Mô hình trung tâm chất lượng cao của giáo dục châu Phi

GD&TĐ - Châu Phi hiện được xem là trung tâm mới của thế giới về phát triển giáo dục, từ giáo dục cơ bản cho đến các dự án đầu tiên phát triển học thuật, nghiên cứu của tương lai. Tiêu biểu trong số những mô hình cho thấy những thành tựu đáng kể, là Trung tâm Chất lượng cao, mô hình không mới nhưng lại hoạt động vô cùng hiệu quả. 

Mô hình trung tâm chất lượng cao của giáo dục châu Phi

Dự án hoạt động hiệu quả tại châu Phi

Trung tâm Chất lượng cao châu Phi được Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm hướng đến việc phát triển giáo dục tại khu vực Tây và Trung Phi. Theo đó, trong báo cáo hoạt động của dự án vừa được công bố, dù chỉ mới đi qua ½ chặng đường nhưng dự án đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng chương trình đào tạo tại các trường đại học Tây và Trung Phi, đồng thời nâng cao chất lượng các dự án nghiên cứu giáo dục giữa khu vực và các quốc gia khác trên thế giới.

Khởi động từ năm 2014, dự án đã tiến hành xây dựng, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng của 19 trung tâm giáo dục nghiên cứu tại châu Phi với tên gọi Trung tâm Chất lượng cao.

Các trung tâm được xây dựng tại những quốc gia lúc bấy giờ chưa thật sự phát triển về giáo dục nhưng lại có đầy đủ các điều kiện liên quan đến nhân lực và tiềm lực để đẩy mạnh giáo dục như Benin, Burkina Faso, Cameroon, Ghana, Nigeria, Senegal và Togo.

Với tổng số vốn đầu tư hiện tại đã vượt ngưỡng 160 triệu USD, các trung tâm chất lượng cao tại những quốc gia này đã xây dựng 25 chương trình đào tạo thạc sĩ, đào tạo gần 12.000 sinh viên trong các khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn, thạc sĩ lẫn tiến sĩ.

Với mục tiêu trở thành một dự án mang tầm vóc châu lục và hướng đến quy mô quốc tế, các trung tâm chất lượng cao đã tiến hành đào tạo hơn 4.000 học viên trong khu vực châu Phi, trong đó có 1.350 thạc sĩ và 290 tiến sĩ, từ đó tạo ra đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu chất lượng cao chưa từng có cho các quốc gia trong khu vực.

“Bên cạnh việc tạo ra một đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao, mô hình còn giúp cho các nền giáo dục tại những quốc gia có trung tâm chất lượng cao thu hút sự quan tâm của những tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, từ đó tạo ra những lợi ích về giáo dục, học thuật, nghiên cứu lẫn về khía cạnh tài chính cho quốc gia”- Andreas Blom, nhà kinh tế học tại bộ phận chuyên trách giáo dục trực thuộc Ngân hàng Thế giới tại Nam Phi, cho biết.

Nâng cao chất lượng, mở rộng hợp tác

Tính đến giai đoạn hiện tại, đã có 12 chương trình giáo dục của các trung tâm này được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế và bằng cấp được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Nổi bật trong số đó có thể kể đến chương trình tại Viện kỹ thuật Nước và Môi trường Quốc tế, Burkina Faso; Đại học Gaston Berger, Senegal; Đại học Yaoundé I, Cameroon hay Đại học Ghana.

Không chỉ vậy, để có thể đạt được các chương trình hợp tác quốc tế với những trường đại học hàng đầu thế giới, một trong những tiêu chí của dự án, là những hoạt động của những trung tâm chất lượng cao này cũng phải tự cải thiện để luôn ở tình trạng hoàn hảo nhất.

Vì thế không bất ngờ khi Đại học Redeemer, Nigeria đang hợp tác với Đại học hàng đầu thế giới Harvard và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho các dự án nghiên cứu y học; Đại học Cocody của Bờ Biển Ngà cùng đại học Bremen, Đức hay Đại học Ghana đang có các công trình quy mô với đại học hàng đầu của Anh, Cambridge.

Các chương trình hợp tác nghiên cứu này đã giúp các trung tâm chất lượng cao châu Phi nói riêng hay giáo dục đại học châu Phi nói chung tăng điểm uy tín trên các diễn dàn nghiên cứu khoa học toàn cầu khi ngày càng có nhiều công trình có sự đóng góp không nhỏ của các nghiên cứu viên đến từ châu lục này.

Nổi bật nhất có thể kể đến công trình nghiên cứu được đánh giá cao về virus Ebola được đăng trên hai tạp chí khoa học hàng đầu thế giới là NatureScience của Trung tâm nghiên cứu chức năng di truyền của các dịch bệnh truyền nhiễm châu Phi.

Không chỉ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các trường đại học và trung tâm giáo dục trên toàn thế giới mà các trung tâm chất lượng cao còn tạo cơ hội cho những học viên, nghiên cứu viên của trung tâm có thể thực tập, hợp tác trao đổi nghiệp vụ với các công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế.

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới thì có hơn 800 học viên của trung tâm đang làm việc, thực tập hoặc nghiên cứu tại các công ty lớn nhỏ trong và ngoài nước dưới hình thức hợp tác chiến lược. “Tham vọng của chúng tôi đối với dự án Trung tâm chất lượng cao là rất lớn nên ngoài việc phát triển học thuật hay nghiên cứu, việc đặt dự án vào bên trong sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, khoa học hiện đại là vô cùng quan trọng.

Vì thế thông qua các mối quan hệ và chương trình hợp tác này, chúng tôi sẽ vừa có thể tạo ra một đội ngũ nhân lực tạo tiền đề cho sự phát triển ở trình độ cao, vừa tạo ra sự tiến bộ thông qua các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng thiết thực”- Blom cho biết.

Dự án tương lai

Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới thì dự án đã bắt đầu bước sang giai đoạn thứ hai khi mà giai đoạn một vẫn còn đang được tiến hành. Theo đó, kể từ tháng 10/2016, dự án 2 đã được bắt đầu với định hướng tập trung tạo ra sự phát triển tương tự như dự án đầu tiên tại khu vực Đông và Nam Phi.

Trong giai đoạn ban đầu, dự án sẽ chọn ra 24 trường đại học hay trung tâm nghiên cứu hàng đầu của 8 quốc gia tham dự là Ethiopia, Kenya, Malawi, Mozambique, Rwanda, Tanzania, Uganda và Zambia để tăng cường tiềm lực nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của khu vực là nông nghiệp, thống kê ứng dụng, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Với số vốn đầu tư ban đầu không hề thua kém dự án tiền nhiệm, Trung tâm chất lượng cao Đông Phi và Nam Phi sẽ sử dụng nguồn ngân sách 140 triệu USD trong vòng 5 năm để có thể đào tạo hơn 3.500 học viên sau đại học trong khu vực, với hơn 700 tiến sĩ và tỉ lệ nữ giới sẽ chiếm hơn 25%, một mục tiêu quan trọng về bình đẳng giới mà dự án đặt ra.

Ngân hàng Thế giới cũng hy vọng rằng trong tương lai các châu lục khác cũng sẽ nghiên cứu và áp dụng mô hình theo hướng có lợi cho sự phát triển giáo dục và xã hội toàn cầu.

Mặt khác, bên cạnh việc các quốc gia tham gia vào những dự án tương tự sẽ có những chính sách nới lỏng quan hệ hợp tác, đầu tư quốc tế cũng cần lưu ý những vấn đề có thể khiến dự án gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như tại một số quốc châu Phi, khi mà tình trạng tham nhũng diễn ra một cách công khai và trầm trọng thì các dự án đầu tư đôi khi sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng tương xứng với nguồn ngân sách mà nó được rót vào.

Theo University World News, World Bank, British Council, Ace.aau.org, East African Community

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.