Đây là lý do các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên hướng đến sự đa dạng nguồn năng lượng, trong đó chú trọng đến năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió.
Năng lượng truyền thống: Giá rẻ, tổn thất lớn
Năng lượng điện ở nước ta hiện nay dựa chủ yếu vào nhiệt điện và thủy điện. Nhiệt điện là nguồn năng lượng lâu đời, sử dụng lượng lớn than. Tuy nhiên, than tạo ra năng lượng điện hiện nay phần lớn là nhập khẩu. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng chỉ ra, công nghệ sản xuất năng lượng dựa vào nhiệt điện tạo ra lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ở nước ta, con số này ước tính khoảng 50% từ nhà máy điện than và khí đốt.
Hậu quả của hiệu ứng nhà kính với nhiều người, đặc biệt là người dân đôi khi còn xa lạ nhưng tại nhiều vùng quê, không ít người dân đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt và gánh chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, số liệu nghiên cứu được cung cấp gần đây cho thấy, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 4,9 triệu người chết sớm hơn so với dự kiến do ô nhiễm không khí, đặc biệt là nhiệt điện than.
Ghi nhận tại 3 trạm y tế Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Đông (Quảng Bình) và Lạc Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa), nhóm nghiên cứu của Trung tam nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng không khỏi giật mình bởi tính trung bình trong 1 năm số người chết do ung thư, trong đó phần nhiều là ung thư phổi, gan dạ dày chiếm 49% tổng số ca tử vong trong xã.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, mặc dù Chính phủ khẳng định không đánh đổi môi trường, sức khỏe người dân để phát triển kinh tế nhưng thực tế cho thấy vấn đề ô nhiễm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Vị chuyên gia này cũng khẳng định, hiện nay, chúng ta cho rằng giá điện truyền thống rẻ hơn so với các nước, các nguồn năng lượng khác nhưng thực ra cái giá mà người dân phải trả cho sức khỏe của mình khi sống trong vùng ô nhiễm cũng tương tự giá điện. Nhưng chi phí này không được đề cập đến trong quá trình làm dự án, xây dựng nhà máy nhiệt điện hay các khu công nghiệp…
Hướng tới sự phát triển bền vững
Báo cáo Hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu của Mạng lưới Chính sách Năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN 21) mới đây một lần nữa khẳng định, sự chuyển dịch năng lượng đang tăng tốc trong ngành điện. Theo đó, điện tái tạo chiếm 70% tổng công suất phát điện bổ sung cho toàn cầu năm 2017. Trong đó, công suất năng lượng điện mặt trời tăng 29% so với năm 2016, nâng tổng công suất phát điện bổ sung từ điện mặt trời vào hệ thống điện nhiều hơn so với tổng công suất cộng dồn từ cả ba nguồn than, khí tự nhiên và điện hạt nhân. Điện gió cũng góp phần làm tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo toàn cầu với 52 GW được bổ sung.
Trung Quốc, châu Âu và Mỹ chiếm gần 75% nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo thế giới trong năm 2017. Mặc dù đầu tư vào lắp đặt điện tái tạo mới cao hơn 2 lần so với tổng đầu tư mới cho điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân nhưng nhiều quốc gia vẫn lựa chọn sự đầu tư này bởi nó vừa đảm bảo việc cung cấp điện năng cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo môi trường.
Ở nước ta, các nghiên cứu chỉ ra rằng năm 2020 là năm đạt đỉnh của công suất điện than. Vì vậy, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), khẳng định Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế. “Chúng ta có thể cắt bỏ 30 GW điện than thay vào đó là ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo kết hợp với điện khí” - bà Ngụy Thị Khanh khuyến cáo.
Để đảm bảo an ninh năng lượng hướng tới sự phát triển bền vững, GreenID công bố Bản Thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam. Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do chuyên gia GreenID thực hiện. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của Việt Nam. Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, đồng thời xem xét chi phí ngoại biên từ tác động của ô nhiễm không khí và phát thải carbon.