Giải quyết điểm nghẽn cho phát triển năng lượng tái tạo

GD&TĐ - Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Giải quyết điểm nghẽn cho phát triển năng lượng tái tạo

Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khiến lưới điện đầu tư không theo kịp làm nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất.

Tại Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo đang vướng phải nhiều vấn đề, từ việc lập quy hoạch, đầu tư lưới điện… Để giải quyết vấn đề này, cần có một bản quy hoạch ngành chất lượng hơn nữa, cùng những cơ chế để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng, nên hầu như rất ít các dự án điện mặt trời, điện gió được đề xuất.

Do vậy, báo cáo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh chỉ đưa vào ước tính một phần lớn lượng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo như là khoảng không gian cho việc xét duyệt các dự án đó khi được các chủ đầu tư đề xuất trong giai đoạn 2016 -2020 và tới năm 2025. Chẳng hạn 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời vào năm 2020; quy mô trên 27.000 MW nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 cũng là tính toán định hướng.

Ngoài ra, các địa phương có tiềm năng phát triển điện sạch cũng chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này, mất thời gian, thủ tục cho bổ sung quy hoạch; chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, chủ yếu các nhà đầu tư vẫn tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư, có khi chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước hết, phải đặt câu hỏi, điểm nghẽn nằm ở đâu khiến các dự án năng lượng tái tạo gặp khó khi phát triển. Chỉ trong vòng mấy tháng qua, quy hoạch điện mặt trời đã bị phá vỡ.

“Vấn đề về chất lượng quy hoạch ngành, sự thiếu minh bạch, công khai… Cá nhân tôi chỉ biết đến vấn đề phá vỡ quy hoạch, giảm phát của các dự án năng lượng tái tạo thời gian gần đây. Nếu có sự công khai minh bạch ngay từ đầu, có sự đóng góp của xã hội, chuyên gia thì chắc không có vấn đề này”, ông Ánh nói.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, với 2 địa phương điểm nóng là Ninh Thuận, Bình Thuận, tập trung quá nhiều dự án khiến lưới điện chịu áp lực lớn. EVN chia sẻ với địa phương và đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống lưới điện, có thể từ nhà máy vào đường dây chính.

Nhưng nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch. Tư nhân hay Nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch. Dự kiến, đến tháng 6/2020, EVN sẽ hoàn thành các dự án đầu tư lưới điện để giải tỏa công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận đưa vào vận hành trước 6/2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ