Người thầy: Làm tròn vai trong mọi hoàn cảnh

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, ứng với mỗi giai đoạn phát triển của giáo dục, vai trò của người thầy cũng có những thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Tuy vậy, dù ở hoàn cảnh nào, người thầy/đội ngũ nhà giáo cũng cần làm tròn vai trên cả bốn phương diện: Người chỉ huy, người thiết kế, người dẫn dắt, người cố vấn -truyền cảm hứng.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng của Việt Nam và thế giới"
PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng của Việt Nam và thế giới"

Bốn vai trò của người thầy

PGS.TS Đặng Quốc Bảo phân tích, kỹ thuật dạy học và công nghệ dạy học dù có nhiều đổi thay và phát triển theo chiều hướng hiện đại thì ở nhiều nước, trong đó có nước ta, tại các nhà trường vẫn đan xen 4 kiểu dạy học và kéo theo là bốn vai trò của người thầy.

Thứ nhất, kiểu dạy học truyền thống. Trong kiểu dạy học này, thầy có vai trò người chỉ huy, trò chấp hành mệnh lệnh của thầy. Trò được yêu cầu bắt chước nội dung của thầy. Thứ hai, kiểu dạy gợi mở. Thầy có vai trò người thiết kế, trò thi công ý tưởng của thầy. Trò được yêu cầu “tái hiện” nội dung của tri thức. Thứ ba, kiểu dạy học tích cực. Người thầy giữ vai trò người dẫn dắt, trò lĩnh hội sự truyền đạt của thầy. Trò được yêu cầu “tái tạo” nội dung của tri thức. Thứ tư, kiểu dạy học kiến tạo. Thầy có vai trò là người cố vấn, người truyền cảm hứng, trò khám phá được hiện thực khách quan mà thầy – trò cùng quan tâm. Trò thực hiện “sáng tạo” nội dung của tri thức.

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nếu lấy hai tiêu chí: Sự phát triển trí tuệ và thái độ học tập thì ở tập thể người học cũng tồn tại 4 loại: Thông minh – chăm chỉ; Thông minh – lười/học tài tử; Chậm – chăm chỉ; Chậm – lười.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng: Người thầy theo phương châm “Hữu giáo vô loại” (không ai không dạy được) phải uyển chuyển, tròn vai trên cả 4 phương diện: Người chỉ huy, người thiết kế, người dẫn dắt, người cố vấn - truyền cảm hứng. Người thầy tận tâm là một nhà quản lý, quản lý không có dấu đỏ, có kỹ năng phong cách dạy học để học sinh nào cũng bắt kịp với “yêu cầu dạy học” đặt ra.

Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ người thầy đang vận động trong “bối cảnh kép”: Vừa phải thực hiện các nhiệm vụ của đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/TW khóa 11, vừa phải chủ động thích ứng với CMCN 4.0. Họ có nhiệm vụ thực hiện tinh thần dạy học kiến tạo, biết từ bỏ sư phạm quyền uy tới sư phạm dân chủ, hợp tác, trang bị cho người học sự phát triển toàn diện năng lực phẩm chất lại phải đón đầu với các tiến bộ của công nghệ dạy học, kỹ thuật dạy học qua “ E - learning”, “trường học kết nối”, “STEM”, “MOOC”…

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, cuộc sống đòi hỏi người thầy phải “tận tâm hơn” song lại phải “tốc độ nhiều hơn”, “kết nối nhiều hơn” và “thông minh nhiều hơn”. “Kinh tế” đang theo hướng “cá nhanh nuốt cá chậm”. Giáo dục, nhà trường là động lực cho kinh tế. Do đó, chính sách cho phát triển người thầy/đội ngũ người thầy lúc này cần sáng suốt trên cả hai khía cạnh kinh tế - giáo dục để họ không phải trăn trở.

Dù ở hoàn cảnh nào, giáo viên cũng cần làm tròn vai
  • Dù ở hoàn cảnh nào, giáo viên cũng cần làm tròn vai

Ở đâu cũng có người thầy tận tâm và tài hoa

Đưa ra 3 vấn đề thực tiễn của phát triển người thầy/đội ngũ người thầy, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: Thứ nhất, phát triển được lực lượng tinh hoa của đội ngũ người thầy. Ở địa phương nào cũng có những người thầy tận tâm, tài hoa. Họ lấy minh triết “Tất cả vì học sinh thân yêu” làm phương châm hành động. Theo đó, cần liên kết họ thành lực lượng kỹ thuật cao của ngành, có chính sách và hình thức tôn vinh xứng đáng để bảo vệ nguồn “gen” cao quý của ngành. Bên cạnh sự tôn vinh, cần có cuộc vận động để người không có tố chất làm thầy tự nguyện chuyển đến các vị trí thích hợp với năng lực, phẩm chất của họ.

 

Hiện nay, trong bối cảnh kép, đòi hỏi cần đào tạo lại đội ngũ người thầy, phát triển được lực lượng tinh hoa và kiến tạo phương án “vượt gộp” để tạo ra những thế hệ người thầy với khung mẫu về nhân cách phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

 
PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Thứ hai, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo, lấy trọng tâm là giáo dục STEM. Cùng với các nội dung bồi dưỡng truyền thống, cần đặc biệt chú ý đến bồi dưỡng STEM cho người thầy/đội ngũ người thầy. Cần thiết kế được “STEM” với các trình độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và bồi dưỡng STEM cho đội ngũ giáo viên đang có. Ai không thích ứng được yêu cầu bồi dưỡng này cần có sự vận động để họ tự thanh lọc.

Thứ ba, kiến tạo được phương án đào tạo người thầy/đội ngũ người thầy. “Vượt gộp” là từ đề xuất của GS Phan Ngọc, theo ông, “vượt gộp” không phải là chạy theo cái mới, bỏ qua cái cũ, cũng không phải bám lấy cái cũ mà coi thường cái mới. Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Việt Nam từng có 3 mô hình đào tạo người thầy.

Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, công nghệ dạy học, với sự ưu việt của đào tạo tín chỉ có thể “vượt gộp” các mô hình đã có với sự liên kết, hợp tác giữa trường THPT, trường đào tạo giáo viên qua phương thức “học qua hành”.

“Đào tạo giáo viên hiện nay có thể tham khảo mô hình đào tạo bác sĩ nội trú. Người học sẽ học 6 năm để có năng lực dạy học, trải nghiệm thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Khác với bác sĩ nội trú, 2 năm cuối cùng làm việc tại bệnh viện, người đủ điều kiện tuyển vào hệ này thì ngay năm đầu đã được cầm phấn. Họ là “trợ giảng” cho các thầy dạy giỏi ở trường phổ thông, thực hiện phụ đạo và khi cần thiết có thể để họ đứng lớp” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.