Trong quá trình học sinh đánh nhau, người thầy vẫn ngồi yên trên bục giảng. Sau khi xác minh vụ việc, lãnh đạo Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với nữ sinh. Đồng thời nhà trường cũng kiểm điểm, phê bình thầy giáo vì̀ đã phản ứng quá chậm, chưa kịp thời ngăn cản hành vi vi phạm của học sinh, gây bức xúc trong dư luận.
Vụ việc cơ bản được giải quyết, thế nhưng những ai quan tâm đến giáo dục vẫn dư âm nhiều trăn trở về vấn đề bạo lực học đường và vai trò của người thầy. Bởi suy cho cùng, xử lý kỷ luật hay đánh giá về đạo đức cũng chỉ là một trong những biện pháp để giải quyết và đó cũng chưa phải là biện pháp tốt nhất.
Bạo lực học đường gây nên ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tâm lý tình cảm của học sinh, để lại những hậu quả nhất định cả với gia đình, nhà trường và xã hội. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản, có không ít biện pháp để phòng, chống bạo lực học đường, thế nhưng đây đó vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Thực tế cho thấy, hầu hết vụ việc bạo lực giữa học sinh và học sinh đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong học đường, chưa đến mức nghiêm trọng, có khi chỉ vì một câu nói, ánh nhìn hay cách ứng xử. Trong vụ việc ở Trường THPT Cao Bá Quát, mâu thuẫn chỉ vì học sinh chưa đồng tình với nhau trong chấm điểm thi đua. Nếu nhà trường, đặc biệt thầy cô giáo sâu sát, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn sớm sẽ ngăn chặn vụ việc ngay từ khi còn là mầm mống.
Để hạn chế những hành vi bạo lực trong học sinh, thời gian qua mô hình tư vấn tâm lý học đường đã và đang được đẩy mạnh. Với sự ra đời của Thông tư số 31 Hướng dẫn thực hiện công tác tâm lý học đường trong nhà trường phổ thông của Bộ GD&ĐT, nhiều trường học đã có nhân viên tư vấn chuyên trách. Các phòng tư vấn tâm lý với đội ngũ nhân viên có chuyên môn được kỳ vọng là những “van xả” giúp giảm nhiệt các xung đột học đường, nguy cơ dẫn đến bạo lực. Và thực tế rất nhiều trường học nhờ có bộ phận tư vấn tâm lý chung sức đã không có vụ việc bạo lực học đường nào xảy ra.
Xây dựng đội ngũ chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vì thế rất quan trọng, cần đẩy mạnh, góp phần giảm thiểu xung đột, bạo lực trong học sinh. Tuy vậy nếu mỗi trường học chỉ trông chờ vào số ít người làm công tác tâm lý chuyên trách thì vẫn chưa đủ. “Một trường học có 60 nhà giáo thì phải có 60 nhà tâm lý, nếu cả trường chỉ trông chờ vào 1 – 2 người làm công tác tâm lý cũng không giải quyết được vấn đề”, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) từng nhấn mạnh. Ông cho rằng, nên nhìn bạo lực học đường dưới góc độ tâm lý lứa tuổi, tâm lý giáo dục và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục.
Giáo dục và dạy học hay giáo dưỡng là hai nhiệm vụ cốt lõi của người thầy. Thời gian qua, vì khối lượng công việc, áp lực cuộc sống hay vì thiếu kinh nghiệm, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, kỹ năng, có một số thầy cô giáo còn ít gần gũi, tâm tình, chia sẻ với học sinh, thậm chí có trường hợp còn né tránh các vấn đề rắc rối liên quan đến trò, chỉ đơn thuần quan tâm truyền đạt kiến thức của bài học. Khi người thầy làm chưa tròn vai, hoặc là thờ ơ, chậm trễ, hay thiếu kỹ năng giải quyết tình huống, không chỉ các mâu thuẫn nhỏ trong học sinh rất dễ dẫn đến bạo lực, mà chính người thầy cũng khó thể hoàn thành nhiệm vụ. Đây thực sự là những khoảng lặng trong đội ngũ, rất cần chấn chỉnh, thay đổi.