Trong những năm qua, nhờ làm tốt mô hình phối hợp trường học - trạm y tế (trường - trạm) mà ngành Giáo dục nhiều địa phương giải tỏa phần nào áp lực thiếu nhân viên y tế; công tác chăm sóc sức khỏe học đường cũng được cải thiện.
Khắc phục tình trạng thiếu nhân viên y tế học đường
Thầy Nguyễn Hồng Hài, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học B thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn, An Giang), cho biết: “Công tác y tế học đường do nhân viên trường kiêm nhiệm theo vị trí việc làm quy định. Những phần việc cần thiết, nhà trường lên kế hoạch nhờ ngành y tế địa phương hỗ trợ tư vấn như kiểm tra, khám sức khỏe học sinh định kỳ, ngậm Flour bảo vệ răng miệng”.
Huyện Thoại Sơn (An Giang) có 17 trường mẫu giáo, 30 trường tiểu học và 16 trường THCS. Đội ngũ nhân sự y tế học đường hiện vẫn chưa phủ đủ các đơn vị trường. Trong đó bậc mầm non chỉ có 1 nhân viên y tế, cấp tiểu học có 4 nhân viên y tế, cấp THCS có 16 nhân viên y tế trong biên chế. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân viên y tế, các trường chưa có biên chế sẽ rà soát hợp đồng với nhân sự ngành y hỗ trợ công việc có liên quan.
Tương tự, tỉnh Đồng Tháp năm học này thiếu hơn 27 biên chế nhân viên y tế tại các trường. Ngành GD-ĐT tỉnh đã phối hợp cùng ngành y tế địa phương, hợp đồng với trạm y tế hỗ trợ nhân viên y tế chuyên trách cho cơ sở giáo dục đang thiếu.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Cao Lãnh - cho biết: “Thực hiện Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT, ngành GD thành phố chủ động tham mưu UBND thành phố cho phép các trường hợp đồng với trạm y tế, hỗ trợ nhân viên chuyên trách thực hiện công tác sức khỏe học đường trong khi chờ tuyển dụng. Nhờ vậy giải quyết phần nào khó khăn trong việc thiếu nhân viên y tế trường học”.
Năm học 2020 - 2021, TPHCM có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị có nhân viên y tế có chuyên môn (tỷ lệ 56,39%). Đến đầu năm học 2021 - 2022, lực lượng này không được bổ sung, mà còn giảm, gây khó cho các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, mô hình gắn kết trường - trạm y tế xã phường cũng được các cơ sở giáo dục thực hiện. Các trạm y tế xã phường, trung tâm y tế quận huyện phối hợp với nhà trường nhiều công việc như khám định kỳ, phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, tập huấn… Trong đó nổi bật là lớp tập huấn của ngành y tế đã giúp cán bộ y tế trường học nắm vững hơn về công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và các kỹ năng cơ bản trong truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Ngành Giáo dục và Y tế Cần Thơ phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục. |
Nâng cao chất lượng chăm sóc
Không chỉ giải quyết vấn đề thiếu nhân viên y tế trường học, mô hình trường - trạm ở một số nơi còn phát triển chuyên sâu về chất lượng, dịch vụ chăm sóc. Bà Lê Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho hay, toàn quận có 32 cơ sở giáo dục công lập, hầu hết đơn vị đều có nhân viên y tế, riêng một trường mới thành lập đang tuyển dụng.
Thực hiện Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT, ngoài thực hiện phối hợp trường - trạm khi thiếu nhân viên y tế, cơ sở giáo dục trên địa bàn có đủ nhân viên y tế tiếp tục phối hợp trường - trạm trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường.
Đáng chú ý là nhiều mô hình trường - trạm đã hướng tới chăm sóc chuyên sâu hơn cho tuổi học đường, trong đó nổi bật là phối hợp chăm sóc răng - miệng. Thực hiện đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TPHCM phối hợp với Sở Y tế, Sở GD&ĐT Vĩnh Long triển khai mô hình dự phòng và chăm sóc răng miệng tại các trường tiểu học trong tỉnh.
Vĩnh Long là địa phương đầu tiên được chọn thực hiện mô hình dự phòng và chăm sóc răng miệng phối hợp trường - trạm. Mô hình được triển khai tại 4 điểm trường tiểu học trên địa bàn xã An Phước, huyện Mang Thít và xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm.
Mô hình thực hiện các hoạt động giáo dục và hướng dẫn vệ sinh răng, miệng; khám đánh giá trình trạng sức khỏe răng, miệng học sinh, điều trị bệnh lý răng, miệng như nhổ răng sữa lung lay, chữa răng sâu và quản lý sức khỏe răng, miệng học sinh bằng hệ thống công nghệ thông tin.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trung Chánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, nhìn nhận, thông qua hoạt động của mô hình, học sinh tiểu học hiểu hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, phòng ngừa sâu răng. Các em biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng để có hàm răng khỏe đẹp. Đối với các bệnh lý răng miệng không thể can thiệp tại chỗ, trẻ hướng dẫn đến các cơ sở chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh gây ra những biến chứng nặng về sau.
Mô hình sẽ tiếp tục triển khai theo từng giai đoạn đến năm 2025 và có đánh giá hằng năm về kiến thức, thái độ, hành vi về sức khỏe răng miệng của học sinh khi tham gia chương trình, hiệu quả phòng ngừa sâu răng. Từ đó, đánh giá tính khả thi của mô hình để nhân rộng nhằm nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh.
“Các trường vẫn phối hợp nhịp nhàng trong công tác khám chữa bệnh, hỗ trợ nhà trường khám sức khỏe, kiểm tra bếp ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mô hình trường - trạm đã hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong chuyên môn, kiến thức y tế và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh vừa qua, mô hình trường - trạm phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn học sinh, trường học”, bà Hường thông tin thêm.