp luật nước CHXHCNVN và đạo đức giống nhau và khác nhau như thế nào… Đó là những khái niệm vượt quá tầm hiểu biết của lứa tuổi thiếu niên.
Rõ ràng việc dạy công dân trong nhà trường còn bất cập. Kỹ năng sống, giải quyết tình huống nâng cao năng lực hiểu biết của học sinh… tuy đã được đặt ra nhưng rất cần yếu tố gắn liền với cuộc sống. Nhiều tấm gương trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên khắp đất nước ta chưa được người dạy cập nhật. Nên chăng cấp quản lý cho phép thầy cô sử dụng các thông tin có liên quan với bài học đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình chính thống ở trung ương và địa phương. Khi kiểm tra đánh giá học sinh, thầy cô cần chú ý phần giải quyết tình huống của học sinh.
Trong quá trình đánh giá sự tiếp thu của học sinh, nhà trường, thầy cô, gia đình không thể xem nhẹ cách ứng xử của các em trước những vấn đề mà xã hội quan tâm. Không phải tất cả học sinh học tốt công dân là có thể trở thành công dân tốt. Đôi khi việc học tốt công dân chỉ là vì muốn có điểm số cao, để đạt các danh hiệu. Vì thế thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm rất nên quan tâm việc học sinh biến kiến thức thành hành động như thế nào. Đánh giá học sinh không chỉ dựa trên lý thuyết. Những điều bất cập nói trên chỉ xóa được khi người dạy gắn liền lý thuyết với thực hành.