Trong khi Philippines đang dốc lực đẩy lùi phiến quân Maute thân IS ở Marawi, Mindanao, thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã có sự chuyển hướng chiến lược nguy hiểm ở Đông Nam Á.
Philippines - “tâm chấn” của IS ở Đông Nam Á
Một nhà phân tích hàng đầu về khủng bố thúc giục Chính phủ Philippines thừa nhận sự hiện diện của IS ở nước này, và cho rằng Philippines hiện là “tâm chấn” của nhóm khủng bố tại Đông Nam Á. “Đã đến lúc xem xét nghiêm túc mối đe dọa này” - nhà phân tích Rohan Gunaratna - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bạo lực chính trị và khủng bố ở Singapore - nhận định với tờ Rappler.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Gunaratna được hỏi về tuyên bố của các quan chức Philippines rằng phiến quân Maute không nên gọi là IS, vì “nếu gọi là IS nghĩa là đang giúp đỡ chúng, rơi vào bẫy tuyên truyền của chúng”. Chuyên gia hàng đầu thế giới về IS giải thích, các phần tử Maute khi tách ra khỏi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã không còn là Maute hay MILF nữa. “Chúng là IS, vì chúng hoạt động như IS, và chúng đã đổi tên” - ông Gunaratna nói.
Ông Gunaratna cũng cho hay, “sẽ là sai lầm khi nói không có IS ở Philippines”, trong khi IS Philippines “đã tiến hành các vụ hành quyết và hoạt động kiểu IS”. “Những người nói như vậy không hiểu rằng để có sự hiện diện của IS thì người Arab, Iraq, Syria không nhất thiết phải chạy từ Syria hay Trung Đông về Philippines. Đơn giản là các nhóm địa phương này đi theo ý thức hệ và phương pháp luận của IS” - ông Gunaratna nói.
Trước đó, chuyên gia này đã nói với tờ Rappler rằng, trong lễ Ramadan, IS có kế hoạch tấn công Manila và thủ đô các nước khác trong khu vực. Tháng lễ Ramadan bắt đầu từ ngày hôm nay, 27.5. “Nếu Chính phủ Philippines và các nước trong khu vực nghiêm túc về vấn đề này, họ sẽ hợp tác cùng nhau để loại bỏ sự hiện diện của IS, nhất là ở Philippines - nơi hiện là tâm chấn hoạt động của IS ở Đông Nam Á. Philippines đã bắt đầu nếm mùi IS trên đất của mình rồi” - ông Gunaratna kết luận.
Giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân Maute ở Marawi kéo dài trong vài ngày qua. Ảnh: Getty
IS chuyển hướngchiến lược
IS đang mất dần lãnh thổ căn bản ở phía bắc Iraq và miền đông Syria, điều này đặt ra mối lo ngại mới tại Đông Nam Á khi số lượng các tay súng IS hồi hương tăng lên, liên kết với các nhóm khủng bố địa phương.
Từ tháng 6.2016, IS đã tung ra đoạn video ghi nhận cam kết trung thành của các nhóm phiến quân ở Mindanao. Trong đoạn video đó, thủ lĩnh Abu Sayyaf, Isnilon Hapilon, được công nhận là “tiểu vương” của IS. Đoạn băng cũng ám chỉ đến sự kết hợp của các phần tử IS ở Philippines. Hãng tuyên truyền Amaaq của IS thừa nhận sự hiện diện của 10 nhóm như vậy tại 6 khu vực ở đảo Mindanao, trong đó có cả phiến quân Maute. Các bản tin chính thức hàng tuần của IS bắt đầu đưa tin về các cuộc đụng độ và tấn công. Ngày 24.11.2016, Maute đã cắm cờ IS trước tòa thị chính Butig ở Lanao del Sur sau một cuộc vây hãm khiến gần 3/4 dân cư thị trấn phải di dời. Lực lượng vũ trang Philippines phải mất 6 ngày để đẩy lùi Maute.
Tháng 1.2017, sau tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterter yêu cầu tiêu diệt các nhóm khủng bố ở miền Nam, bao gồm cả Abu Sayyaf và Maute, IS đã xem xét lại chiến lược ở Đông Nam Á. Thứ nhất, IS không còn coi việc chiếm đóng lãnh thổ là phương thức khủng bố cơ bản ở Philippines. Chúng hiểu rằng chúng đang phải đối mặt với quyết tâm xóa sạch khủng bố khỏi Mindanao kể từ thời điểm Tổng thống Rodrigo Duterte hạ lệnh. Cùng với sự thay đổi chiến lược này, IS kêu gọi tay chân cướp bóc những người phi Hồi giáo, gây thiệt hại kinh tế cho họ và chính phủ của họ. Thứ hai, IS bắt đầu khẳng định hình ảnh của mình trên phạm vi toàn cầu bằng cách tuyên bố nhận trách nhiệm những vụ tấn công khủng bố trong phạm vi rộng hơn.
Indonesia, quốc gia đông Hồi giáo nhất, cũng xuất hiện các mối đe dọa rõ rệt về IS. Các nhóm khủng bố mới như Jemaah Anshorut Daulah (JAD), mạng lưới gồm gần hai chục nhóm cực đoan Indonesia được hình thành vào năm 2015, cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Các thành viên JAD được cho là có liên hệ với IS ở Syria và có liên quan đến nhiều âm mưu ở Indonesia, trong đó có vụ tấn công ở trung tâm Jakarta năm 2016 làm 8 người thiệt mạng.
Sự thay đổi chiến lược của IS đặt ra mối đe dọa bất ổn về an ninh ở Philippines nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Mặc dù sự thay đổi này được cho là vì những cam kết triệt phá khủng bố ở Mindanao của quân đội Philippines, song vẫn có một vài vấn đề cần chú ý. Trước hết, một lý do khiến các nhóm khủng bố cam kết trung thành với IS là vì cảm giác vỡ mộng với các cuộc đàm phán hòa bình, khi số đông người Hồi giáo ở Mindanao hy vọng đạt được với chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte. Thứ hai, có mối quan ngại rằng các nhóm vũ trang và quan chức chính phủ tham nhũng có thể liên kết với tội phạm ma túy hoặc các nhóm có liên hệ với IS để gây bất ổn cho kinh tế và an ninh ở Mindanao. Yếu tố thứ ba và quan trọng nhất, không bàn đến việc Mindanao là nơi “tập kết” các chiến binh toàn cầu từ những nước gần kề như Malaysia, Indonesia, đến những nước xa hơn như Morocco, thì chính quyền của ông Rodrigo Duterte cần phải có chiến lược cụ thể để ngăn chặn và đối phó với những kẻ trở về từ Syria và Iraq.
Với mong muốn ngăn chặn phủ đầu mối hiểm họa này, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí chia sẻ thông tin tình báo về sự trở về của chiến binh từ đầu năm 2016. Dự kiến chính phủ các nước Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 tới để hợp tác đối phó với mối đe dọa an ninh của các chiến binh Hồi giáo trở về từ chiến trường Iraq và Syria. Nếu vấn đề này không được giải quyết, những nhóm chiến binh nước ngoài mới và những kẻ trở về có thể sẽ tiếp tục nổi lên bất chấp chiến dịch trấn áp quân sự ở các nước.