Nghệ An: Chăm lo Tết sum vầy đến thầy trò vùng cao, đơn vị đặc thù

GD&TĐ - Lâu nay ngành giáo dục không có khái niệm “thưởng Tết” vì các trường học là đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu. Thay vào đó là “quà tết” chủ yếu mang giá trị tinh thần, được tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên.

Ngành giáo dục Nghệ An trao quà tết cho giáo viên, học sinh vùng cao nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.
Ngành giáo dục Nghệ An trao quà tết cho giáo viên, học sinh vùng cao nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.

Những món quà của Sở GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục có ý nghĩa động viên các thầy cô, vừa thể hiện sự quan tâm, sẻ chia trong ngành đối với giáo viên, người lao động khó khăn.

Đến hẹn lại lên với vùng cao

Trước tết Nguyên đán, Sở Giao dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức đi trào quà tết cho học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...

Đây là chương trình thường niên được ngành giáo dục và đào tạo duy trì đối với các huyện miền núi cao, đặc biệt khó khăn.

Tại huyện Quỳ Châu, đoàn đã đến thăm và chúc tết Trường THCS Châu Bình. Đây là ngôi trường chiếm hầu hết học sinh người dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 50% em thuộc diện hộ nghèo. Nhưng những năm qua nhà trường luôn là một trong những trường có thành tích đi đầu của huyện Quỳ Châu với nhiều học sinh đạt học sinh giỏi huyện, tỉnh và đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, tập thể nhà trường đã tổ chức bán trú cho hơn 80 học sinh ở những bản xa xôi như Thung Khạng, Độ 2, Độ 3 dù chưa được công nhận trường bán trú. Việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, công tác chăm sóc, quản lý học sinh bán trú chủ yếu do thầy cô nhà trường tự nguyện ở lại trực.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thăm hỏi, động viên học sinh trường vùng cao, biên giới.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thăm hỏi, động viên học sinh trường vùng cao, biên giới.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đến thăm nhiều trường học vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa khác như Trường Tiểu học Châu Thôn (Quỳ Châu), Trường PTDT BT Tiểu học Mỹ Lý 1 (huyện Kỳ Sơn), Trường PT DTBT Tiểu học Châu Khê (huyện Con Cuông) và Trường THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương). Đây đều là những trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn với đại đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo đều trên 50%.

Trò chuyện với giáo viên và học sinh của các nhà trường, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT ghi nhận sự cố gắng của các nhà trường. Đồng thời gửi lời cảm ơn và tri ân đến giáo viên, những người không quản khó khăn, thậm chí chấp nhận sự vất vả, xa cách gia đình, con cái để ở lại cắm bản cùng học trò vùng cao.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà tết cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Con Cuông.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà tết cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Con Cuông.

Thầy Lương Văn Điền đã có hơn 20 năm gắn bó tại Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 (huyện Quế Phong). Đây không phải là địa bàn biên giới, nhưng là xã vùng sâu, với nhiều thôn bản đặc thù, nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú. Những năm gần đây, căn bệnh Parkinson khiến thầy gặp rất nhiều vất vả trong cử động và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng thầy Điền vẫn nỗ lực đến trường mỗi ngày, đêm kiến thức, kinh nghiệm, những bài học ý nghĩa đến học sinh.

Nhận quà Tết của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thầy giáo người Thái rưng rưng xúc động. Bởi hơn cả giá trị quà tặng, là sự quan tâm của nhà trường, đồng nghiệp và ngành giáo dục đối với thầy cô có hoàn cảnh khó khăn; tạo động lực cho giáo viên tiếp tục cống hiến.

Dịp tết Nguyên đán năm nay, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Nghệ An đã tặng 540 suất quà với tổng giá trị 360 triệu đồng cùng sữa, bánh kẹo... cho giáo viên và học sinh 6 huyện miền núi cao.

Thấu hiểu, sẻ chia với giáo viên đặc thù

Đã 5 năm liên tục, ngành Giáo dục triển khai Chương trình “Tết sum vầy” dành cho các giáo viên ở các trường ngoài công lập. Năm nay, chương trình được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ với sự tham gia của hơn 300 giáo viên đến từ các trường ngoài công lập đóng trên địa bàn thành phố Vinh.

Chương trình "Tết sum vầy" tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, Nghệ An).
Chương trình "Tết sum vầy" tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, Nghệ An).

Công tác ở thành phố Vinh, là vùng trung tâm thuận lợi, nhưng 2 năm qua lại đầy vất vả, chật vật đối với giáo viên ngoài công lập. Bình thường, số giáo viên trường ngoài công lập sống được với nghề đã rất ít ỏi. Cụ thể như tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THPT Nguyễn Huệ nhiều năm nay họ chỉ được trả lương theo số tiết, với tổng thu nhập chưa đủ đóng BHXH. Nhất là những giáo viên dạy môn có ít tiết như Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân... Vì vậy, họ phải làm thêm nhiều công việc khác, lấy nghề phụ để nuôi nghề giáo.

Đặc biệt, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố Vinh là địa bàn vừa được cho đón học sinh trở lại đối với trường phổ thông khoảng 1 tháng nay, muộn nhất tỉnh. Còn cơ sở giáo dục mầm non vẫn đang tiếp tục chờ đợi ngày cô trò hội ngộ. Vì vậy, phần lớn giáo viên bị cắt giảm lương, và khoản thưởng Tết năm nay là điều càng xa vời.

Chương trình "Tết sum vầy" tổ chức tại các trường ngoài công lập tỉnh Nghệ An.
Chương trình "Tết sum vầy" tổ chức tại các trường ngoài công lập tỉnh Nghệ An.

Chương trình “Tết sum vầy” của ngành giáo dục Nghệ An tổ chức tại TP Vinh, mang ý nghĩa nhân văn, góp phần đem đến cái tết sẻ chia, đầm ấm cho giáo viên ngoài công lập.

Cô Đặng Thúy Quỳnh - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Trường Tộ trải lòng: “Giáo viên ngoài công lập tham dự chương trình này dù không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy mình gặp nhiều thiệt thòi. Bởi so với trường công lập, thì đơn vị ngoài công lập khó tuyển sinh, chất lượng đầu vào thấp và đồng lương so với đồng nghiệp còn khiêm tốn.

Trong hoàn cảnh đó, sự quan tâm của các ban, ngành và nhận được món quà Tết, chúng tôi thực sự thấy ấm lòng. Cảm nhận được mình luôn là phần quan trọng của ngành giáo dục, góp phần giáo dục, đào tạo học sinh. Đây cũng là động lực và niềm tin để chúng tôi tiếp tục cố gắng”.

Ngành giáo dục tỉnh Nghệ An dành hơn 800 triệu đồng hỗ trợ giáo viên ngoài công lập và các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngành giáo dục tỉnh Nghệ An dành hơn 800 triệu đồng hỗ trợ giáo viên ngoài công lập và các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài các thầy, cô ở thành phố Vinh, năm nay toàn tỉnh hơn 700 giáo viên ở các trường THPT ngoài công lập đều được nhận quà Tết của ngành. Cùng với chương trình này, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được các nhà trường và các ban, ngành cùng chung sức để mang đến một cái Tết ấm áp cho các thầy, cô giáo, học sinh và các nhà trường.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, trong chương trình Tết năm nay, ngành đã dành trên 800 triệu đồng để hỗ trợ các giáo viên ngoài công lập và một số giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời kêu gọi các nhà trường, các Phòng GD&ĐT chung tay hưởng ứng Chương trình “Tết vì người nghèo”. Số tiền quyên góp dành hỗ trợ đến giáo viên khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tổ chức các hoạt động vui tết của các trường thêm đầy đủ, ấm áp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.