Mô hình 'con tôm ôm gốc đước' ở Cà Mau: Thích ứng biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được người dân gọi vui là 'con tôm ôm gốc đước' phát triển mạnh tại tỉnh Cà Mau.

Năm Căn và Ngọc Hiển là 2 huyện có diện tích tôm rừng lớn nhất tỉnh Cà Mau. Ảnh: TG
Năm Căn và Ngọc Hiển là 2 huyện có diện tích tôm rừng lớn nhất tỉnh Cà Mau. Ảnh: TG

Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được người dân gọi vui là “con tôm ôm gốc đước” phát triển mạnh tại tỉnh Cà Mau. Cách nuôi trồng này vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nâng cao đời sống người dân

Cà Mau là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước với khoảng 80.000ha. Hiện có hơn 27.500ha nuôi tôm dưới tán rừng, chủ yếu tập trung tại huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, trong đó có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, Vietgap; EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC... ghi nhận. Sản lượng tôm có chứng nhận hơn 10.000 tấn/năm.

Ông Phan Văn Chuẩn, ngụ ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn cho biết, gia đình có hơn 3ha nuôi tôm dưới tán rừng, hằng năm thu nhập từ khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

“Nuôi tôm dưới tán rừng thấy hiệu quả kinh tế cao, ổn định hơn so với một số loại hình nuôi tôm khác. Trong lúc thả nuôi mình sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học, tạo thức ăn tự nhiên thêm cho tôm nên tôm lớn nhanh và đạt đầu con hơn”, ông Chuẩn chia sẻ.

Ông Tạ Thanh Phong, ngụ ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn cho biết thêm, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đòi hỏi phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng chất hóa học, kiểm soát chặt chẽ đầu vào, có ghi chép nhật ký trong quá trình nuôi.

Đặc biệt, người dân phải tuyệt đối đảm bảo môi trường tôm nuôi không bị ô nhiễm. Giá thành con tôm sinh thái thường được thu mua cao hơn con tôm nuôi theo hình thức thông thường nên người dân cũng có lợi nhuận cao hơn. “Gia đình tôi có hơn 2ha diện tích nuôi tôm rừng, có những con nước sổ bán tôm từ 20 đến 30 triệu đồng”, ông Phong phấn khởi.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua nguồn thu nhập của các hộ nuôi tôm rừng, đặc biệt là hộ nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế khá ổn định. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ còn có thêm nguồn thu nhập từ việc nuôi cua, cá, sò huyết...

“Nhiều hộ dân trước đây cuộc sống khó khăn, nhưng từ khi tham gia mô hình nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế trở nên khá giả. Từ đó, họ tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất độc hại trong quá trình nuôi, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thông tin.

Ông Bùi Quân, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp chất lượng GQS (đơn vị đang hỗ trợ người dân huyện Năm Căn thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng) cho biết, lợi ích mang lại từ mô hình nuôi tôm rừng, tôm sinh thái đạt chứng nhận quốc tế rất lớn.

Ngoài việc tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu thì giá trị gia tăng của con tôm dưới tán rừng khi đạt chứng nhận Organic sẽ tăng từ 15% đến 20%.

“Doanh nghiệp chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của tỉnh Cà Mau hỗ trợ bà con nắm vững kiến thức về nuôi tôm sinh thái có chứng nhận đối với từng tiêu chí, tiến tới mở rộng vùng nuôi, hình thành chuỗi liên kết, tạo thêm giá trị gia tăng cho con tôm dưới tán rừng”, ông Bùi Quân chia sẻ.

Một vuông nuôi tôm rừng của người dân Ngọc Hiển. Ảnh: TG

Một vuông nuôi tôm rừng của người dân Ngọc Hiển. Ảnh: TG

Người dân tiến hành thả giống trong vuông nuôi. Ảnh: TG

Người dân tiến hành thả giống trong vuông nuôi. Ảnh: TG

Nỗ lực vì sự phát triển bền vững

Để thúc đẩy lĩnh vực nuôi tôm bền vững, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan khởi động Dự án Nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trên địa bàn xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, với diện tích trên 2.500 ha rừng và trên 700 hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 650.000 AUD.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) thông tin, trong quá trình triển khai dự án, VSSA sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về trồng rừng ngập mặn; quản lý; cung cấp khoản tín dụng cho nhóm phụ nữ; huy động sự tham gia của các bên liên quan để thay đổi chính sách và hợp tác với các doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của dự án.

Công ty cổ phần Tôm Miền Nam sẽ cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân; xây dựng chuỗi giá trị tôm hữu cơ từ sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua đến chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt hàng năm…

“Tỉnh Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề biến đổi khí hậu, nhất là các hộ dân nuôi tôm ven biển. Vì thế, địa phương rất cần có chiến lược, dự án nhằm tăng chất lượng đời sống, thu nhập và khả năng thích ứng cho người nuôi tôm”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Một hộ dân thu hoạch tôm nuôi dưới tán rừng. Ảnh: TG

Một hộ dân thu hoạch tôm nuôi dưới tán rừng. Ảnh: TG

Tôm người dân thả nuôi dưới tán rừng chủ yếu là tôm sú. Ảnh: TG

Tôm người dân thả nuôi dưới tán rừng chủ yếu là tôm sú. Ảnh: TG

Trong chuyến khảo sát mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của người dân vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ, trong thời điểm hiện nay để thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh là rất khó khăn.

Bởi hiện không có một mô hình cụ thể nào có thể áp dụng chung cho tất cả các vùng sản xuất của địa phương, mà nó còn phụ thuộc vào hàng loạt các điều kiện như: Môi trường nước, khí hậu, con giống... Do vậy, người dân nên áp dụng những mô hình nuôi hướng đến tính hiệu quả bền vững, giá thành nuôi thấp, hạn chế rủi ro, đặc biệt cần chú trọng nuôi tôm sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Các nước có nhu cầu nhập khẩu tôm lớn trên thế giới ngày càng đưa ra nhiều rào cản về kỹ thuật đối với các nước xuất khẩu tôm, nhất là ở khu vực châu Á.

Tỉnh Cà Mau - địa phương xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước chủ trương đẩy mạnh phát triển diện tích nuôi tôm rừng, tôm sinh thái có chứng nhận được xem là bước đi đúng đắn phù hợp với xu hướng hội nhập. Hướng đi này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu.

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000ha, bình quân cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, chiếm gần 40% diện tích nuôi và chiếm khoảng 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước. Theo phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về ngành tôm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ