Mơ có chế độ bán trú cho học sinh ở điểm lẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng chục học sinh ở điểm lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) được ông bà, cha mẹ đưa cơm trưa đến treo... ở cửa lớp.

Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa ở điểm lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).
Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa ở điểm lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Bà đưa cơm đến trường

Điểm lẻ Trường Tiểu học Thanh Xuân ở bản Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) có 51 học sinh học trong 5 lớp. Hằng ngày, có nhiều học sinh phải ở lại lớp buổi trưa để học buổi chiều, vì khoảng cách từ nhà đến trường rất xa, đường đèo dốc, không thể đi bộ.

Thầy Lê Văn Sức, Trưởng khu lẻ Tân Sơn, cho hay, ở điểm trường này cách trường chính chừng 5km. Tuy nhiên, do địa hình bản Tân Sơn là nơi cao nhất của xã Phú Xuân, đường dốc quanh co, nên việc đi lại rất vất vả.

“Ngày trước, khi chưa có đường bê tông lên bản Tân Sơn, anh em chúng tôi phải men theo suối lội bộ lên điểm trường. Bà con dân bản cũng rất vất vả mỗi khi phải xuống trung tâm xã. Giờ đây, đường lên Tân Sơn đã được cứng hóa, nên việc đi lại cũng đỡ khổ hơn” - thầy Sức chia sẻ.

Trong lúc đang trò chuyện với thầy Sức, chúng tôi thấy có một số bà con dân bản cầm trên tay những gói lá chuối bước vào cổng trường. Hỏi ra, mới biết đó là các bà, các mẹ đang mang cơm trưa đến cho học sinh để chúng ăn trưa và nghỉ tại lớp học.

“Mỗi ngày đến trường học cái chữ, nhiều em vượt quãng đường khá xa, nên phải đi thật sớm. Ở thời điểm đó, bố mẹ, ông bà chưa kịp nấu ăn cho các con, vì thời tiết trên này về mùa Đông rất lạnh. Tầm khoảng 9 giờ sáng, ông bà hoặc bố mẹ nấu ăn cho cả nhà để đi nương rẫy, họ lại đùm cơm nắm mang đến lớp cho con cháu ăn trưa để có sức học buổi chiều. Cũng có người không tự mang đến được, thì nhờ hàng xóm mang cơm thay”, thầy Sức thông tin.

“Mỗi ngày, con đến lớp học và được bố, mẹ đưa hoặc người khác mang cơm đến cho con ăn trưa. Ăn xong, con được ngủ trưa tại lớp để chiều học tiếp. Chúng con học ở đây vui lắm. Các thầy, cô giáo rất thương chúng con. Mỗi ngày, ngoài những giờ học tập, vui chơi, chúng con còn được thầy, cô giáo cho ra thư viện xanh đọc truyện”, Mai Phương tâm sự.

Em Bùi Cao Mai Phương (lớp 5) cho biết, nhà em ở cách điểm trường khoảng 4km. Hằng ngày, em được bố hoặc mẹ chở bằng xe máy đến lớp học, nhưng cũng có hôm bố mẹ đi vắng, em phải tự đi bộ.

Cô Hà Hải Ly, giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Tân Sơn, cho hay: Nhiều gia đình ở bản Tân Hương đang thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng con em trong bản luôn đến lớp học rất đông đủ. Hầu hết, học sinh ở đây đều chăm ngoan, chuyên cần lắm ạ. Rất ít khi bỏ học giữa chừng.

Mơ có chế độ bán trú cho học sinh

Trò chuyện với Báo GD&TĐ, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Tân Sơn Phạm Bá Khâm cho biết, bản có 150 hộ với 632 nhân khẩu. Thế nhưng, hiện tại đang có 69 hộ nghèo và 52 hộ cận nghèo. Cả bản hiện nay mới chỉ có hơn 20 hộ đạt mức sống trung bình, chưa có hộ nào thuộc diện giàu có hay khá giả.

Cuộc sống của bà con trong bản chủ yếu là làm nương, làm rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Cả bản chỉ có 19 ha đất trồng lúa nước, còn lại có vài chục ha đất trồng sắn và ngô. “Bản Tân Sơn nằm ở ven Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nên bà con cũng không có nhiều đất rừng sản xuất để trồng rừng hay phát triển cây lâm nghiệp như ở nơi khác được. Vì vậy, cuộc sống của dân bản đang còn khó khăn, vất vả lắm”, Trưởng bản Khâm nói.

Cũng theo ông Khâm, dù bà con ở bản đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà con em của họ không được đến trường. Ngược lại, số học sinh đang theo học ở các cấp của bản khá đông. Trong đó, mầm non có 32 cháu; tiểu học có 51 cháu, THCS 22 học sinh, THPT đang có 5 em và bản cũng đã có 3 người tốt nghiệp đại học.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân - cho biết, học sinh ở đây chiếm 98% là con em đồng bào Thái, Mường. Người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nương, rẫy. Diện tích đất nông nghiệp rất ít, không có nghề phụ, không chăn nuôi tập trung... Bởi vậy, kinh tế của đại đa số hộ dân trong bản đều khó khăn, thiếu thốn. Hầu hết, học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cha mẹ không có điều kiện chăm sóc chu đáo cho con cái.

Được biết, trước những khó khăn của học sinh ở điểm trường chính và 3 điểm lẻ của Trường Tiểu học Thanh Xuân, năm ngoái, thầy Đặng Xuân Viên và đội ngũ giáo viên nhà trường đã quyết tâm khôi phục bếp ăn bán trú. Thầy Viên và các giáo viên trong trường đã chung tay kêu gọi các tổ chức, tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp, để giúp đỡ nhà trường khôi phục bếp ăn bán trú. Giờ đây, tại điểm trường chính và 2 khu lẻ, là bản Giá, bản Vui đã có bếp ăn bán trú cho học sinh. Duy nhất còn mỗi điểm lẻ Tân Sơn, là đang phải chịu cảnh... “nắm cơm treo cửa lớp”.

“Các cháu học cấp 1 rất vất vả. Có nhiều gia đình không có xe cộ đi lại, phụ huynh phải cõng các cháu đi học mỗi khi trời mưa. Bà con trong bản rất mong mỏi con em được ăn bán trú ở trường hằng ngày. Tuy nhiên, nếu để các cháu có được bữa ăn trưa hằng ngày tại trường, mà phải đóng góp, thì ít nhất mỗi cháu cũng phải ăn mỗi suất 20.000 đồng/bữa. Nhưng với số tiền đó, thì nhiều gia đình ở đây không thể có điều kiện để đóng góp được”, ông Khâm tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.