Điều này đặc biệt cần hơn đối với học sinh miền núi khi sự quan tâm của gia đình có phần hạn chế.
Mỗi học sinh, một nguy cơ
Tòng Thị Ngân, lớp 12C1, Trường THPT huyện Mường Nhà (Điện Biên) sinh ra trong một gia đình khó khăn tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Nhà đông con, bố mẹ lại không có nghề nghiệp ổn định nên kinh tế eo hẹp. Nhiều lần Ngân có ý định bỏ học.
Cao điểm nhất là sau Tết Nguyên đán năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến bố mẹ em thất nghiệp. Ngân cũng mắc bệnh, sự lo âu ngày một nhiều thêm làm cho tâm lý em bất ổn. Ngay khi nhận được thông tin Ngân nghỉ học, thầy cô trong Tổ tư vấn tâm lý nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm và bộ môn tìm cách liên lạc, khuyên bảo.
Sau nhiều lần thầy cô gọi điện, nhắn tin hỏi han, chia sẻ và trực tiếp đến nhà động viên, Ngân đã vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý, tiếp tục trở lại trường. Năm học này, em đặt mục tiêu thi khối C vào ngành Công an.
Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Đỗ Cao Thượng, học sinh nhà trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em sinh sống tại 6 xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Điện Biên và 1 xã vùng cao Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông).
“Tình trạng học sinh bỏ học lập gia đình, đi làm ăn xa... diễn ra phổ biến. Đây cũng là khu vực có một số điểm phức tạp về tệ nạn ma túy. Trung bình mỗi năm có khoảng 10% (tương đương khoảng 40 học sinh) của trường có người nhà, người quen liên quan đến tệ nạn này. Các em có nguy cơ bị lợi dụng hoặc vô tình vi phạm pháp luật, thậm chí có thể lún vào tệ nạn”, thầy Thượng cho hay.
Còn tại Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, năm học trước cô Mai Thị Hoài Châu đã đồng hành giúp 2 học sinh xác định được đúng giới tính, lấy lại sự tự tin và hồn nhiên của lứa tuổi học trò. Theo cô Châu, 2 em ở 2 lớp khác nhau, có biểu hiện ngại giao tiếp, ít tham gia hoạt động chung.
“Sau khi chủ động kết thân, trò chuyện, các em mới chia sẻ suy nghĩ mình thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nam, nữ, song tính, chuyển giới). Sợ các bạn biết sẽ trêu chọc nên các em chọn cách co mình lại”, cô Châu chia sẻ.
Lần đầu hỗ trợ, tư vấn các em về vấn đề này, cô Châu dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu về giới tính và cộng đồng LGBT. Đồng thời chia sẻ, hướng dẫn hai em cùng tìm hiểu các tài liệu để tự giải đáp khúc mắc của bản thân mình.
“Suốt 3 tháng liền, tôi duy trì trò chuyện, đồng hành và giải đáp mọi vướng mắc của các em, làm rõ băn khoăn về giới tính. Sau khi cả hai xác định được mình đang trong giai đoạn bức bối giới, các em lại vui vẻ, tự tin, hòa nhập với bạn bè”, cô Châu nói.
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên), em Tòng Thị Ngân tiếp tục theo học và ổn định tâm lý. |
Chủ động nhận diện sớm
Theo cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, mỗi học sinh một tâm tư, tình cảm. Có em bộc lộ ra, dễ dàng chia sẻ. Song cũng có trường hợp lại chọn cách im lặng. Năm học 2021 – 2022, giáo viên nhà trường đã tư vấn, hỗ trợ đặc biệt cho hơn 20 trường hợp. Chủ yếu là về mâu thuẫn với gia đình, chọn ngành nghề, giới tính, gặp khó khăn, tiêu cực...
“Theo đó, tổ tư vấn của nhà trường thực hiện hỗ trợ, tư vấn bằng nhiều hình thức khác nhau. Rất nhiều hoạt động tập thể, công khai được tổ chức để tạo sân chơi kết nối và giáo dục các em. Đối với những trường hợp cần riêng tư, nhà trường thực hiện hỗ trợ qua các fanpage chia sẻ kín, hòm thư email “những điều em muốn nói”. Bố trí phòng y tế, văn phòng đoàn làm nơi tư vấn riêng...”, cô Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, theo cô Nga, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, gần gũi của thầy cô, để sớm nhận biết các biểu hiện tiêu cực, tâm tư của học sinh. Từ đó chủ động hỗ trợ các em phù hợp nhất.
Tương tự, thầy Thượng cũng cho rằng, học sinh mỗi địa bàn, với đặc thù riêng sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc khác nhau. Bởi vậy, mỗi nhà trường sẽ có cách thức, phương pháp hỗ trợ phù hợp. Muốn vậy, việc chủ động nhận diện sớm nguy cơ phải được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, sau 2 năm chịu tác động của dịch, năm học này học sinh trở lại trường với nhiều nguy cơ hơn.
“Bên cạnh nhiệm vụ giáo dục, trong năm học này công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh cũng được nhà trường mở rộng hơn. Không chỉ là tâm sinh lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, ứng xử với bạn bè, người thân, nghề nghiệp..., chúng tôi còn chú trọng tư vấn giúp các em nhận thức đúng đắn về những vấn đề trong cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ bỏ học và tránh xa tệ nạn xã hội”, thầy Thượng cho hay.
Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường mọi cơ hội tiếp cận học sinh để trò chuyện chung và riêng với từng trường hợp. Từ hỏi thăm việc học, chuyện gia đình, đến nắm bắt phát hiện vướng mắc, tháo gỡ và hướng các em tới những mục tiêu chính đáng trong cuộc sống, nâng cao trách nhiệm với gia đình…
Đầu năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều học sinh phổ thông gặp các vấn đề tâm lý, như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm... càng khiến cho nhiệm vụ này trở nên cấp bách. Đây cũng là nội dung được ngành GD-ĐT Điện Biên quan tâm triển khai có hiệu quả trong những năm qua. Hiện 100% trường tiểu học, THCS, THPT tại địa phương này duy trì các tổ tư vấn, với nhiều hình thức, hoạt động đa dạng.