Một thầy, hai bảng, mười trò

GD&TĐ - Điểm bản Phà Nọi (Trường Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) năm học này chỉ có 10 học sinh. Đó là lớp ghép gồm 4 em lớp 2 và 6 em lớp 1, trong dãy phòng học tạm, nhưng sĩ số chưa bao giờ thay đổi.

Thầy Nguyễn Trọng Toàn đón học sinh đến lớp tại điểm bản Phà Nọi – Trường Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Thầy Nguyễn Trọng Toàn đón học sinh đến lớp tại điểm bản Phà Nọi – Trường Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cho đến tận bây giờ, đường đến Phà Nọi vẫn hiểm trở với dốc đứng, trơn trượt mỗi mùa mưa và bụi mù ngày nắng. Đây là nơi cao nhất xã biên giới Đoọc Mạy, với 100% bà con người dân tộc Mông, ở trên 1.200m so với mực nước biển và cách xa TP Vinh hơn 300km. Chính vì vậy mà năm nào, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoọc Mạy cũng phân công thầy giáo vào Phà Nọi cắm bản, nhường cho các cô được dạy ở điểm chính để bớt vất vả.

Nói là trường học, nhưng điểm bản Phà Nọi chỉ có mấy gian nhà gỗ tạm bợ, trong đó một phòng đã hư hỏng, không sử dụng được nữa. Phòng còn lại được cải tạo  làm lớp học ghép, bao quanh có hàng rào bằng củi. “Hiện đại” nhất là cổng trường với 2 cọc sắt, phía trên treo tấm biển ghi rõ ràng: Trường Tiểu học Đoọc Mạy  - Cơ sở bản Phà Nọi. Điểm trường nhỏ bé nằm ẩn dưới thung lũng. Nhìn ngước lên trên, có thể thấy con đường đèo vắt ngang núi, mà lũ trẻ chỉ cần nghe vọng xuống tiếng xe máy rú ga thân quen đã chạy ra ngóng thầy.

Trong lớp ghép là 1 thầy, 2 bảng và 10 trò được sắp xếp ngồi theo 2 hướng để dạy học. Song song dạy học Chương trình, SGK mới lớp 1+2 đòi hỏi thầy Toàn phải nỗ lực rất nhiều dù sĩ số lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong lớp ghép là 1 thầy, 2 bảng và 10 trò được sắp xếp ngồi theo 2 hướng để dạy học. Song song dạy học Chương trình, SGK mới lớp 1+2 đòi hỏi thầy Toàn phải nỗ lực rất nhiều dù sĩ số lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi thầy giáo chuyển sang dạy cho anh chị lớp 2, thì các bạn lớp 1 tự giác đọc, đánh vần chữ cái thầy ghi trên bảng.
Trong khi thầy giáo chuyển sang dạy cho anh chị lớp 2, thì các bạn lớp 1 tự giác đọc, đánh vần chữ cái thầy ghi trên bảng.

Năm nay, thầy Nguyễn Trọng Toàn tiếp tục được phân công dạy học ở Phà Nọi. Những em lớp 3 – 4 – 5 đã được chuyển ra trường chính học bán trú, và ở lại từ thứ 2 đến thứ 6 mới về nhà. Thầy Toàn là giáo viên miền xuôi, đã gần 20 năm gắn bó với Đoọc Mạy và cắm bản lẻ hơn nửa thời gian vào nghề. Đến giờ, thầy không chỉ nghe hiểu tiếng Mông, nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh, mà còn biết được cả đặc điểm tính cách, tâm lý của những đứa trẻ vùng cao này để có phương pháp dạy học phù hợp.

Sáng nào cũng vậy, vào đến bản, học sinh đã thập thò bên ngoài. Nghe thầy đánh trống thì nhanh chân vào lớp. Không điện, không tivi, không trang thiết hiện đại. Lớp học có 1 thầy, 2 chiếc bảng, 10 học sinh của trình độ lớp 1 và lớp 2 ngồi ngoảnh theo 2 hướng.

Buổi trưa, thầy Nguyễn Trọng Toàn ở lại trong gian ký túc cũng được ghép tạm bằng gỗ, bên trong căng bạt để ngăn mưa gió tạt vào.
Buổi trưa, thầy Nguyễn Trọng Toàn ở lại trong gian ký túc cũng được ghép tạm bằng gỗ, bên trong căng bạt để ngăn mưa gió tạt vào. 
Dù không bắt buộc, nhưng thầy dạy học 2 buổi/ngày cả tuần, để tranh thủ thời gian củng cố, ôn tập kiến thức cho trò và tăng cường kỹ năng sống cho các em như: Phân biệt các loại rau, nhặt cỏ, chăm sóc cây...
Dù không bắt buộc, nhưng thầy dạy học 2 buổi/ngày cả tuần, để tranh thủ thời gian củng cố, ôn tập kiến thức cho trò và tăng cường kỹ năng sống cho các em như: Phân biệt các loại rau, nhặt cỏ, chăm sóc cây...

Ở giữa núi biên giới, thầy trò vẫn đều đặn dạy học nghiêm túc. Dù giờ giấc có thể không bảo đảm bởi ngày mưa gió, sương mù, giá rét, lớp học không có điện, tối om đành phải dừng lại. “Nhưng buổi trưa, vừa ăn cơm xong là lũ trẻ lại kéo nhau đến trường. Tôi có muốn nghỉ ngơi một chút cũng không được. Thầy đi một bước, trò theo một bước, cứ như đàn gà con”, thầy Toàn vui vẻ kể.

Nhưng ngày nối ngày, tháng nối tháng và một năm học đã đi được gần nửa chặng đường. Do chỉ còn lớp ghép 1 + 2, dạy học Chương trình, sách giáo khoa mới, nên chỉ những giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng mới có thể đảm nhận được. Điều này đồng nghĩa với việc, thầy Toàn phải nỗ lực gấp nhiều lần để dạy song song 2 lớp này, dù với sĩ số trên đầu ngón tay.

Theo thầy Toàn, học trò ở Phà Nọi còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả, thiệt thòi. Trước kia, nơi đây cũng là thủ phủ của cây thuốc phiện. Nhưng sau đó, loài cây này đã được phá bỏ hoàn toàn. Đến thế hệ bố mẹ của những đứa trẻ tiểu học bây giờ, đã đi xa hơn mảnh rẫy trên rừng, mà vào Nam, ra Bắc, tìm đến những khu công nghiệp để lao động, mưu sinh. Con cái để lại cho ông bà, và các thầy cô, nhà trường trở thành nơi các em đến đi học, đi chơi, là ngôi nhà thứ 2 để được yêu thương, chăm sóc.

Thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoọc Mạy - cho hay, cơ sở Phà Nọi thiếu thốn, vất vả nhất so với các bản lẻ khác, bởi phòng học lẫn nhà công vụ cho giáo viên cắm bản đều tạm bợ. “Dù khó khăn, biệt lập, nhưng chất lượng dạy học ở đây vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu. Kể cả 2 năm học vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng việc dạy học ở Phà Nọi nói riêng và toàn trường nói chung đều đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Có được những điều này, trước hết chính là nhờ tâm huyết, lòng yêu thương, chăm trò của thầy cô” – Hiệu trưởng nhà trường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.