Cách sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lí

GD&TĐ - Cô Trương Thị Ngọc Hân, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ gợi ý sử dụng sơ đồ tư duy giúp nâng cao chất lượng dạy học môn Địa lí.

Cách sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lí

Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học bài mới

Cô Trương Thị Ngọc Hân cho rằng, sử dụng sơ đồ tư duy là một gợi ý cho cách trình bày bài giảng mới. Giáo viên thay vì gạch đầu dòng các ý cần trình bày lên bảng, sẽ sử dụng sơ đồ tư duy để thể hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học một cách rất trực quan.

Toàn bộ nội dung cần truyền đạt đến học sinh được thể hiện trên bản đồ mà không bị sót ý. Học sinh thay vì ghi chép một cách tỉ mỉ thì chỉ cần chọn lọc các thông tin quan trọng, sơ đồ hóa chúng bằng các mối quan hệ và thể hiện lại theo cách hiểu của mình.

Với cách học này, cả giáo viên và học sinh đều phải tham gia vào quá trình dạy học một cách chủ động và tích cực hơn. Giáo viên vừa giảng bài vừa thể hiện trên sơ đồ tư duy; hoặc vừa tổ chức cho học sinh khai thác kiến thức, vừa hoàn thành sơ đồ tư duy trên giấy/trên bảng. Học sinh được nghe giảng, nhìn bản đồ, đọc sách giáo khoa, trả lời câu hỏi, ghi chép nên học sinh học tập tích cực hơn.

Ví dụ: Học về gió mùa trong bài 9 “Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa” - một trong những nội dung kiến thức khó của bài học - nếu ghi bài theo hình thức gạch đầu dòng, học sinh sẽ không nhớ được nhiều thông tin (như thời gian, nguồn gốc, phạm vi ảnh hưởng, hướng gió, đặc điểm thời tiết)... Bên cạnh đó, bài này có liên quan rất nhiều đến kiến thức Địa lí đại cương (phần Địa lí tự nhiên lớp 10) nên đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức từ các lớp dưới.

Khi dạy bằng sơ đồ tư duy, giáo viên có thể giúp học sinh nắm được những kiến thức cốt lõi, ngắn gọn, nhớ các từ khóa để trả lời câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ nhận biết. Bên cạnh đó, khi dạy giáo viên có thể hỏi các câu hỏi ở mức độ hiểu, vận dụng để học sinh trả lời và bổ sung vào sơ đồ tư duy của mình.

Đối với phần kiến thức này, bên cạnh dạy theo hình thức sơ đồ tư duy, giáo viên có thể kết hợp thêm các hình vẽ đơn giản để tăng hiệu quả nhớ và hiểu bài cho học sinh (có thể sử dụng hình vẽ này để ôn bài trong các tiết ôn tập cho học sinh).

Để tiết kiệm thời gian, giáo viên chỉ cần phác họa nhanh, đơn giản hình dạng lãnh thổ Việt Nam. Sau đó đặt các câu hỏi tái hiện kiến thức để học sinh trả lời, vừa giúp các em nhớ lại bài, vừa hoàn thành hình vẽ như trên. Sau khi hoàn thành hình vẽ, giáo viên có thể đặt các câu hỏi ở mức độ hiểu hoặc vận dụng cho học sinh.

Sơ đồ tư duy nội dung kiến thức về gió mùa.

Sơ đồ tư duy nội dung kiến thức về gió mùa.

Sử dụng sơ đồ tư duy củng cố kiến thức sau mỗi bài học

Sử dụng sơ đồ tư duy để củng cố kiến thức bài học là cách làm hiệu quả. Giáo viên sử dụng sơ đồ tư duy để thể hiện lại những nội dung cơ bản của bài học, tránh bị bỏ sót ý, khắc sâu các kiến thức trọng tâm.

Học sinh sử dụng sơ đồ tư duy để thể hiện lại sự hiểu biết của mình sau khi tiếp thu nội dung bài học. Đây đồng thời là một kênh thông tin phản hồi mà qua đó giáo viên có thể đánh giá nhận thức của từng học sinh và điều chỉnh cách dạy, cách truyền đạt của mình sao cho phù hợp.

Để củng cố kiến thức cho học sinh sau mỗi bài học, dạng bài tập thích hợp nhất là điền thông tin còn thiếu vào sơ đồ tư duy. Các thông tin còn thiếu này sẽ bao trùm nội dung toàn bài để một lần nữa nhằm khắc sâu kiến thức và lưu ý đến trọng tâm bài học.

Sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức

Theo cô Trương Thị Ngọc Hân, giáo viên và học sinh có thể thể hiện một phần nội dung bài học, một bài học hoặc nhiều bài học, một chương kiến thức qua sơ đồ tư duy. Vấn đề là các nội dung này có điểm chung, có mối quan hệ với nhau thông qua từ khóa.

Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể thiết kế sơ đồ tư duy trong một giờ học thông thường, trong giờ kiểm tra, giờ thực hành, ôn tập, tổng kết hay hệ thống một chương, một phần kiến thức.

Với cách sử dụng sơ đồ tư duy như thế này, giáo viên có thể cùng học sinh làm ngay tại lớp hoặc có thể giao về nhà cho học sinh/ nhóm học sinh thực hiện.

Sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức một chương, một chủ đề sẽ mất khá nhiều thời gian, nên giáo viên có thể giao cho học sinh về nhà thực hiện trước mỗi tiết ôn tập. Sau đó, trong tiết ôn tập giáo viên, học sinh sẽ nhận xét và ôn tập kiến thức trên sơ đồ tư duy đó. Giáo viên dẫn dắt, đặt các câu hỏi tái hiện kiến thức và các câu hỏi mức độ cao hơn để hoàn thành chi tiết hơn, nhiều nhánh phụ hơn cho sơ đồ tư duy.

Sử dụng cơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức.

Sử dụng cơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức.

Sử dụng sơ đồ tư duy trong kiểm tra, đánh giá

Vì thời gian kiểm tra bài cũ đầu giờ không nhiều, chỉ khoảng 5-7 phút, nên yêu cầu kiểm tra của giáo viên thường không quá khó. Phần lớn sẽ chấm điểm tùy vào mức độ thuộc lòng của học sinh mà ít quan tâm đến mức độ hiểu biết bản chất vấn đề.

Do đó, cô Trương Thị Ngọc Hân cho rằng, sử dụng sơ đồ tư duy khi kiểm tra bài cũ giúp giáo viên kiểm tra được phần nhớ lẫn phần hiểu của học sinh. Cách làm là giáo viên yêu cầu học sinh phác thảo nhanh sơ đồ tư duy lên bảng, hoặc đưa ra các sơ đồ tư duy thiếu thông tin và yêu cầu học sinh điền thông tin vào các phần còn thiếu đó, đồng thời rút ra nhận xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khóa.

Cách làm này vừa tránh được việc học vẹt, vừa đánh giá chính xác được khả năng nhận thức của học sinh, từ đó tìm ra các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học.

Sử dụng sơ đồ tư duy để ra bài tập về nhà

Bài tập về nhà giao cho học sinh/ nhóm học sinh trước hết phải gắn với nội dung bài học và trong điều kiện cho phép (trình độ học sinh, thời gian, kinh tế,...). Yêu cầu đối với bài tập về nhà cũng cần khó hơn, phức tạp hơn và cần sự đầu tư hơn (cả kênh chữ, kênh hình, màu sắc, lượng thông tin,...). Qua đó còn thể hiện cả tính sáng tạo và sự tích cực tìm kiếm tài liệu học tập của học sinh.

Cô Trương Thị Ngọc Hân lưu ý: Bài tập về nhà nên thiên về tính mở. Giáo viên cần định hướng cho học sinh cách tìm kiếm thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt từ mạng Internet bằng cách cung cấp cho học sinh một số trang web thông dụng, chuẩn xác.

Lưu ý khi sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lí 12

Để sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học có hiệu quả, cô Trương Thị Ngọc Hân lưu ý, giáo viên cần nghiên cứu nội dung chương trình, nội dung bài học, lựa chọn ra những phần, những bài có khả năng áp dụng sơ đồ tư duy.

Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học cần đúng lúc, đúng cách, phù hợp với đối tượng học sinh và quan trọng là đảm bảo việc truyền tải nội dung bài học. Tránh lạm dụng, sa đà vào việc vẽ sơ đồ tư duy khiến tiết học trở nên nhàm chán, căng thẳng.

Cần kết hợp sử dụng sơ đồ tư duy với các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học khác để tạo hứng thú cho học sinh, tiết dạy thêm sinh động.

Đối với học sinh, để sử dụng hiệu quả sơ đồ tư duy cần có kĩ năng vẽ và đọc sơ đồ tư duy về một nội dung cụ thể khi giáo viên yêu cầu. Các em có thể vẽ sơ đồ phân nhánh hoặc có thể sử dụng các phần mềm để vẽ ra các sơ đồ tư duy bằng máy tính, vừa tiện lợi, vừa khoa học và đẹp mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.