Mở cửa trường học: Trên nóng, dưới lạnh

GD&TĐ - Nhiều học sinh, phụ huynh vùng an toàn bày tỏ mong muốn được quay trở lại trường học; tuy nhiên một số địa phương có vẻ còn e ngại, chưa thực sự quyết tâm hoặc khá chậm trong việc mở cửa trường học trở lại.

Diễn tập trước khi cho học sinh đi học trở lại tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Diễn tập trước khi cho học sinh đi học trở lại tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Mong sớm được học trực tiếp

“Em mong muốn được đi học trở lại” - Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Ân Thi, huyện Ân Thi, Hưng Yên, chia sẻ điều này khi em đã học trực tuyến liên tục từ đầu năm học đến nay. Quỳnh cho biết: Em bị cận nên việc học nhiều và tiếp xúc lâu với máy tính khiến mắt bị ảnh hưởng và nhiều khi lưng rất đau.

“Học trực tuyến ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng học tập do thầy cô khó quản học sinh hơn. Bản thân khi học trực tuyến đôi khi vẫn bị thu hút bởi những thứ khác. Em mong được trở lại trường; đặc biệt là học sinh cuối cấp, việc học trực tiếp là vô cùng cần thiết”, Thúy Quỳnh bày tỏ.

Là giáo viên Trường THPT Ân Thi, cô Vũ Thị Anh cũng trăn trở khi học kỳ I năm học 2021 - 2022 đã qua 2/3 thời gian, nhưng việc trở lại học trực tiếp vẫn chưa được thực hiện. “Mong mỏi của tôi cũng như đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và các em là sớm được trở lại trường học”. Chia sẻ điều này, cô Vũ Thị Anh cho rằng: Học trực tuyến hoàn toàn quá lâu khiến học sinh giảm sút ý chí và tinh thần tự học.

Do thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều, học sinh bị mỏi mắt, từ đó xuất hiện tư tưởng chán nản. Đặc biệt với học sinh cuối cấp, áp lực học rất cao; không chỉ học chính khóa mà còn tham gia học các khóa học online khác, nên thời gian của các em gần như gắn với màn hình máy tính.

Có học sinh tính tự giác học chưa cao, lười ghi chép, đến giờ học chỉ bật màn hình rồi điểm danh để đó, bố mẹ và thầy cô không phải lúc nào cũng quản lý hết được. Cô Anh bày tỏ mong muốn tình hình dịch sớm ổn định để học sinh được trở lại trường. Khi trở lại trường, công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch vẫn phải thực hiện tốt, với tinh thần “vượt dịch để học”.

Là phụ huynh học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, ông Lê Thành Trí cũng bày tỏ mong mỏi cho con được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, ông Lê Thành Trí bày tỏ: Việc cấp thiết là triển khai tiêm phòng an toàn cho học sinh. Cho học sinh học kết hợp giữa online và offline (môn chính học offline, môn phụ học online để giảm bớt việc cùng một thời điểm tập trung học sinh toàn trường; 2 khối học sáng, 2 khối học chiều…). Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp khác nhau, góp phần bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Thận trọng hay cứng nhắc

So với cách đây khoảng 1 tháng, số địa phương dạy học trực tiếp đã giảm xuống. Cụ thể, thống kê đến 25/10, cả nước có 23 địa phương triển khai dạy học trực tiếp; 15 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 25 địa phương dạy học bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình. Nhưng đến 21/11, địa phương dạy học trực tiếp chỉ còn khoảng chục tỉnh/thành. Nguyên nhân do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng có lẽ cũng có phần ngần ngại, thiếu quyết tâm của địa phương khi mở cửa trường học, thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Hiện nay, một số địa phương việc học trực tuyến kéo dài từ đầu năm học đã có động thái mở cửa trường học trở lại một cách thận trọng, ở nơi an toàn, có thí điểm trước. Đơn cử như Hà Nội ban đầu chỉ triển khai cho học sinh khối 9 của huyện Ba Vì học trực tiếp. Sau đó, từ 22/11 thành phố mở rộng đối tượng được học trực tiếp cho học sinh khối 9 của 10 huyện ngoại thành (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa). Các huyện Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì cho học sinh đến trường từ 23 - 24/11.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại ngày 22/11, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trên cơ sở đánh giá tiêu chí an toàn của các trường THCS trên toàn huyện, Phòng GD&ĐT Thanh Trì đã tham mưu UBND huyện cho học sinh lớp 9 của 5 trường THCS đi học trực tiếp trở lại từ 23/11. Trước đó, ngày 22/11, trường tiểu học, THCS toàn diện thực hiện diễn tập thực địa để nắm bắt được quy trình tổ chức đón học sinh học trực tiếp trở lại. Cũng theo ông Ngát, qua khảo sát có trên 70% phụ huynh lớp 6 và lớp 9 đồng tình cho học sinh quay trở lại trường; tỷ lệ cao hơn với riêng phụ huynh lớp 9.

Đồng Nai cũng có kế hoạch cho một bộ phận trường học mở cửa trở lại. Theo dự kiến ban đầu, địa phương này sẽ cho gần 25 trường từ tiểu học đến THPT của 11 huyện, thành phố học trực tiếp từ 22/11. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế của dịch bệnh, ngày 22/11 Đồng Nai chỉ có 6 trường cho học sinh học trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết: Ngày 19/11, sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến hơn 600 điểm cầu với sự tham dự của các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên và CDC Đồng Nai. Hội nghị nhắc nhở việc triển khai lộ trình cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, giao địa phương quyết định dựa trên Kế hoạch 13697 của UBND tỉnh triển khai các phương án cho học sinh, học viên và sinh viên trở lại trường học sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tại hội nghị, CDC Đồng Nai đã có hướng dẫn về phòng chống Covid-19 trước, trong và sau buổi học; đặc biệt cách xử lý tình huống khi phát hiện F0, F1 và giải đáp các thắc mắc xung quanh nội dung này.

“Thực hiện phòng chống dịch, dạy học trực tuyến là giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến hiệu quả không thể bằng trực tiếp; dạy học trực tuyến kéo dài, nhất là với khối 9, khối 12, khiến cha mẹ học sinh và cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đều lo lắng. Việc mở cửa trường học cần hết sức cẩn trọng, nhưng khi bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng chống dịch, cho học sinh học trực tiếp là cần thiết”. Chia sẻ điều này, ông Phạm Văn Ngát cũng khẳng định quan điểm khoanh vùng hẹp, thực hiện đúng Nghị quyết 128 rất cần thiết. Vì một trường hợp F0 mà dừng việc học của cả một huyện là không nên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đao phủ là nghề phải có nhưng hiếm người nhận làm. Ảnh: Ancient-origins.net

Phúc - họa nghề đao phủ

GD&TĐ - Trên phương diện pháp luật, đao phủ là người thực thi công lý nhưng trên phương diện lương tâm, họ là những kẻ tước đoạt mạng sống một cách tàn bạo.

Kích thích miễn dịch cây giống như việc tiêm vắc-xin cho cây trồng.

'Tiêm vắc-xin' cho cây trồng

GD&TĐ - Trong một thế giới đang phát triển và thay đổi nhanh chóng, nhu cầu sản xuất đủ lương thực cho mọi người đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Minh họa/INT

Viêm khớp cấp tính

GD&TĐ - Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp là do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm tủy xương, ung thư xương...