Mô hình trường tiểu học “nội trú” ở Kỳ Sơn (Nghệ An): Giúp học sinh yên tâm đến lớp

GD&TĐ - Là huyện khó khăn nhất của Nghệ An, nhưng huyện biên giới Kỳ Sơn lại là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện mô hình trường bán trú cho học sinh tiểu học. Mô hình này đặc biệt ở chỗ tổ chức nuôi dạy học sinh theo hình thức nội trú.

Cô giáo hướng dẫn học sinh học bài trên lớp
Cô giáo hướng dẫn học sinh học bài trên lớp

Bán trú theo hình thức “nội trú”

Lầu Ca Lìa là học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Nhà của Lìa ở bản Phà Bún nhưng lên lớp 3, Lìa không học ở điểm trường lẻ gần nhà, mà về trường chính ở bản Huồi Khe.

Cũng từ đó, cô bé người Mông bắt đầu ở “nội trú” tại trường, ăn ngủ cùng các bạn và thầy cô giáo từ thứ 2 đến thứ 6. Cuối tuần bố mẹ đến đón Lìa về. Những ngày đầu xa bố mẹ, xa em, cứ tối đến Lìa lại khóc. May có thầy cô động viên, nhiều bạn bè trò chuyện giúp Lìa quen với cuộc sống tập thể.

Lìa và các bạn ở nội trú cũng rất bận rộn. Sáng dậy sớm gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đến lớp. Trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi rồi học buổi chiều hoặc sinh hoạt ngoại khóa, đọc sách, chơi trò chơi…

Buổi tối, các em tiếp tục có buổi tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô đến 21 giờ thì đi ngủ. “Em thích ở trường đi học, vì được ăn cơm đầy đủ, không phải đi bộ xa”, Lìa nói. Đặc biệt, sau mỗi dịp nghỉ hè, không cần thầy cô phải đến tận bản gọi đi học nữa, Lìa và các bạn ở Phà Bún vẫn nhớ lịch đến trường.

Lầu Ca Lìa là 1 trong số 140 học sinh bán trú của Trường Tiểu học Huồi Tụ 2. Nói là bán trú, nhưng thực tế lại nuôi dạy các em theo hình thức nội trú. Bởi các em được ăn ngày 3 bữa và ở lại cả tuần.

Thầy Nguyễn Thế Vĩnh – Hiệu trưởng cho biết: Mô hình này được nhà trường triển khai từ năm học 2016 – 2017. Thời điểm đó, trường có 5 điểm lẻ nằm ở các bản xa trường chính, cơ sở vật chất đều chưa đảm bảo, học sinh phải học trong các phòng học tạm.

Việc đi lại của giáo viên cũng vất vả do giao thông không thuận lợi. Trước tình hình đó, nhà trường quyết định tổ chức bán trú theo hình thức nội trú, đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở điểm bản lẻ tập trung về trường chính đi học.

Thống nhất là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì đụng đâu khó đấy. Khó về cơ sở vật chất: Không nhà ở, nhà vệ sinh cho học sinh, không điện, và khan hiếm nguồn nước do địa bàn xã ở vùng cao, địa hình dốc.

Phụ huynh chưa sẵn sàng giao con nhỏ vào ở nội trú trong trường. Học sinh của trường 100% là người dân tộc Mông, khi xa nhà còn quá nhiều bỡ ngỡ, tiếng Việt chưa thành thạo, giao tiếp rụt rè kỹ năng sống hạn chế. Nhà trường tìm cách tháo gỡ dần dần, xin các nguồn hỗ trợ để dựng nhà cho học sinh. Bếp ăn nấu chung với bếp của thầy cô.

Xây bể trữ nước mưa dùng dần và tạo nguồn điện từ tuabin tự chế, pin mặt trời, máy phát điện… Về công tác vận động học sinh, phụ huynh, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo về tận bản tổ chức họp dân, nói rõ và giải thích việc ở lại trường sẽ giúp các em phát triển sức khỏe, học tập… Cuối cùng, bà con cũng đồng ý với cách làm mới lạ này của nhà trường, dù vẫn còn lo lắng.

Năm đầu tiên nhà trường thí điểm đưa 29 em của bản Phà Bún về trường chính và một số học sinh lớp 5 ở các bản gần trường. Trước đó, bố mẹ các em cũng ra “tham quan” trong ngoài trường chính và đem vật liệu đến dựng lán cho con ở trong khi trường chưa xây dựng hoàn thiện dãy phòng ở bán trú.

Kết thúc năm học, nhìn những em học bán trú mạnh khỏe, vui vẻ, thích đi học, phụ huynh các bản khác tự nguyện gửi gắm con cho thầy cô nuôi dạy. Riêng năm học này, ngoài học sinh lớp 3, 4, 5 thì có có 13 em học sinh lớp 2. Đó là những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà xa hoặc đã có anh chị ở trường đi học nên bố mẹ muốn gửi theo.

Nhận những thành viên nhí này vào ngôi nhà bán trú là vất vả thêm cho thầy cô, nhưng cũng chứng tỏ sự tin tưởng của phụ huynh đối với nhà trường và thành công của mô hình bán trú đặc biệt ở ngôi trường vùng cao tây Nghệ này.

Học sinh được thầy cô hướng dẫn học phụ đạo kiến thức buổi tối
Học sinh được thầy cô hướng dẫn học phụ đạo kiến thức buổi tối
 

Những thay đổi rõ rệt

Thầy Nguyễn Thế Vĩnh cho biết: Các em ở bán trú được hưởng chế độ 116 của Chính phủ với mức hỗ trợ hơn 650 nghìn đồng và 15 kg gạo/tháng/học sinh. Nhưng để lo cơm ăn “ngày 3 bữa” đủ tất cả các ngày trong tuần cho trò thì nhà trường không thể dựa vào số trợ cấp đó được.

Trong khi 100% học sinh của trường là người dân tộc Mông và có hơn 2/3 là con em hộ nghèo. Nhà trường không thu thêm bất cứ khoản tiền nào từ phụ huynh mà phải nghĩ cách để vừa dạy học, vừa tăng gia sản xuất. Các thầy cô tự trồng rau, nuôi lợn, thả gà…, tự đi chợ, làm bếp lựa chọn thực phẩm an toàn phục vụ bữa cơm cho học sinh.

Đồng thời mua tủ đông lạnh để trữ thịt, trứng, cá… và gửi nhờ Tổng đội TNXP ở gần đó vì trường vẫn chưa có điện lưới. Các thầy cô cũng phân công nhau trực vừa quản lý vừa chia sẻ, động viên nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh ở bán trú. Bởi có một đặc điểm tâm lý đáng lưu ý là chỉ cần mâu thuẫn trong nhóm bạn mà không được kịp thời giải tỏa, trẻ có thể chạy vào rừng tìm… lá ngón ăn.

Cô Và Y Dở là giáo viên mới về nhận công tác tại Trường Tiểu học Huồi Tụ 2. Do nhà ở cách xa trường, nên cô ở lại nhà công vụ và đảm nhận luôn việc chăm sóc học sinh cả tuần. Mỗi ngày, cô dậy từ 5 giờ, nấu nướng, dọn dẹp, tưới rau, cho lợn gà ăn… “Thường thì tầm 9 giờ tôi mới xong xuôi công việc và lên lớp.

Cũng do dạy môn Tiếng Anh nên giờ giấc của tôi linh hoạt hơn các giáo viên khác làm công tác chủ nhiệm. Có học sinh bán trú nên các thầy cô có rất nhiều công việc không tên khác ngoài dạy – học. Hơn nữa, mình là tấm gương cho học sinh nhìn vào học theo. Thầy cô sạch sẽ, ngăn nắp và chăm chỉ lao động thì cũng hình thành cho các em nề nếp đó”, cô Dở tâm sự.

Đó cũng là thành công lớn ở ngôi trường vùng cao này, khi chưa vào cổng trường, thấy khách lạ các em đã vòng tay chào. Mỗi bữa cơm, các em tự biết xếp hàng lấy thức ăn, quét dọn, rửa khay thức ăn của mình. Biết giữ gìn vệ sinh phòng ở, và biết phụ giúp việc cho thầy cô… Lỳ Y Cò năm nay lên lớp 4, nhà ở bản Phà Xắc.

Những ngày đầu tiên, cũng như các bạn mới khác, Cò rụt rè không giao tiếp với các bạn khác bản, nói tiếng Kinh chưa thành thạo, chưa biết giữ vệ sinh chung và cá nhân. Nhưng đến nay, Cò đã mạnh dạn, tự tin, biết giúp thầy cô nhặt rau nấu cơm, và con hướng dẫn các em lớp 3 làm quen với môi trường sinh hoạt tập thể.

Thầy Nguyễn Thế Vĩnh phấn khởi chia sẻ: Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn. Các em phát triển tốt về thể lực, được tăng cường tiếng Việt, học kỹ năng sống để không bỡ ngỡ khi lên học ở trường dân tộc bán trú THCS. Cũng qua việc dồn học sinh ở các điểm lẻ về trường chính, sau 4 năm, Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 giảm được 1 điểm trường, 6 lớp học, qua đó góp phần tập trung nguồn lực phát triển giáo dục toàn diện.

Học sinh tập đọc và làm bài tập về nhà trong phòng ở nội trú
 Học sinh tập đọc và làm bài tập về nhà trong phòng ở nội trú

Đề xuất mô hình trường DTBT tiểu học

Ông Phan Văn Thiết – Quyền trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định: Mô hình bán trú cho tiểu học đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, tạo ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao. Ngoài học chính khóa, học sinh ở lại bán trú được sinh hoạt ngoại khóa, chơi trò chơi, ăn uống đầy đủ đúng giờ, học phụ đạo buổi tối…

Qua đó nâng cao chất lượng toàn diện cho sinh: Từ kiến thức, kỹ năng sống, sức khỏe… Mô hình bán trú tiểu học được ngành Giáo dục Kỳ Sơn triển khai từ năm học 2015 – 2016 thí điểm ở 3 trường đầu tiên là Na Ngoi, Mường Ải và Tà Cạ. Đến nay, đã nhân rộng ra 12 trường trong đó có 5 trường đã huy động được hầu hết học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính.

Năm học 2019 - 2020, qua thực hiện công tác bán trú, Kỳ Sơn đã giảm được 12 điểm trường tiểu học, 22 lớp và khoảng 30 giáo viên, tiết kiệm được lượng ngân sách lớn. Từ đó, giảm được tình trạng quy mô trường lớp manh mún và bố trí giáo viên dạy học hiệu quả, chất lượng hơn.

Tuy nhiên, công tác bán trú vẫn còn nhiều khó khăn, về cơ sở vật chất, nhất là phòng ở, nhà vệ sinh cho HS. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng rất vất vả, vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải chăm lo công tác bán trú cho học sinh tự nguyện, miễn phí.

Vì hầu hết các trường tiểu học chưa có chế độ dành cho giáo viên như trường DTBT THCS. Trường Phổ thông cơ sở DTBT Tà Cạ là trường liên cấp 1 và 2, trong đó đã thực hiện chế độ bán trú cho học sinh THCS từ lâu. Từ năm học 2018 – 2019, nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở một số bản xa, đường giao thông khó khăn, sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ.

Hiện, 71 em học sinh tiểu học vẫn đang ở ghép với học sinh THCS. Sắp tới đây có chương trình xây nhà ở bán trú cho học sinh, hy vọng các em sẽ có nơi ăn chốn ở khang trang hơn”, cô giáo Cụt Thị Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Cũng theo ông Phan Văn Thiết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cân nhắc cái được cho học sinh lớn hơn cái khó đối với nhà trường nên ngành giáo dục huyện vẫn quyết tâm thực hiện và khuyến khích các trường nhân rộng mô hình này.

Phòng cũng đã tập hợp ý kiến từ cơ sở và đề xuất với cấp trên có thẩm quyền xin xây dựng mô hình trường DTBT tiểu học, trước mắt thí điểm 5 trường đã huy động đủ học sinh các lớp 3, 4, 5 ra trường chính. Qua đó, đảm bảo chế độ, quyền lợi cho học sinh, giáo viên và hoạt động bán trú hiệu quả hơn.

Cho đến thời điểm này, Kỳ Sơn là địa phương miền núi duy nhất của tỉnh Nghệ An thực hiện được mô hình trường tiểu học bán trú trên phạm vi rộng. Ngoài ra, ở huyện Tương Dương cũng đang thực hiện thí điểm tại Trường Tiểu học Nhôn Mai và một điểm lẻ của Tiểu học Yên Thắng.

Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đánh giá: “Tổ chức mô hình trường học bán trú là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dạy Tin học và Tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành cũng chỉ đạo các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình này”.

Ở bán trú, học sinh được chơi trò chơi dân gian, đọc sách
 Ở bán trú, học sinh được chơi trò chơi dân gian, đọc sách
Các em được thầy cô hướng dẫn phụ giúp chuẩn bị bữa ăn
 Các em được thầy cô hướng dẫn phụ giúp chuẩn bị bữa ăn
Các em ăn ở tại trường để đi học từ đầu tuần đến cuối tuần
 Các em ăn ở tại trường để đi học từ đầu tuần đến cuối tuần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ