“Neo” kiến thức bằng câu đố, trò chơi
Phương pháp “Neo kiến thức bằng câu đố” được sử dụng để chốt lại kiến thức cho học sinh sau khi học xong một bài, một chương, một môn học hay toàn khóa học.
Phương pháp này được tiến hành như một trò chơi, có thắng bại, thưởng phạt khá kịch tính nên tạo được nhiều hứng thú cho người học. Việc áp dụng phương pháp này sẽ khiến không khí lớp học trở nên sôi động và giúp buổi học đạt được hiệu quả cao.
Đầu tiên, giáo viên chuẩn bị câu hỏi. Câu hỏi không nên quá dễ hoặc quá khó. Số câu hỏi phải là số lẻ, không quá nhiều hoặc quá ít. Đáp án được chuẩn bị trước.
Giáo viên chia lớp thành 2 đội, đọc câu đó để 2 đội giành quyền trả lời. Mỗi câu đúng được 10 điểm.
Cô Phan Thị Thuỳ Trang cho rằng, đừng đặt nặng vấn đề thưởng, phạt. Hãy tổ chức cuộc chơi thật vui, sao cho cả lớp đều cảm thấy thoải mái. Đội chiến thắng thấy được nỗ lực của mình đã mang lại kết quả tốt, còn đội chưa dành được chiến thắng thấy cần phải cố gắng hơn nữa. Hãy khuyến khích đội thắng cuộc chia phần thưởng để chung vui cùng cả lớp. Mục tiêu cuối cùng là mọi thành viên của lớp đều hiểu và nhớ nội dung bài học.
Tâm lý thi đua giành phần thắng là điểm riêng của phương pháp này. Sức hấp dẫn và lôi cuốn của trò chơi sẽ kích thích tối đa suy nghĩ của học sinh, làm các em nhớ bài lâu hơn, kiến thức được neo chốt trong não bộ nhiều hơn.
Sơ đồ tư duy “Các ngành công nghiệp của nước ta”. |
Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy
Từ thực tế dạy học, cô Phan Thị Thuỳ Trang thấy rằng việc vận dụng sơ đồ tư duy vào dạy học Địa lí lớp 5 là cần thiết và có hiệu quả tốt. Bên cạnh học sinh hiểu, ghi nhớ bài học tốt hơn, vận dụng sơ đồ tư duy còn rèn luyện cho các em kỹ năng làm việc cũng như sắp xếp cuộc sống một cách khoa học hơn, luyện tập sự kiên trì, phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo hiệu quả.
Giáo viên chuẩn bị sơ đồ tư duy trên máy tính ở những bài đầu tiên để học sinh có thể hình dung và tiếp thu cách làm. Sau đó, giáo viên tổ chức cho cả lớp thực hành. Có thể lập sơ đồ tư duy trên giấy, bìa, bảng phụ,… bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn, tẩy,… Việc tổ chức thực hành theo hình thức cá nhân hay nhóm, tại lớp hay trực tuyến tại nhà đều có thể kích thức trí sáng tạo và hứng thú của học sinh.
Sử dụng sơ đồ tư duy trong kiểm tra bài cũ: Các sơ đồ tư duy thường được giáo viên sử dụng ở dạng thiếu thông tin, yêu cầu học sinh điền và rút ra nhận xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khóa trung tâm… Tùy theo từng lớp, từng đối tượng học sinh mà giáo viên có thể đưa ra yêu cầu khác nhau. Sau khi hoàn thành, các em đọc lại kiến thức trên sơ đồ tư duy đó.
Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy kiến thức mới: Giáo viên có thể tóm tắt một số hoạt động dạy học trên lớp với sơ đồ tư duy trong dạy kiến thức mới.
Hoạt động 1: Học sinh lập sơ đồ tư duy theo nhóm hay cá nhân với gợi ý của giáo viên.
Hoạt động 2: Học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập.
Hoạt động 3: Học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện sơ đồ tư duy về kiến thức của bài học đó. Giáo viên là người cố vấn, trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư duy, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
Hoạt động 4: Củng cố kiến thức bằng một sơ đồ tư duy mà giáo viên chuẩn bị sẵn hoặc một sơ đồ tư duy mà cả lớp tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho học sinh lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó.
Sử dụng sơ đồ tư duy cũng là trợ thủ đắc lực trong hoạt động củng cố kiến thức cho học sinh, giúp các em có cái nhìn tổng thể nội dung và nắm được chi tiết từng hoạt động trong bài học. Từ đó, học sinh có thể tóm lược được các ý chính cần nhớ và khắc sâu kiến thức hơn.
Ngoài ra, sơ đồ tư duy cũng rất hiệu quả khi hệ thống hóa ôn tập chương, cuối học kỳ trong dạy học Địa lí.
Ngoài ra, cô Phan Thị Thuỳ Trang cũng nhấn mạnh đến tác dụng tích cực của việc sử dụng các câu ca dao, tục ngữ phù hợp làm sinh động thêm bài học Địa lí; sử dụng phù hợp các đồ dùng trực quan trọng dạy học. Cùng với đó, quan tâm phối hợp với cha mẹ học sinh để hỗ trợ các em hoàn thành môn học; tuyên dương, khen thưởng kịp thời.