Đặc biệt, với học sinh đầu cấp, lần đầu xa nhà sẽ được thầy, cô giáo quan tâm hơn để các em không bị bỡ ngỡ, nhanh hòa nhập.
Đồng hành cùng học sinh
Thời điểm này, nhiều trường học đã huy động giáo viên trở lại để tân trang lớp học chuẩn bị đón học sinh tựu trường. Riêng đối với các trường PTDT nội trú, ngoài công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhà trường ưu tiên lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm để hướng dẫn, chăm sóc học sinh lớp 6 lần đầu sống xa gia đình.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Bắc Yên (tỉnh Sơn La) - chia sẻ: “Học sinh lớp 6 ngày đầu tiên nhận trường thường bị cảm giác lạ lẫm, tối đến không chịu ngủ đòi về nhà. Do vậy, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm luôn phải chuẩn bị mọi tâm thế tốt nhất để đón, giúp các em giảm bớt tâm lý lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu, cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô”.
Những ngày học sinh mới nhập học, mỗi giáo viên khi được giao chủ nhiệm khối lớp 6 đều chủ động ở lại trường cùng học trò. Tối đến, các cô đi từng phòng động viên, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ để hiểu học sinh mình hơn. Cô Ngọc chia sẻ: “Học sinh nội trú phải sống xa gia đình. Ở trường, thầy cô không khác nào cha mẹ của các em. Do vậy, thầy cô muốn học trò mở lòng với mình thì phải chủ động trò chuyện, hỏi han động viên các em”.
Học sinh lớp 6 đang tuổi lớn, ngoài những buổi sinh hoạt chung ở lớp cô Ngọc còn thành lập câu lạc bộ nữ công. Tại các buổi sinh hoạt, cô Ngọc sẽ hướng dẫn các em về nền nếp sinh hoạt nội trú, từ cách đánh răng đến sử dụng, bảo quản đồ dùng thiết bị trong phòng.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh. |
Với kinh nghiệm 13 năm giảng dạy học sinh nội trú, cô Ngọc cũng đưa ra lời khuyên cho phụ huynh có con sắp đi học nội trú: “Trong thời gian con chưa nhập học, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu về môi trường mới con sắp đến học để con chuẩn bị tinh thần, phân tích cho con mình hiểu những lợi thế khi học nội trú. Đồng thời, nên dạy con về tính tự lập, kỷ luật, đặc biệt là cách chăm sóc, bảo vệ bản thân”.
Thầy Hoàng Đăng Viên - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú huyện Lục Nam (Bắc Giang) - cho biết: “Hằng năm, trước ngày khai giảng năm học mới nhà trường sẽ tập trung học sinh lớp 6 trước 1 đến 2 tuần để học sinh quen với môi trường học mới. Thầy trò được làm quen với nhau.
Bên cạnh đó, những học sinh lần đầu tiên xa nhà trong thời gian này nhà trường sẽ hướng dẫn các em cách sinh hoạt, học tập ở môi trường nội trú. Các giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với tổ tư vấn tâm lý của nhà trường động viên, hướng dẫn kỹ năng cho học sinh để các em sớm ổn định cuộc sống và an tâm học tập”.
Để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập với môi trường mới, Trường PTDT Nội trú huyện Lục Nam đã lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm, thâm niên làm chủ nhiệm nhằm chăm sóc, hướng dẫn đồng hành cùng học sinh lớp 6 khi mới vào trường.
Theo kế hoạch, từ ngày 20 - 25/8 Trường PTDT Nội trú huyện Lục Nam sẽ tập trung học sinh đến trường đo đồng phục, sắp xếp phòng ký túc xá, sách vở, dụng cụ học tập cho học mới. Năm học 2022 - 2023, Trường PTDT Nội trú huyện Lục Nam có 60 học sinh lớp 6.
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Bắc Yên tham gia hoạt động trồng rau sau mỗi ngày học trên lớp. Ảnh: NTCC |
Chuẩn bị tâm lý và kỹ năng
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, học nội trú là môi trường tương đối đặc thù nhưng cũng là cơ hội giúp học sinh xây dựng nếp sống tự lập. Theo đó, phụ huynh cần chuẩn bị cho con một số kỹ năng thiết yếu trước khi bước vào môi trường hoàn toàn mới như kỹ năng phản hồi, sử dụng cảm xúc, tập trung, lên kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên, kỹ năng quản lý thời gian…
Chuyên gia nhấn mạnh, cuộc sống nội trú ngoài học tập, học sinh còn phải nuôi dưỡng và duy trì các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè hay tham gia các hoạt động tập thể. Trong khi đó, độ tuổi THCS là giai đoạn tuổi dậy thì, vấn đề sinh lý và tâm lý có nhiều biến động. Nếu cha mẹ không chuẩn bị tốt tâm thế và kĩ năng cho con, các em rất dễ gặp áp lực, từ đó dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu …
Bên cạnh sự chuẩn bị của phụ huynh, thì sự hỗ trợ, đồng hành của nhà trường vô cùng quan trọng. Ví dụ: Để tạo môi trường hòa đồng trong học sinh nhà trường có thể tổ chức các chương trình, hoạt động tập thể. Nhà trường có thể mời chuyên gia tâm lý hoặc học sinh khóa trước chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh khóa mới.
“Những hoạt động này giúp các em hiểu ngôi trường nội trú là mái nhà lớn; đó vừa là trường học, vừa là nơi gắn kết, nuôi dưỡng ước mơ của các em”, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Thời gian tựu trường cận kề, chuyên gia Mạnh Linh gợi ý các trường có thể làm khảo sát đánh giá đầu năm để phát hiện các vấn đề học sinh thường gặp phải, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời.
Về phía giáo viên chủ nhiệm, thầy cô cần phân tích và hiểu rõ các vai của mình. Trên lớp, họ là cô giáo, trong công tác sinh hoạt nội trú, họ là người mẹ, đôi khi lại là bạn bè của học sinh.
Còn giáo viên bộ môn cần quan tâm sát sao học sinh. Bên cạnh trao truyền kiến thức, thầy cô là người quan sát, chia sẻ động viên và kịp thời phát hiện học sinh có trở ngại tâm lý. Trong những tình huống phức tạp, nhà trường có thể nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
“Vai trò trách nhiệm của cô chủ nhiệm trường nội trú cao hơn nhiều so với giáo viên các trường học bình thường. Nếu thầy cô không vững kĩ năng thì dễ bị ‘lồng vai’, ‘nhầm vai’, gây ra những căng thẳng không đáng có cho cả cô và trò”. - Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh