Quyền trẻ em
Theo Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, mặc dù có nhiều thay đổi tích cực trong những thập kỷ gần đây, nhưng hàng triệu trẻ em vẫn sống mà không có các quyền cơ bản. Cuộc sống của nhiều trẻ em trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu.
Theo ước tính trên thế giới, có tới 800 triệu trẻ em sống trong các khu vực nguy hiểm và bị ảnh hưởng bởi xung đột - nơi quyền trẻ em thường bị từ chối và tuổi thơ các em chỉ có sự lạm dụng, bóc lột và nô lệ.
“Chúng tôi tin rằng, mọi trẻ em đều xứng đáng có một tuổi thơ trọn vẹn, được bao bọc và bảo vệ từ gia đình cũng như cộng đồng, không có bạo lực và có cơ hội phát triển như những đứa trẻ khác”, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói, bị bóc lột và bạo lực được cho là không thể tránh khỏi đối với nhiều trẻ. Trong đó, không ít vấn đề mà nhiều em đang phải đối mặt là hậu quả của nạn bóc lột và lỗ hổng giáo dục.
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho biết, quyền trẻ em là quyền con người của trẻ em. Mọi trẻ em bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính, dù giàu có hay được sinh ra từ đâu cũng đều có quyền. Những quyền này được quy định trong luật quốc tế Công ước về quyền trẻ em (CRC). Theo luật, tất cả trẻ em phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và luôn được đảm bảo lợi ích tốt nhất.
Theo quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, trẻ em có quyền được bảo vệ và trợ giúp đặc biệt vì đây là những người dễ bị tổn thương. Theo CRC, tất cả trẻ em nên lớn lên trong tinh thần hòa bình, nhân phẩm, khoan dung, tự do, bình đẳng và đoàn kết. Ngoài ra, tất cả các quốc gia có trách nhiệm cung cấp những quyền này theo luật của Liên Hợp Quốc.
Không chỉ ủng hộ quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, Tầm nhìn Thế giới cũng kêu gọi chính phủ các nước và phụ huynh trên khắp thế giới hành động để đảm bảo quyền trẻ em được bảo vệ, tôn trọng và thực hiện. “Khi quyền trẻ em được bảo vệ, các em có cơ hội trưởng thành trong một xã hội cho phép chúng phát triển mạnh mẽ”, tổ chức phi lợi nhuận này nhấn mạnh.
Lịch sử quyền trẻ em
Sau hậu quả tàn khốc của các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 và sự tác động tới tâm lý, thể chất đối với trẻ em, Liên Hợp Quốc đã quyết định, quyền con người của trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt.
Sau Thế chiến I, Hội Quốc Liên (Liên Hợp Quốc hiện tại) đã soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bao gồm các quyền đối với sự sống, thực phẩm, nơi ở, giáo dục, tự do ngôn luận và tôn giáo, công lý và hòa bình.
Nhận thấy rằng, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, năm 1959, Liên Hợp Quốc đã đồng ý thông qua Tuyên bố về quyền trẻ em của Geneve, với nội dung về trách nhiệm đối với trẻ em.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chấp nhận Tuyên ngôn về quyền trẻ em, mở đường cho việc thông qua Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 - văn bản quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên để bảo vệ quyền trẻ em.
Công ước về quyền trẻ em là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Công ước đặt ra các quyền của trẻ em trong 54 điều và được định hướng bởi 4 yếu tố chính: Trẻ em không nên chịu sự phân biệt đối xử (Điều 2); Trong tất cả các quyết định ảnh hưởng đến trẻ em, lợi ích tốt nhất của các em phải là mối quan tâm chính (Điều 3); Trẻ em có quyền sống và phát triển lành mạnh (Điều 6); Trẻ em có quyền đưa ra quan điểm trong các vấn đề ảnh hưởng đến mình (Điều 12).
Ngày thế giới thiếu nhi
Năm 2019, thế giới đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công ước về quyền trẻ em vào Ngày Thiếu nhi Thế giới 20/11. Ngày này được cho là một cơ hội để nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, truyền cảm hứng cho chính phủ và cộng đồng để hiện thực hóa các quyền đó, thúc đẩy trách nhiệm và kêu gọi mọi người hành động. Mặc dù quyết định ngày 20/11 là Ngày Thiếu nhi Thế giới, nhưng Liên Hợp Quốc cho phép các quốc gia thành viên được tự quyền chọn ngày riêng.
“Cùng với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, việc thực hiện đầy đủ CRC sẽ dẫn đến một thế giới nơi không ai - không trẻ em - bị bỏ lại phía sau”, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho hay.
Quyền trẻ em trên toàn thế giới
Trên toàn cầu, hàng trăm triệu trẻ em đang bị từ chối nhân phẩm, tự do, tương lai và tuổi thơ khi quyền lợi của các em không được bảo vệ. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, có 218 triệu trẻ em đang là lao động trên toàn thế giới. Những em nhỏ này bị từ chối cơ hội đến trường, không được chơi với bạn bè và cũng không có chế độ dinh dưỡng phù hợp hay được chăm sóc để có một cuộc sống khỏe mạnh và đầy đủ. Thay vào đó, các em phải làm việc nhiều giờ để đổi lại phần thưởng nhỏ.
Nhiều trẻ em đang bị lợi dụng khi phải làm các công việc nguy hiểm về tinh thần và thể chất, liên quan đến nơi làm việc và các hành vi bóc lột như nô lệ, buôn bán ma túy, mại dâm và xung đột vũ trang. Những môi trường này tác động tiêu cực đến sự phát triển của một đứa trẻ và có thể từ chối các quyền của trẻ em trong việc được bảo vệ và giáo dục.