Môn Âm nhạc trong chương trình mới: Chấm dứt tâm lý môn phụ, dạy đối phó

GD&TĐ - Dạy học âm nhạc theo sách giáo khoa (SGK) trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới  có gì khác biệt so với CTGDPT hiện hành? Âm nhạc đóng vai trò ra sao trong việc giáo dục toàn diện tri thức, tâm hồn học sinh? Đó là những vấn đề được không ít phụ huynh học sinh và xã hội quan tâm.

SGK Âm nhạc 1 do TS Đỗ Thị Minh Chính làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên
SGK Âm nhạc 1 do TS Đỗ Thị Minh Chính làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên

TS Đỗ Thị Minh Chính - nguyên giảng viên chính Trường CĐSP T.Ư - Tổng chủ biên và chủ biên SGK môn Âm nhạc 1 trong CTGDPT mới đã trao đổi xung quanh vấn đề trên.

Tài liệu để GV khai thác và sử dụng

- Trong CTGDPT mới, SGK môn Âm nhạc 1 có gì khác và mới so với SGK Âm nhạc 1 chương trình GD hiện hành, thưa bà?

- Xét ở góc độ mới, SGK Âm nhạc 1 là tài liệu minh họa về các cách cấu trúc, triển khai các nội dung và tổ chức hoạt động dạy học bám sát các mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực cho HS lớp 1, đã được biên soạn chi tiết ở CTGDPT mới. Việc tổ chức dạy học và đánh giá năng lực của HS sẽ bám sát theo các nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Do đó, một chương trình cho phép có nhiều bộ SGK khác với việc triển khai một bộ sách và yêu cầu thực hiện đồng loạt như SGK Âm nhạc hiện hành.

Như vậy khi triển khai dạy học, SGK Âm nhạc 1 sẽ là một tài liệu để GV khai thác và sử dụng. Cụ thể: Dựa trên cơ sở triết lý, cách tiếp cận phát triển nội dung và bố cục của sách, GV sẽ chủ động, linh hoạt, sáng tạo khi thiết kế các bài dạy phù hợp với đối tượng HS ở các nhà trường, địa phương…

- Bà có thể cho biết những nội dung cơ bản, điểm đáng chú ý về khung thời lượng trong SGK Âm nhạc 1 ở CTGDPT mới?

- Với khung thời lượng 35 tiết (bao gồm cả đánh giá HK1 và cuối năm), SGK Âm nhạc 1 đã biên soạn gồm 8 chủ đề. Các nội dung của chủ đề được kết nối đảm bảo tính logic của các mạch kiến thức cơ bản/cốt lõi. Sự liên thông ngang các nội dung trong từng chủ đề và liên thông dọc giữa các mạch nội dung của hệ thống chủ đề vừa đảm bảo theo các yêu cầu chung, song cũng thể hiện sự phân hóa để phù hợp với khả năng khác nhau của HS. Từ khung thời lượng chung, sách cũng gợi ý thời lượng số tiết cho mỗi chủ đề tương đương với những đơn vị kiến thức.

Tuy nhiên, GV có thể linh hoạt khi kết cấu các nội dung, lựa chọn các phương pháp, hình thức, phương tiện, nhạc cụ, nguồn tư liệu điện tử, nhạc cụ địa phương... để thiết kế các giáo án/bài dạy phù hợp với điều kiện dạy học và khả năng của HS trong phạm vi của chủ đề. GV cũng có thể phân chia nhỏ nội dung hay yêu cầu theo từng tiết để phù hợp với khả năng nhận thức của HS, miễn sao kết thúc tiết học/chủ đề hoàn thành được các yêu cầu/ nhiệm vụ đề ra.

Việc dạy học triển khai theo các hoạt động, trò chơi và sự tương tác trên cơ sở khai thác/khuyến khích HS thể hiện các kinh nghiệm, hiểu biết (ít, nhiều) đã có, kết nối với các kiến thức của bài học để hình thành tri thức/kinh nghiệm mới. Do đó, hoạt động dạy và học không tạo nên những áp lực, gò bó, căng thẳng cho cả GV và HS. Quá trình học và thể hiện âm nhạc cùng bạn bè và thầy cô giáo không chỉ mang đến sự tự tin, niềm vui trong cuộc sống, mà còn là phương thức để các em thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân...

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Nền tảng quan trọng của giáo dục hiện đại

- Dạy học âm nhạc quan trọng ra sao trong quá trình đổi mới giáo dục và giúp HS không chỉ giàu về tri thức mà còn đẹp về tâm hồn, theo bà?

- Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, với vai trò là bậc học cơ sở, nền tảng quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa, toàn diện các mặt nhân cách cho HS, chúng ta cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục nghệ thuật nói chung và dạy học âm nhạc nói riêng ở bậc tiểu học để đáp ứng các nhiệm vụ giáo dục của bậc học.

Thực tiễn cho thấy, xu thế chung ở các nước tiên tiến, giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất, cùng với phát triển các kỹ năng tương tác xã hội ở các bậc học, nhất là các bậc học đầu tiên/nền tảng luôn là những nội dung được coi trọng, được quan tâm đầu tư với những điều kiện phù hợp, để đáp ứng các yêu cầu dạy và học của GV và HS nhằm mục tiêu phát triển năng lực cho người học.

Bám sát các yêu cầu về phát triển năng lực theo CTGDPT mới, SGK Âm nhạc 1 được biên soạn theo hướng tích hợp các nội dung và yêu cầu trong sự kết nối về kiến thức ở từng chủ đề và toàn bộ cuốn sách.

Cùng với việc mở rộng về nội dung, đa dạng về hình thức và phương pháp tiếp cận, các bài học âm nhạc luôn được tích hợp/lồng ghép nhuần nhuyễn những nội dung phù hợp, gần gũi của các môn học khác. Do đó, nội dung của sách vừa đảm bảo những yêu cầu ở mức độ phổ thông, cơ bản nhưng đồng thời cũng có sự cập nhật với khoa học giáo dục hiện đại của các nền giáo dục tiên tiến ở khu vực và thế giới.

Mỗi bài học trong sách đều có những bối cảnh gắn kết với một không gian trải nghiệm cuộc sống nhất định, do đó sẽ từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất cho HS như: Tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chăm chỉ, sự hợp tác, biết lắng nghe, chia sẻ giúp đỡ các bạn trong khi cùng học, cùng sinh hoạt, vui chơi. Sự tự tin, nỗ lực, chủ động, tích cực và sáng tạo tham gia các hoạt động sẽ giúp các em phát triển năng lực âm nhạc, phát triển trí tuệ, phát triển cảm xúc và các tình cảm xã hội... hay có thể nói là, phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực cần có của người công dân tương lai trong bối cảnh toàn cầu hóa.

- Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ GV cần được hỗ trợ, tập huấn thế nào để việc truyền thụ kiến thức đạt hiệu quả cao nhất?

TS Đỗ Thị Minh Chính

- Về chất lượng đội ngũ GV môn Âm nhạc ở các nhà trường và địa phương chắc chắn không đồng đều (điều này có những nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành học). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng giáo viên đã được Bộ GD&ĐT, các cấp quản lý của ngành học có lộ trình và đang triển khai, nhất là thời điểm chuẩn bị đón đầu cho việc triển khai SGK phát triển năng lực – CTGDPT mới.

Khi triển khai SGK Âm nhạc mới cũng có những thuận lợi nhất định như có không ít GV có kinh nghiệm; cựu sinh viên các trường đào tạo sư phạm nghệ thuật có uy tín. Đội ngũ này sẽ nhanh nhạy tiếp cận với cái mới. Song cũng còn không còn ít hạn chế với một bộ phận GV. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông để đội ngũ CBQL chuyên môn, nhất là các GV trực tiếp đứng lớp hiểu được sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai SGK theo CTGDPT mới trong bối cảnh hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới; trong sự đối mặt với kỷ nguyên công nghệ 4.0 và trí tuệ thông minh tác động đến mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nhất thiết phải nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học phổ thông để tạo tiền đề cho việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có đủ phẩm chất và năng lực, thích ứng nhanh với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới. Đây chính là thách thức, và cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục bên cạnh sự chung tay của toàn xã hội…

- Để thu hút HS, dạy học môn Âm nhạc có nên đổi mới hình thức thay vì học âm nhạc chỉ ngồi tại lớp?

- Trước tiên, các cấp quản lý chuyên môn ở cơ sở và GV bộ môn cần xây dựng các nội dung để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của môn học nghệ thuật, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm sáng tạo trong CTGDPT mới. Với các bậc phụ huynh cần có các nội dung tuyên truyền, tranh ảnh, clip, giới thiệu về các hoạt động ngoại khóa văn nghệ, về sự tự tin và năng động của HS để cha mẹ HS có thêm những thông tin và hiểu biết về vai trò, vị thế của môn học Âm nhạc trong việc giáo dục và phát triển toàn diện cho HS ở Việt Nam, mà điều này ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đã có sự quan tâm và đầu tư từ lâu.

Ngoài ra cũng cần phải đa dạng hình thức học tập thông qua trải nghiệm thực tế như: Xem các chương trình biểu diễn qua việc đặt hàng các nhà hát/đoàn nghệ thuật biểu diễn với các chủ đề/chương trình phù hợp với độ tuổi để HS được xem/nghe ở các không gian nhà hát, Cung Thiếu nhi, Viện Âm nhạc, Bảo tàng Dân tộc học thay vào một số tiết hợp lý và thay cho buổi học trên lớp.

Hiện tại, CTGDPT mới cũng dành khối lượng thời gian cho chương trình địa phương, do đó tùy theo điều kiện, các nhà trường có thể xây dựng các nội dung tham quan/học tập dã ngoại để giới thiệu cho HS nghe/xem các chương trình/ hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của địa phương, vùng miền.

- Xin cảm ơn bà!

Mỗi HS sẽ có một tố chất/năng lực/sở trường khác nhau. Việc được học và phát triển năng lực âm nhạc sẽ giúp các em phát triển trí não thông qua khả năng tư duy, thực hành và khả năng sáng tạo... Không khí vui vẻ, chia sẻ cảm xúc và các hoạt động tương tác với bạn bè thầy cô ở những giờ học nhạc sẽ tạo nên những niềm vui, sự tự tin cho các em mỗi khi đến trường. Đây cũng là một trong những động lực giúp các em hứng thú và tích cực hơn trong việc học tập các môn học khác. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.