Gắn giáo dục với du lịch văn hóa ở trường học vùng cao

GD&TĐ - Phát triển giáo dục gắn với du lịch - văn hóa địa phương đang được nhiều trường học ở Yên Bái thực hiện và cho thấy hiệu quả hết sức tích cực.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hạnh Sơn (Nghĩa Lộ - Yên Bái).
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hạnh Sơn (Nghĩa Lộ - Yên Bái).

Những sản vật, đặc sản không chỉ làm đẹp cho quê hương mà còn níu chân du khách tới vùng đất này.

Đẩy mạnh giáo dục gắn với văn hóa

Ông Vương Văn Bằng – Giám Đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Giáo dục đạo đức, nét đẹp văn hóa cho mọi người dân luôn được chú trọng bởi Yên Bái có hơn 30 dân tộc với sự hấp dẫn của sắc màu văn hóa đặc trưng. Giáo dục gắn với phát triển du lịch, phát huy các giá trị văn hóa không chỉ giúp học sinh hiểu bản sắc văn hóa địa phương, thêm yêu quê hương đất nước, mà để các em trở thành tuyên truyền viên cho khách du lịch đến Yên Bái.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, UBND tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch ở một số địa phương thông qua các đội văn nghệ cộng đồng, trong đó tăng cường hoạt động với sự tham gia của các nhà trường, giáo viên và học sinh đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực.

Thị xã Nghĩa Lộ với cánh đồng Mường Lò và lễ hội hoa Ban đã đẩy mạnh mô hình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” trong cộng đồng và trường học. Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã chia sẻ: Các trường trên địa bàn đã đẩy mạnh hoạt động giáo dục và trải nghiệm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Mường Lò.

Điều này vừa góp phần thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng thị xã văn hóa du lịch của địa phương, vừa gắn kết nâng cao chất lượng giáo dục với văn hóa. Mô hình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” là điểm nhấn, được triển khai thông qua việc tiếp tục duy trì và thành lập mới câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc sinh sống tại địa phương.

Mù Cang Chải nổi tiếng với lễ hội “ruộng bậc thang bay trên mùa vàng” đã và đang hấp dẫn du khách. Những ngôi trường vùng cao nơi đây với 100% là học sinh người dân tộc Mông, sẽ khiến du khách cảm nhận được những giá trị văn hóa hết sức đặc thù. Đó là những khu trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc Mông như: Trang phục, nhạc cụ, ruộng bậc thang, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của đồng bào.

Học sinh ở đây, ngoài học văn hóa còn được giáo dục để hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc mình và trở thành những hướng dẫn viên du lịch bất cứ lúc nào. Các sản vật văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Yên Bái được trưng bày tại góc trường, góc lớp, tuy bài trí giản đơn nhưng hấp dẫn sống động, thu hút du khách. Hình ảnh này cho thấy, trường học vùng cao không chỉ là nơi dạy chữ, rèn người mà còn là điểm đến của mô hình trường học du lịch.

Giáo viên Trường tiểu học Hạnh Sơn, TX Nghĩa Lộ hướng dẫn học sinh trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương. Ảnh: TG
Giáo viên Trường tiểu học Hạnh Sơn, TX Nghĩa Lộ hướng dẫn học sinh trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương. Ảnh: TG

Khi văn hóa đồng hành cùng giáo dục

Thầy Giàng A Của - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải không giấu niềm vui cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho 10 thành viên bám sát mục tiêu xây dựng mô hình trường học du lịch. Mô hình theo hướng phát huy các nghề truyền thống, văn hóa dân tộc bằng cách thành lập câu lạc bộ khâu, thêu, dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc và khuyến khích học sinh chơi các trò chơi dân gian truyền thống.

Trường cũng tổ chức cho học sinh trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm tổ chức du lịch tại các điểm du lịch của huyện. Bên cạnh đó, tổ chức thi nấu ăn, gấp chăn màn theo chuẩn…; bán các mặt hàng do học sinh làm ra ở trong và ngoài nhà trường; tham gia các tiết mục văn hóa văn nghệ trong ngày lễ hội để quảng bá văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch.

Cô Ngô Thu Trang – Giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Kim Đồng, Thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Trường nằm ở trung tâm thị xã nên thuận tiện cho du khách. Đặc biệt, dịp lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa của trường đã thu hút rất đông khách tới xem và vui chơi cùng thầy cô giáo và học sinh. Những ngày hội giao lưu văn hóa nghệ thuật thực sự có ý nghĩa, không chỉ giáo dục học sinh hiểu về văn hóa truyền thống của địa phương mà còn thu hút lượng khách rất lớn.

Du khách cùng tham gia múa sạp với học sinh, trong khi các thầy cô giáo và phụ huynh tất bật chuẩn bị đạo cụ mang tới trường để chung vui. Các sản phẩm trưng bày tại góc văn hóa dân tộc địa phương ở mỗi lớp được phụ huynh mang tặng, từ những chiếc gùi, chiếc khăn piêu đến những chiếc khèn thật có giá trị giáo dục lớn đối với thế hệ trẻ”.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đều thành lập và duy trì Câu lạc bộ văn hóa, để truyền dạy các loại hình nghệ thuật các dân tộc Mường Lò trong trường học. Sự tham gia của các nghệ nhân dân gian và phụ huynh đã tạo sự hấp dẫn cho học sinh và du khách. Tại huyện Mù Cang Chải, cũng có 3 trường tham gia vào hành trình gắn giáo dục với du lịch gồm: Trường PTDT Nội trú THCS huyện Mù Cang Chải; Trường PTDT Bán trú Tiểu học Cao Phạ; Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn. Về cơ bản, các nhà trường đều có thuận lợi như có số lượng lớn học sinh người dân tộc thiểu số đông, giáo viên năng động, nhiệt tình trong vai trò hướng dẫn, khuyến khích học sinh tham gia giữ gìn các giá trị văn hóa địa phương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ