Mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Góp phần làm thay đổi cách dạy học Văn hiện nay, ThS Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long) đưa ra giải pháp: Mở rộng không gian văn hóa lớp học, giúp học sinh thành người đọc hiệu quả, tiến tới tự học suốt đời.

Mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ văn

Đặt học sinh vào không gian nghệ thuật của tác phẩm

Khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ Văn, tại hội thảo “Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông” - ThS Huỳnh Văn Thế cho rằng, có thể thực hiện mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ Văn qua việc tạo không gian lớp học, buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa... gần với không gian văn hóa của vùng đất mà tác giả và tác phẩm ra đời;

Tạo không gian lớp học, buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa... gần với không gian nghệ thuật được nói đến trong tác phẩm.

Từ nội dung tác phẩm, giáo viên gợi sự liên tưởng về nhiều nền văn hóa khác và tạo không gian văn hóa bằng giọng đọc tác phẩm.

Mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ Văn có sự kết hợp của nhiều phương pháp, như: Phương pháp trực quan; phương pháp dạy học nêu vấn đề; phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp sắm vai,...

Theo ThS Huỳnh Văn Thế, khi cảm nhận được cảm hứng sáng tác của nhà văn, bối cảnh ra đời của tác phẩm, học sinh nắm được cảm thức thẩm mĩ khi đọc hiểu.

Đồng thời, được đặt mình vào không gian nghệ thuật của tác phẩm, học sinh có những cảm nhận, những trải nghiệm để hiểu sâu hơn tác phẩm, đến gần hơn thông điệp mà nhà văn gửi gắm.

Với hoạt động này, học sinh cũng có điều kiện liên tưởng, tưởng tượng và tập thói quen liên tưởng, tưởng tượng khi đọc tác phẩm cũng như hiểu sâu hơn, rộng hơn một tiết học.

Mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ Văn có thể sử dụng cho nhiều bài học của chương trình: Văn học Việt Nam (Ca dao dân ca, Truyện Kiều,...); Văn học nước ngoài (sử thi Ô-đi-xê, kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét,...); Làm văn (thuyết minh danh lam thắng cảnh, tác gia văn học, nghị luận xã hội...)

Mở rộng không gian văn hóa Nhật Bản qua tiết “Thơ Hai-cư của Ba-sô”

ThS Huỳnh Văn Thế cho rằng, hiện nay, một số giáo viên ít chú tâm đến và học sinh thì dễ dàng bỏ qua những tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là những bài thơ Hai-cư.

Thơ Hai-cư vẫn là thế giới xa lạ, huyền bí đối với cả thầy và trò. Bởi muốn hiểu nó, người đọc phải sống trong "cảm thức thẩm mĩ" và không gian văn hóa của Nhật Bản.

Để thơ Hai-cư thực hiện cuộc hành trình đến tâm hồn học sinh Việt Nam, người thầy phải gợi được cảm thức và không gian ấy.

Để làm được điều này, ThS Huỳnh Văn Thế gợi ý các bước thực hiện như sau:

Giai đoạn chuẩn bị:

Trước “Thơ Hai-cư của Ba-sô”, học sinh học tiết "Trình bày một vấn đề”. Thầy Huỳnh Văn Thế giao nhiệm vụ cho bốn nhóm. Nhóm 1: Vài nét về địa lí, lịch sử Nhật Bản; nhóm 2: Vài nét về văn học nghệ thuật như truyện, thơ ca, kịch Nhật Bản; nhóm 3: Vài nét về văn hóa như trà đạo, hoa anh đào, kimono, origami, nhà sư và nhóm 4. Vài nét về danh lam thắng cảnh: đền đài, vẻ đẹp đặc trưng bốn mùa ở Nhật.

Giáo viên nêu yêu cầu về dung lượng, thời gian và người trình bày. Học sinh tìm kiến thức, thiết kế và trình bày phiên trình chiếu.

Khi đến tiết "Thơ Hai-cư của Ba-sô", thầy Huỳnh Văn Thế yêu cầu học sinh tạo nhóm: Giới thiệu cuộc đời của nhà thơ Ba-sô; đặc điểm thể thơ hai-cư; giải thích các từ khó: Ê-đô, Kinh đô, hồ Bi-oa; tìm quý ngữ, cảm nhận từng bài;

Đồng thời, giao các các bài tập: Bài 1 - Cảm nhận về nỗi nhớ quê hương và cách thể hiện nỗi nhớ ấy trong bài thơ số 1. Trong "Tiếng hát con tàu", Chế Lan Viên viết: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Ý thơ thi sĩ họ Chế gợi ta liên tưởng những gì đến bài thơ số 1.

Bài 2: Tiếng chim đỗ quyên trong thơ Ba-sô và "Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai" (Nguyễn Trãi) và "Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông" (Nguyễn Du) [2, 202].

Bài 3. Cảm nhận hình ảnh người mẹ trong thơ Ba-sô và bài thơ "Mẹ " của Trần Quốc Minh.

Chuẩn bị không gian văn hóa lớp học

Bình hoa (theo nghệ thuật cắm hoa Ikebana) đặt cạnh hòn đá nhỏ; tranh ảnh về hoa anh đào và núi Phú Sĩ, hình đền thờ thần đạo Fushimi Inari, Nàng geisa bên Đền Vàng, nhà sư Ba-sô trên bước viễn du được treo lên tường.

Bài hát "Mùa hoa anh đào" (nhạc sĩ Thanh Sơn), và đoạn kịch kabuki; đoạn clip về hoa anh đào của Nhật Bản.

Tiến hành tiết học

Gợi không gian văn hóa bằng lời giới thiệu bài, giới thiệu câu chuyện liên quan bài học:

Ví dụ: Bài 1- Mùa thu là người tình của thi ca. Mùa thu về, nước Nhật chan hòa sắc đỏ của lá phong, bảng lảng sương giăng. Giáo viên trình chiếu vài bức ảnh mùa thu ở Nhật, hình ảnh đặc trưng của Ê-đô (nay là Tô-ki-ô).

Bài 6: Giáo viên sử dụng đoạn clip về hoa anh đào mùa xuân. Cảm thức vũ trụ giao hòa khi cánh đào rơi làm mặt nước xao động. Học sinh cảm nhận được giây phút huyền dịu của cánh đào rơi.

Gợi không gian văn hóa bằng liên hệ, so sánh, bình thơ

Bài 1. Liên tưởng "Tiếng hát con tàu". Giới thiệu những bức ảnh được treo trong phòng học: đền ở Ki-ô-tô, Ba-sô lãng du...

Bài 2. Tâm trạng nhà thơ khi trở lại Kinh đô Ki-ô-tô sau gần 20 năm và nghe tiếng chim đỗ quyên? Tiếng chim đỗ quyên là tiếng chim đầu hè. Tiếng chim gợi cho người nghe cảm giác nuối tiếc xuân qua.

Điều đặc biệt, tiếng chim thường vang lên khi chiều muộn, đêm về, sau cơn mưa, thanh vắng. Tiếng chim gợi cảm giác cô đơn, hiu quạnh. Cảnh vật thì vẫn thế. Người đã khác rồi. Bởi thế mà ta cảm nhận được cái thổn thức, khắc khoải, ngơ ngác của người trở lại vùng đất xưa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ