Nguyên mẫu của người phụ nữ trong tranh của ông là Gala khét tiếng… “ả sói cái”. Tuy nhiên, khi nghiêm túc nhìn lại cuộc đời bà, người ta phát hiện sự thật khác.
Hiện thân của chủ nghĩa siêu thực
Gala Dalí tên thật là Elena Ivanovna Diakonova (1894 - 1982), chào đời tại Kazan trong thời Đế quốc Nga và có cha mẹ đều là học giả. Từ nhỏ, Elena đã được gửi đến học viện nữ sinh ở St. Petersburg ăn học nhưng vì tình trạng sức khỏe yếu mà không thể tốt nghiệp tại đây.
Căn bệnh khiến Elena phải bỏ lỡ con đường học vấn là lao, song chính nó cũng là “bà nguyệt” dẫn lối cho bà gặp được định mệnh đầu tiên của đời mình - Paul Éluard (1895 – 1952), thi sĩ lừng danh người Pháp. Tại một phòng khám tư ở Thụy Sĩ, Éluard gặp được Elena và nhanh chóng rơi vào bể tình, xem Elena như nàng thơ và đặt cho bà biệt danh sẽ đi theo bà suốt đời – Gala.
Thời gian yêu đương với Éluard, Gala được thi sĩ này giới thiệu cho biết các tên tuổi nhà văn, nhà thơ lớn của Nga như Fyodor Dostoyevsky (1821 - 1881), Leo Tolstoy (1828 - 1910)...
Nhờ đọc các tác phẩm của họ, Gala ngời ngợi tinh thần tự chủ và năm 1916, tuy mới 17 tuổi, bà tự quyết đính hôn với Éluard và chuyển tới Paris (Pháp). Tại đây, hai người sống chung và sau 2 năm thì sinh con gái đầu lòng là Cécile.
Ngay từ khi mới yêu đương, Gala đã thôi thúc Éluard sáng tác với mục đích trở thành nhà thơ chuyên nghiệp. Ngoài làm “nàng thơ” giúp chồng khơi gợi cảm hứng, bà còn kiêm thêm 2 vai trò khác là người bảo hộ và nhà phê bình, thậm chí từng viết lời giới thiệu cho cuốn sách đầu tiên của Éluard từ năm 1914 (trước khi kết hôn).
Trong nền văn chương Pháp đương thời, Éluard là một trong các thành viên sáng lập của chủ nghĩa siêu thực. Yêu thương và tự hào vì Gala, Éluard thường xuyên dẫn vợ đến các buổi họp mặt với các nghệ sĩ cùng phong trào. Rất nhanh, Gala đã quen thân với tất cả và trở thành nàng thơ của 2 họa sĩ nổi bật nhất, Man Ray (1890 – 1976, Mỹ) và Max Ernst (1891 – 1976, Đức).
Với hội họa và nhiếp ảnh, Gala là hiện thân của chủ nghĩa siêu thực. Đôi mắt đen sâu thẳm của bà được ví như cánh cổng dẫn vào tiềm thức. Chúng khiến các họa sĩ như bị hút vào và chỉ có thể thoát ra khi đã thể hiện hết lên tranh.
Nhận thức được thế mạnh của mình, Gala xây dựng mạng lưới quan hệ hợp tác vì nghệ thuật rộng khắp. Mùa Hè năm 1929, bà cùng chồng đến tận Cadaqués ở Catalonia, Tây Ban Nha để gặp gỡ họa sĩ trẻ đang lên là Salvador Dalí (1904 – 1989).
Đôi mắt phát hiện nhân tài
Trong vai trò vợ của Éluard, Gala chưa bao giờ chung thủy. Sau khi quen biết Max Ernst, bà đã ngoại tình với họa sĩ này 3 năm. Éluard biết chuyện nhưng không li hôn, chỉ xem như “ai chẳng có những phút giây ngoài tình chồng vợ”. Tuy nhiên, đến Tây Ban Nha chưa được bao lâu, Gala lại “đổ” Dalí trẻ trung.
Éluard tiếp tục vờ như không biết vì tự tin vào sự thành đạt và giàu có của mình. Trong suy nghĩ của ông, Gala tham sang luyến danh sẽ không đời nào bỏ ông mà đi theo Dalí nghèo kiết xác. Không ngờ, Gala chấp nhận tay trắng ra khỏi nhà để được ở bên cạnh Dalí, người đang sống trong ngôi nhà rách nát ở một làng chài.
Trong khi ai nấy đều tưởng Gala “điên vì yêu” thì bà đeo bám Dalí vì lý do hoàn toàn khác. Với đôi mắt phát hiện nhân tài và bộ não định giá tài năng, bà biết Dalí sẽ vượt qua Éluard.
Được Gala yêu thương và khuyến khích, Dalí vẽ điên cuồng. Các tác phẩm của ông đều bị chi phối bởi đam mê, ham muốn, tình yêu và sự tôn thờ đối với Gala. “Tôi vẽ Gala để cô ấy được tỏa sáng, hạnh phúc nhất trần đời. Tôi quan tâm Gala hơn chính mình, vì không có cô ấy thì không có họa sĩ Salvador Dalí”, ông tuyên bố.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của Gala, Dalí ký tên Gala Salvador Dalí dưới các tác phẩm của mình. Bằng cách này, ông công khai công nhận sự hợp tác giữa cả hai. Năm 1932, Dalí cưới Gala.
Bức tranh thể hiện triệt để nhất sự say đắm của Dalí đối với Gala có lẽ là “Giấc mơ xuất phát từ hình ảnh con ong bay quanh quả lựu một giây trước khi tỉnh giấc”. Nó phô bày hình dáng một người phụ nữ khỏa thân đang nằm ngủ lơ lửng trong khung cảnh dưới nước, xung quanh là quả lựu, vài giọt nước, 2 con hổ, 1 con ong và một số họa tiết kỳ dị khác, nhấn mạnh sự mềm mại, tiềm thức và ham muốn.
Bên cạnh hỗ trợ và hợp tác với Dalí, Gala còn làm đại diện quốc tế cho chồng, quảng bá các tác phẩm của Dalí ra thế giới cũng như thương lượng trưng bày. Bà không khác gì một doanh nhân giỏi giang, thành đạt, đến mức ngay cả nghệ sĩ kiêm nhà văn Ý nổi tiếng là Giorgio de Chirico (1888 – 1978) cũng muốn được hợp tác.
Khi ảnh hưởng của Gala ngày càng lớn, các tin đồn về bà cũng càng nhiều. Có người lan truyền bà ép Dalí ký tên lên hàng trăm tờ giấy trống, bán cho những kẻ vẽ tranh giả mạo để những kẻ này vẽ tranh giả rồi bán với giá đắt cắt cổ.
Càng lúc, lời thêu dệt càng đầy ác ý. Một số nhà phê bình nghệ thuật, trong đó có sử gia nghệ thuật John Richardson (1924 – 2019, Anh) còn nặng lời phỉ báng Gala là “ả đàn bà quỷ quyệt”.
Mặc kệ bên ngoài gièm pha, Dalí vẫn yêu Gala cuồng nhiệt. Năm 1969, ông mua một lâu đài tặng vợ và đích thân sửa sang, trang trí. Năm 1970, Gala chuyển vào đây ở và đến năm 1982, bà qua đời. Dalí xây dựng lăng mộ hình bàn cờ bên trong lâu đài, an táng Gala và tưởng nhớ vợ đến tận khi nhắm mắt.
Ngày nay, các học giả đề xuất nên nhìn nhận Gala bằng con mắt khác. Ít nhất thì trong sự nghiệp của Dalí, bà là người ủng hộ, đại diện và hợp tác trung thành, trọn đời.