Mô hình dự đoán hiệu quả từ biện pháp bảo vệ tầng ozone

GD&TĐ - Một thỏa thuận quốc tế về bảo vệ tầng ozone được dự kiến có thể ngăn chặn 443 triệu ca ung thư da và 63 triệu trường hợp đục thủy tinh thể ở Mỹ, tính đến cuối thế kỷ này.

Số ca ung thư da và đục thủy tinh thể ở Mỹ sẽ giảm nhờ Nghị định thư Montreal.
Số ca ung thư da và đục thủy tinh thể ở Mỹ sẽ giảm nhờ Nghị định thư Montreal.

Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), Công ty ICF và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), đã tập trung vào các tác động sâu của Nghị định thư Montreal năm 1987 và các sửa đổi sau đó.

Thỏa thuận đã loại bỏ dần việc sử dụng các hóa chất như chlorofluorocarbons (CFCs) phá hủy ozone trong tầng bình lưu.

Ozone ở tầng bình lưu bảo vệ hành tinh khỏi tia cực tím (UV) có hại của Mặt trời, bảo vệ sự sống trên Trái đất. Để đo lường các tác động lâu dài của Nghị định thư Montreal, các nhà khoa học đã phát triển một mô hình.

Từ đó, cho phép họ nhìn về quá khứ và tương lai, bằng cách mô phỏng tác động của hiệp ước đối với những người Mỹ sinh trong khoảng năm 1890 - 2100. Kết quả cho thấy, số ca ung thư da và đục thủy tinh thể sẽ giảm. Ngoài ra, hiệp ước cũng sẽ ngăn chặn khoảng 2,3 triệu ca tử vong do ung thư da ở Mỹ.

Nhà khoa học Julia Lee-Taylor của NCAR, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy, với ý chí, các quốc gia trên thế giới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu”.

Vào những năm 1970, các nhà khoa học cảnh báo mối đe dọa đối với tầng ozone, khi CFCs giải phóng các nguyên tử clo trong tầng bình lưu. Từ đó, gây ra các phản ứng hóa học phá hủy ozone.

Việc mất ozone ở tầng bình lưu sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. Bởi, mức độ bức xạ UV cao có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư da, đục thủy tinh thể và rối loạn miễn dịch.

Các nhà hoạch định chính sách đã đối phó với mối đe dọa bằng Nghị định thư Montreal năm 1987 về các chất làm suy giảm tầng ozone. Trong đó, các quốc gia thống nhất hạn chế sử dụng một số chất phá hủy tầng ozone.

Các sửa đổi sau đó đã củng cố hiệp ước bằng cách mở rộng danh sách các chất phá hủy tầng ozone (như halogen và hydrochlorofluorocarbon, hoặc HCFC). Đồng thời, đẩy nhanh thời gian để loại bỏ dần việc sử dụng các chất này.

Để tính toán hiệu quả của hiệp ước, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình được gọi là “Khung tác động đến khí quyển và sức khỏe”. Mô hình dựa trên các nguồn dữ liệu khác nhau về ozone, sức khỏe cộng đồng và nhân khẩu học, bao gồm 5 bước tính toán.

Mô hình mô phỏng sự phát thải trong quá khứ và tương lai của các chất phá hủy tầng ozone, tác động của những chất đó đối với ozone ở tầng bình lưu. Nhờ đó, đưa ra kết quả về sự thay đổi bức xạ UV ở mặt đất, mức độ phơi nhiễm của dân số Mỹ với bức xạ UV, tỷ lệ tử vong.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.