Năng lượng tái tạo giúp người Đức dư thừa điện năng

Giá điện ở Đức đã giảm xuống mức -130 Euro/ MWh chỉ trong một thời gian ngắn do quốc gia này đã dư thừa quá nhiều năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo giúp người Đức dư thừa điện năng

Chính điều này đã dẫn đến một hệ quả nghe có vẻ khó tin nhưng có thật là người dân Đức đang được trả tiền để tiêu thụ điện.

Theo Independent, số liệu thống kê cho thấy thời tiết thuận lợi và gió lớn trong hai ngày cuối tuần đã khiến các nhà máy điện sử dụng năng lượng nước, gió và mặt trời tạo ra 54,6GW năng lượng hay khoảng 80% tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn nước Đức.

Và tất nhiên điều này đã dẫn đến hệ quả là giá điện giảm mạnh và chạm đáy tại mức -130 Euro/ MWh. Lý do cho sự sụt giá mang tính tiêu cực này một phần do sự không linh hoạt trong hệ thống quản lý.

Khi năng lượng tái tạo được sản xuất ra quá nhiều, các nhà máy điện thường sẽ phải ngừng hoạt động tạm thời. Tuy nhiên, các nhà máy hạt nhân và nhiệt điện lại không thể tạm ngừng một cách nhanh chóng như vậy và quan trọng hơn là chi phí duy trì hoạt động sẽ rẻ hơn đáng kể so với việc tạm dừng và khởi động lại sau đó.

Bên cạnh đó, không phải lúc nào thời tiết cũng thuận lợi để các nhà máy có thể cung cấp phần lớn năng lượng cho toàn bộ quốc gia trong thời gian dài.

Vào những ngày cuối tuần đẹp trời, khi thời tiết "ủng hộ" và các nhà máy tiêu thụ nhiều điện không hoạt động thì sản lượng điện tái tạo mới tăng cao như vậy.

Còn trong những ngày bình thường, lượng điện năng tái tạo chỉ có thể phục vụ chưa đến một nửa nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn nước Đức.

Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu cho rằng việc quản lý cần phải linh hoạt hơn để năng lượng tái tạo được sử dụng một cách hiệu quả.

Hiện nay, các nhà máy năng lượng tái tạo đang sản xuất quá nhiều năng lượng vào những ngày nhiều nắng và gió, dẫn đến tình trạng kém hiệu quả và giảm giá điện tiêu cực.

Tuy nhiên họ cho biết những cải tiến quản lý và công nghệ lưu trữ năng lượng được áp dụng trong thời gian tới sẽ giúp nước Đức kiểm soát tốt hơn vấn đề này.

Theo VnReview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ