Dựng nhà cho trò
Vẫn còn thời gian gần 3 tuần nghỉ hè, nhưng các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS liên xã Ch"Ơm - Gari đã trở lại trường học. Cơn mưa rừng đã làm cho con đường đèo dốc quen thuộc từ trung tâm huyện Tây Giang lên các xã vùng biên giới trở nên khó khăn, hiểm trở đối với những người giáo viên nơi đây. Gần 50km đường đồi núi, nhưng họ phải mất hơn nửa ngày vừa đi, vừa đẩy, vừa khiêng xe vượt qua những cung đường đèo dốc lầy lội, hiểm trở. Vậy mà, chỉ sau một đêm nghỉ chưa lại sức, mọi người đã khẩn trương bắt tay vào đào móng, chuyển đá xây dựng khu nhà ăn ở bán trú cho HS.
Thầy Nguyễn Võ Truyền – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS liên xã Ch"Ơm - Gari, cho biết: Từ khi trường chuyển sang hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, để có điều kiện cho HS ăn ở bán trú, thầy cô giáo cùng người dân địa phương đã chung tay xây dựng khu nhà ăn, nhà ở bán trú cho các em HS. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hè vừa qua, một cơn gió lốc đã cuốn bay cả khu nhà. Nhằm chuẩn bị cho năm học mới và cũng để giúp các em yên tâm đến trường, thầy cô giáo đã trở lại trường sớm hơn mọi năm, cùng nhau góp sức xây dựng lại khu nhà ăn ở cho HS.
Dẫu sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn, môi trường dạy học, chăm sóc HS hết sức khó khăn, nhưng tình thầy trò vẫn thấm đẫm trong từng bài giảng, từng nếp ăn, nếp ở, đến những việc làm hết sức giản dị, đời thường.
Năm học 2018-2019, Trường PTDTBT THCS liên xã Ch"Ơm – Gari có tổng cộng 340 HS, trong đó có 169 HS bậc tiểu học và 171 HS bậc THCS. Năm học mới chuẩn bị bắt đầu nhưng nhà trường đứng trước bộn bề trăn trở. Đáng lo ngại nhất là khu nhà ăn, nhà ở còn tạm bợ. Hệ thống công trình nước tự chảy phục vụ sinh hoạt, vệ sinh cho HS, giáo viên chưa thật sự đảm bảo.
“Có thể thấy rằng, mô hình trường học bán trú đã tạo điều kiện học tập thuận lợi cho con em vùng biên giới, giúp cho nhà trường duy trì số lượng HS, đội ngũ giáo viên chuyên tâm thực hiện đổi mới cách dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có của các trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện chương trình đổi mới giáo dục. Mặc dù, thời gian qua, trang thiết bị dạy và học được bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất chưa đảm bảo, các phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn, khu hiệu bộ còn thiếu nên ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, tình hình thiếu phòng ở cho HS và giáo viên, nhà nấu ăn HS còn tạm bợ, nên đã gây không ít khó khăn cho công tác ổn định nề nếp sinh hoạt, học tập của HS bán trú”, thầy Truyền bày tỏ.
Từ đầu tháng 8, các thầy cô giáo công tác ở xã biên giới Ch’Ơm - Gari đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè, trở lại trường dựng nhà bán trú cho HS |
Hết lòng chăm lo sự học
Ch’Ơm, Gari là hai xã biên giới có địa bàn trải rộng, điều kiện địa hình đồi núi bị chia cắt thành nhiều khu vực riêng biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số lại sống phân tán nên công tác tổ chức các điểm trường vô cùng khó khăn. Đến công tác, giảng dạy ở đâu, đa số giáo viên đứng lớp là những giáo viên có tinh thần nhiệt huyết với nghề. Minh chứng cho điều đó là chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng được nâng cao, số lượng HS phổ cập luôn đạt tỉ lệ 100%. Kết quả đó chính là công sức bền bỉ của bao thế hệ thầy cô giáo, những người giáo viên dám bỏ lại sau lưng những niềm vui, hạnh phúc riêng để đến với con em đồng bào dân tộc, với bản làng giữa thăm thẳm núi rừng.
Bởi như lời tâm sự của thầy Nguyễn Võ Truyền, đối với những người giáo viên công tác ở địa bàn vùng biên giới, ngoài đảm nhận nhiệm vụ của một người dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, họ còn đảm nhận vai trò của một tuyên truyền viên vận động HS ra lớp, chăm sóc, nuôi dạy con em HS. Sinh sống, học tập giữa bồn bề khó khăn, thiếu thốn nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, vận động HS ra lớp, chăm sóc, nuôi dạy HS đều là những công việc hết sức khó khăn, vất vả. Bởi vậy, nếu người giáo viên có suy nghĩ, lên đây dạy học chỉ là một công việc mưu sinh thì thật khó lòng bám trụ được. Sớm muộn gì họ cũng sẽ từ bỏ công việc.
Có đến nơi tận cùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào, chứng kiến những việc làm, cống hiến của người giáo viên, tận mắt thấy điều kiện học tập, ăn ở của con em đồng bào dân tộc thiểu số và lắng nghe những lời tâm sự, sẻ chia của đội ngũ thầy cô giáo, chúng tôi mới thực sự hiểu được ý chí, nghị lực và sức chịu đựng của những giáo viên, HS nơi đây.