Phát triển nguồn nhân lực trẻ lĩnh vực du lịch:

'Mỏ vàng' đang được 'khai thác' thế nào?

GD&TĐ - Bên cạnh những thành tựu, hiện vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp

Nhân lực du lịch nói chung và đặc biệt nhóm nhân lực trẻ cần được đào tạo bài bản.
Nhân lực du lịch nói chung và đặc biệt nhóm nhân lực trẻ cần được đào tạo bài bản.

Bên cạnh những thành tựu, hiện vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp cần phải quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Theo báo cáo của Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới, trước đại dịch Covid-19, cứ 10 việc làm thì có 1 việc làm ngành du lịch và 1 việc làm này đã tạo ra 1,5 việc làm cho ngành liên quan…

Tạo ra việc làm cho các ngành liên quan

Du lịch là một ngành kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh, đóng vai trò động lực giúp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và sản phẩm địa phương. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), tổng thu từ du lịch quốc tế năm 2019 đạt 147,6 tỷ USD, đóng góp khoảng 10% vào GDP toàn cầu. Liên quan đến chuỗi cung ứng, một việc làm trong ngành du lịch gián tiếp tạo ra 1,5 việc làm cho các ngành liên quan.

Báo cáo của Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC) cho biết, trong năm 2019 ngành du lịch tạo ra hơn 334 triệu việc làm trên toàn cầu. Cứ 10 việc làm trên thế giới có một việc làm trong ngành du lịch.

Trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về lượng khách và tổng thu du lịch. Năm 2015, tổng số khách quốc tế đạt gần 8 triệu lượt, khách nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến đã đạt trên 18 triệu lượt, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 720.000 tỷ đồng, đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước.

Tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh kéo theo nhu cầu về nhân lực du lịch rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2011 - 2019 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Số lượng lao động còn thiếu, chất lượng lao động còn nhiều bất cập đặc biệt đối với đội ngũ nhân lực quản trị cấp cao. Cùng với đó là nhân lực hoạch định chính sách, chiến lược ở các cấp, đội ngũ giảng viên, nhà giáo và nhân lực du lịch chất lượng cao.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Trong đó ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú ngưng hoạt động thậm chí phải đóng cửa dẫn đến một lượng lớn nhân lực du lịch bị mất việc làm và phải chuyển đổi công việc sang lĩnh vực khác.

Theo WTTC, chỉ trong hai năm 2020 - 2021, đại dịch đã làm mất đi 62 triệu trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Theo như khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia cần có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Khả năng phục hồi mạnh mẽ

Thực tế các cuộc khủng hoảng trước do dịch bệnh gây ra đã chứng minh du lịch là một ngành dễ bị tổn thương, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Do đó, Việt Nam cần có các chính sách thúc đẩy đào tạo, củng cố, phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là nhóm nhân lực nòng cốt, nhân lực trẻ và chất lượng cao có khả năng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch giá trị. Đồng thời, chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ước tính năm 2020, tổng nhân lực của ngành du lịch là 2,3 triệu người, trong đó có trên 800.000 lao động trực tiếp. Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu lao động trực tiếp. Đến năm 2030 có khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp.

Lao động trong ngành du lịch chủ yếu làm việc trong các cơ sở lưu trú, chiếm khoảng 70%, lữ hành (bao gồm cả hướng dẫn viên) và vận chuyển chiếm 10%, khối các dịch vụ khác 20%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng nhân lực ngành du lịch đã có nhiều biến động.

Du lịch là ngành có cơ cấu nhân lực giữa các độ tuổi có xu hướng ổn định, không biến động lớn. Ngành du lịch có lực lượng nguồn nhân lực trẻ, dưới 30 tuổi chiếm tới 40%, từ 31 - 40 tuổi chiếm 36%, từ 41 - 50 tuổi chiếm 21% và trên 50 tuổi chiếm 3%. Lực lượng nhân lực kế cận và lực lượng nhân lực đang làm việc của ngành du lịch ở độ “vàng”, đủ để đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển ngành. Cơ cấu nhân lực theo độ tuổi hợp lý, đủ khả năng chuyển giao giữa các thế hệ.

Trước đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở giáo dục du lịch phát triển nhanh. Hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực. Đồng thời, gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp… Theo đó những người trẻ tuổi sau khi ra trường có thể thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội.

Có thể nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu, tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành du lịch nói chung dần được nâng cao. Thị trường lao động du lịch được trẻ hóa và ngày càng chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành.

Nhìn chung, nhân lực du lịch nói chung và đặc biệt nhóm nhân lực trẻ đã được đào tạo, rèn luyện, thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó là sự năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Nhân lực có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó với cơ quan, đơn vị, với ngành và đất nước.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ