Trường Tiểu học Đoọc Mạy đóng tại xã biên giới khó khăn bậc nhất huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Cho đến nay, giao thông vào Đoọc Mạy vẫn hiểm trở, với đèo cao, dốc đứng và những đoạn suối cắt ngang đường mỗi mùa mưa.
Nhưng những năm qua, chất lượng giáo dục ở ngôi trường này ngày càng khởi sắc, bởi sự thay đổi từ chính ban giám hiệu, giáo viên và mỗi học sinh.
Tổ chức bán trú cho ngôi trường 100% học trò Mông
Năm học 2021 - 2022 là năm thứ 2 Trường Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn) đưa học sinh từ điểm lẻ về tổ chức bán trú. Có 68 em từ lớp 3-5 ở các bản Huồi Viêng, Phà Nọi, Noọng Hán được ăn ở tại trường đi học.
Thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi khoe thành quả xây dựng mô hình bán trú quy củ, cơ bản đảm bảo ăn học cho trò. Bao gồm dãy nhà ở dù chưa được xây mới, nhưng được tu sửa từ lớp học cũ trở nên ấm áp, có phòng riêng cho học sinh nam và nữ với đầy đủ giường, chăn, đệm. Nhà trường cũng vận động các nguồn lực xã hội hóa, tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm để xây dựng khu bếp, nhà vệ sinh sạch sẽ cho các em.
Nhớ lại những ngày đầu vận động tổ chức bán trú, thầy Trường chia sẻ đó là quãng thời gian vô cùng vất vả. Đặc trưng của xã Đoọc Mạy là vùng biên giới với 100% bà con là người Mông. Các bản ở tách biệt nhau với khoảng cách xa và đường đi khó khăn, hiểm trở. Cũng vì vậy mà địa phương, nhà trường không đủ điều kiện tập trung đầu tư, xây dựng cho các điểm trường lẻ.
Đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018, giải pháp tối ưu là đưa học sinh từ bản lẻ về trường chính. Đây cũng là mô hình mà Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đã triển khai, nhân rộng ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn những năm học trước. Nhưng riêng với Đoọc Mạy, quá trình vận động, tạo niềm tin ở phụ huynh các điểm lẻ không dễ dàng. Nhất là việc tổ chức bán trú hoàn toàn bắt đầu từ con số 0: không nhà bán trú, không bếp ăn, khu vực vệ sinh, đồ dùng sinh hoạt...
Để có phòng ở cho trò, nhà trường tận dụng gian phòng học cũ của trường phổ thông cơ sở cũ (liên cấp 1 – 2), lợp lại ngói, bên trong đóng thêm lớp bạt nhựa để che mưa gió. Phòng GD&ĐT hỗ trợ chuyển một số giường tầng dư thừa của trường PT Dân tộc bán trú THCS cho học sinh tiểu học. Các vật dụng sinh hoạt khác, nhà trường tự sắm thêm cho học sinh.
Đồng thời, lợp mái tôn trước dãy ký túc của giáo viên làm khu vực nhà ăn cho học sinh. Bếp ăn của thầy cô ở lại cắm bản cũng được sử dụng chung để nấu nướng cho học trò. Vừa lo ăn uống, vừa chăm sóc, quản lý các cháu để tạo sự yên tâm, tin tưởng của phụ huynh.
Vậy là lần đầu tiên ngôi trường tiểu học 100% học sinh Mông có tổ chức bán trú, với số lượng 34 em lớp 4-5 của các bản Noọng Hán, Huồi Viêng và Phà Nọi. Sau năm học đầu tiên, mô hình bán trú tạo được niềm tin trong phụ huynh, và tăng lên 68 em trong năm học 2021-2022. Dự kiến đến năm 2022-2023 sẽ có gần 90 học sinh của Trường Tiểu học Đoọc Mạy ở bán trú.
Đáng chú ý, một số học sinh trước đây xin chuyển trường sang xã khác học để được ở bán trú, nhưng khi nhà trường tổ chức mô hình này, đã xin quay về. Đó là những em ở bản Huồi Khơ. Đây là bản đặc biệt, chỉ cách trường chính có “mấy quãng dao quăng” nhưng đi đường bộ lại xa tận... 70km vòng qua 3 xã biên giới khác là Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý.
“Những năm học trước, nhiều gia đình xin chuyển trường cho con sang xã Mỹ Lý đi học vì gần nhà hơn và có bán trú. Nhưng 2 năm nay, Trường Tiểu học Đoọc Mạy đã tổ chức bán trú, thì phụ huynh Huồi Khơ lại xin cho con về trường cũ, dù quãng đường tới điểm chính rất xa. Lý do vì sau khi đến tận nơi và nhìn thấy sự chăm sóc của thầy cô đối với học sinh bán trú, phụ huynh đã tin tưởng, yên tâm . Hơn nữa, các em cũng muốn được học tập, sinh hoạt với bạn bè cùng bản, cùng dân tộc, vì sang xã khác học thì khác biệt ngôn ngữ và bản sắc văn hóa”, thầy Trần Hữu Trường nói.
Niềm vui ở ngôi trường biên giới
Học sinh bán trú được hưởng trợ cấp theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo thầy Trần Hữu Trường, hàng năm gạo về kịp thời, nhưng tiền hỗ trợ phải đợi lập danh sách, duyệt và về muộn sau 4 – 5 tháng. Vì thế, nhà trường và các thầy cô giáo thường ứng tiền túi ra để nuôi trò. Ngoài ra, chủ động trồng thêm nhiều loại rau củ, nuôi lợn, nuôi gà, tăng thêm thức ăn cho bữa ăn học trò.
Năm học này, trường Tiểu học Đoọc Mạy đã hợp đồng với 1 cô nuôi để nấu ăn cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, ban giám hiệu vẫn cắt cử thêm các giáo viên để hỗ trợ. Bên cạnh đó, có hơn 10 giáo viên cắm bản hiện ở ký túc xá tại trường cũng thường xuyên chăm lo, quản lý học sinh từ bản lẻ về bán trú.
Thầy Trần Văn Pội là giáo viên người Thái, nhưng đã gắn bó với học trò Mông ở Đọc Mạy hơn 10 năm nay. Thầy chia sẻ, từ khi đưa học sinh về tổ chức bán trú, giáo viên vất vả hơn rất nhiều. Tất cả thời gian hầu như dành cho học trò, từ dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình chính khóa, phụ đạo buổi tối đến quản lý, rèn kỹ năng sống.
“Nhưng mô hình này thực sự đã đem lại nhiều lợi ích cho học sinh. Từ điều đơn giản nhất là biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân và giữ vệ sinh chung. Các em mạnh dạn, tự tin, chủ động giao tiếp hơn. Tăng cường khả năng Tiếng Việt. Trường học, thầy cô tuy bận rộn nhưng nhờ có các em mà vui hơn. Thấy trò tiến bộ chúng tôi cũng rất mừng”, thầy Pội cho hay.
Thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoọc Mạy vốn là chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn gần 20 năm. Hơn 50 tuổi, thầy đã có thể xin về trường gần trung tâm hoặc đường sá thuận lợi hơn. Nhưng thầy lại xung phong về Đoọc Mạy với mong muốn có thể đem năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý vực dậy chất lượng ngôi trường vùng sâu, vùng xa này.
Việc tổ chức bán trú cho học sinh, vận động nguồn lực xã hội từng bước bổ sung cơ sở vật chất do thầy Hiệu trưởng khởi xướng. Đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết trong tập thể nhà trường.
Ngoài chăm lo cho học sinh, cảnh quan ngôi trường cũng được tôn tạo, tu sửa, trồng thêm nhiều hoa, cây xanh. Theo thầy Trường, do ở địa bàn vùng sâu, đường giao thông hiểm trở, việc xây dựng cơ sở vật chất mới cần nhiều kinh phí và phải chờ nguồn ngân sách Nhà nước. Nhưng có những việc trong phạm vi nhà trường có thể xin kinh phí địa phương, huy động xã hội hóa tôn tạo được như: hệ thống tường bao, sửa sang cổng trường an toàn, trang trí lớp học, giữ cảnh quan xanh, sạch đẹp...