Những bức tranh thực sự làm lay thức biết bao cảm xúc, suy tư của cha mẹ về trách nhiệm dựng xây, vun đắp tổ ấm.
“Con tự hào về gia đình mình!”
Cô bé Nguyễn Kim Ngân (năm học tới lên lớp 9, Trường THCS Cầu Diễn, Hà Nội) hướng ánh mắt đong đầy niềm hãnh diện khi nói về bức tranh em vẽ về gia đình của mình và giành giải Ba cuộc thi như thế.
Ngân kể, ngay khi mẹ thông tin Nhã Nam phát động cuộc thi vẽ tranh về gia đình, 3 chị em Ngân liền xung phong tham gia. Vì đã là ngày cuối của hạn nhận tranh nên cô bé tốc ký từ buổi chiều đến chừng 8 giờ tối thì hoàn thành. Nối tiếp đó là bố vội vã phóng xe gần chục cây số mang đến tận địa chỉ nhận cho kịp.
“Cuộc thi là sân chơi hữu ích góp phần giáo dục tích cực việc hoàn thiện nhân cách của trẻ qua tranh vẽ và sáng tạo nghệ thuật, giúp các em thể hiện tình yêu dành cho bố mẹ, người thân, thay lời muốn nói của bản thân gửi vào tranh vẽ.
Tôi mong có nhiều cuộc thi như thế gửi đến trẻ em khắp nơi có cơ hội tham gia và trải nghiệm, thể hiện được quan điểm, tình yêu thương của mình về các chủ đề như hướng tới gia đình, bộ đội, giáo viên, ngày nhà giáo, ngày phụ nữ...
Những cuộc thi này rất cần sự chung tay từ các nhà tài trợ, các đơn vị tổ chức”. Cô giáo Hoàng Phương Uyên, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Huế)
Dù chỉ có hơn nửa ngày để thực hiện nhưng ý tưởng đến với cô bé rất nhanh. Cũng vì tổ ấm hạnh phúc, luôn rộn tiếng cười được thể hiện từ bữa cơm sum vầy đến việc cùng nhau đọc sách, đi chơi, làm việc nhà… của gia đình Ngân diễn ra hàng ngày.
Trong đó, điều lưu lại nhiều nhất trong cô bé là những bữa cơm tối thường đầy đủ các thành viên sau một ngày học tập, lao động miệt mài. Đó là phút giây đầy ý nghĩa khi cả nhà được thư giãn thoải mái, cùng thưởng thức món ăn ngon và kể cho nhau những câu chuyện hài hước, vui vẻ.
“Điểm trung tâm của bức tranh em thể hiện bữa cơm sum vầy để nhấn mạnh rằng, đừng xem nhẹ việc đó và coi là điều bình thường hay đương nhiên. Thực ra mỗi bữa cơm có đủ đầy mẹ cha đối với chúng em mang nhiều ý nghĩa và nó chính là nơi đặc biệt giúp bố mẹ, con cái thêm gắn kết, yêu thương.
Và thường sau bữa cơm, gia đình em cùng nhau đọc sách, xem phim nên em tiếp tục thể hiện những hoạt động đó ở xung quanh… Em thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong tổ ấm luôn rộn tiếng cười, có bố mẹ hòa thuận, xây đắp ngôi nhà của những đoàn kết, yêu thương. Chính những điều đó đã thôi thúc em thể hiện bằng tranh và đoạt giải. Em rất vui và tự hào về gia đình của mình”, Ngân nói.
Với cô bé Nguyễn Hoàng Quỳnh Chi (Liễu Giai, Hà Nội), nhà mình ở bên nhau không chỉ có tiếng cười vui vẻ mà còn là những phút giây “chí chóe” của các thành viên.
Chi thể hiện điều này rất sinh động thông qua hình ảnh gia đình nhím diện áo đỏ và xù lông ngộ nghĩnh. Bức tranh giành giải Khuyến khích của cô bé 12 tuổi này được chia làm 2 phần, một bên kể chuyện đi chơi ở công viên, một bên là dạo bên hồ Hoàn Kiếm.
Trong đó, ở công viên, nếu phía xa là hai chị em Chi vui chơi thì bố mẹ mỗi người cầm một chiếc điện thoại. Ở hồ Hoàn Kiếm, có hình ảnh người mẹ tức giận bê cả cái cây lên hướng về phía hai con. Nhưng sau tất cả là một trái tim có hình ảnh của cả nhà đầy hạnh phúc, yêu thương…
“Khi nghe tôi nói về cuộc thi, con băn khoăn hỏi rằng nên vẽ thế nào cho mới mẻ, đột phá. Tôi có đặt câu hỏi gợi ý: Khi nhà mình ở bên nhau liệu rằng có phải lúc nào cũng là hòa thuận, vui vẻ không?.
Thế là con kể tuồn tuột: “Có lúc mẹ quát con, có lúc bố cứ nói chuyện qua điện thoại với khách hàng, không chơi với con...” – “Vậy bố mẹ có yêu con không?” - “Bố mẹ luôn yêu chúng con”. Thế là Quỳnh Chi chọn những khoảnh khắc đó để tái hiện lại trong nhiều hứng khởi”, chị Minh Anh chia sẻ.
Từ TP Huế gửi tranh về dự thi và giành giải Nhì, Phan Lê Bảo An (năm học tới lên lớp 2 Trường Tiểu học Quang Trung) dùng nét cọ thơ ngây kể lại niềm vui khi được cùng bà, mẹ và em đến thăm bố đi công tác ở đảo xa. Phía sau là cột mốc chủ quyền ghi dòng chữ Hoàng Sa cùng cờ Tổ quốc tung bay.
Theo cô giáo Hoàng Phương Uyên (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Huế), Bảo An tham gia Trung tâm Năng khiếu Hoàng Uyên do cô phụ trách. Qua page Nhã Nam Bồ Câu, cô biết được đơn vị này tổ chức cuộc thi nên thông tin đến các học sinh của trung tâm và Bảo An tích cực tham gia.
Khi xem bức tranh mà Bảo An vẽ và nghe câu chuyện về gia đình học trò cô rất xúc động: Bố Bảo An làm bên xây dựng và có khoảng 2 năm cùng các cô chú trong công trường đi công tác ở Trường Sa. Trong khoảng thời gian đó, cả nhà rất nhớ bố và rất mừng vui khi có dịp ra thăm đảo.
“Có một chi tiết mà tôi định hướng, gợi ý cho Bảo An là vẽ bố mang trang phục của chú bộ đội để bức tranh thêm ý nghĩa, nhất là việc góp phần tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi hoàn thành bức tranh và gửi dự thi, Bảo An có nói: Con muốn thể hiện mong ước cả nhà luôn bên nhau, yêu thương nhau, không muốn xa nhau. Song vì công việc, vì trách nhiệm với Tổ quốc nên bố tạm xa cả nhà. Qua đó, Bảo An muốn bày tỏ mong ước được gặp bố và bố ôm vào lòng!”, cô Hoàng Uyên chia sẻ.
Còn bạn Nguyễn Hoàng Phúc An (năm học tới lên lớp 5, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), có bức tranh xuất sắc giành giải Nhất khi sử dụng sắc màu kể về công việc dọn dẹp của gia đình mình: Mẹ phơi quần áo, bố lau nhà, An lau bàn, em bé dọn đồ chơi và bà ngồi đan len.
Theo Phúc An, mỗi khi cả nhà cùng dọn dẹp cô bé thấy rất vui và ấm áp. Trong lúc dọn, em của An hay nói những câu nói hài hước và biểu cảm bằng những vẻ mặt, hành động ngộ nghĩnh khiến cả nhà cười rôm rả.
“Con thấy, khi 2 chị em phụ thì ba mẹ sẽ dọn dẹp nhanh hơn, ba mẹ lại có nhiều thời gian để chơi với 2 chị em con. Qua tranh này, con hi vọng các bạn nhỏ sẽ siêng năng phụ giúp ba mẹ để ba mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi, ba mẹ khỏe thì cả nhà sẽ được cùng nhau vui chơi nhiều hơn”, Phúc An chia sẻ.
Trách nhiệm xây tổ ấm
Trong ngày khai mạc triển lãm, đã quá trưa nhưng chị Linh (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 3 người con vẫn nán lại bên những bức tranh của triển lãm. Chị Linh muốn các con cùng ngắm nhìn và cảm nhận các câu chuyện về gia đình của mỗi nhà, từ đó nhân thêm niềm hạnh phúc về tổ ấm của mình.
Đây cũng là dịp hiếm hoi chị dẫn các con đến điểm vui chơi công cộng và trực tiếp tham gia vào cuộc thi vẽ tranh. Khởi nguồn của việc này cũng là từ chị, khi biết về cuộc thi thì vội “phát động” tới 3 đứa nhỏ trong đúng ngày cuối cùng phải nộp bài. Tuy nhiên, chỉ có cô con gái cả Kim Ngân kịp nộp và giành giải Ba còn 2 em của Ngân thì mãi tới nửa đêm mới xong nên để tranh treo ở nhà.
Nhìn vào những câu chuyện được các con thể hiện qua nét cọ, chị Linh thầm cảm ơn cuộc thi đã tạo cơ hội để chị và không ít bố mẹ khác thấu hiểu hơn về các con – dù còn thơ bé nhưng những đứa trẻ luôn trân trọng, ghi nhớ từng khoảnh khắc nhỏ, từ bữa cơm đến công việc nấu nướng thậm chí cả việc bố mẹ đùa vui. Nhiều khi, có những chi tiết bố mẹ không nghĩ đó là niềm vui nhưng nhìn vào tranh thì mới biết đấy là niềm hạnh phúc hàng ngày mà các con mong ước.
“Cũng từ đây, tôi thấy không nên bó hẹp các con trong gia đình như bấy lâu mà cần tìm kiếm nhiều sân chơi để chúng con có thêm nhiều kỹ năng và va chạm với thế giới bên ngoài. Đồng thời, tôi cũng thấy vai trò trách nhiệm của mình lớn hơn, cần tiếp tục gần gũi dành thời gian cho chúng nhiều hơn trong việc đi chơi, đọc truyện, nấu ăn, dọn dẹp...”, chị Linh bày tỏ.
Cùng gia đình đưa cháu nội Trần Đỗ Minh (6 tuổi) đến nhận giải Khuyến khích cuộc thi, bà Vũ Thúy Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng đây là sân chơi rất bổ ích dành cho các bạn nhỏ được thả sức sáng tạo.
Để con trẻ có thể vẽ lại những khoảnh khắc đầm ấm của gia đình, theo bà Hằng, đấy là quả ngọt từ việc ông bà, cha mẹ tạo được không khí gia đình ấm áp và luôn chăm sóc, yêu thương các con cháu.
Chẳng hạn như bức tranh của Đỗ Minh vẽ buổi sinh nhật rất vui vầy của các thành viên trong gia đình thì chính cậu bé phải được trải qua giây phút đó thì mới có thể tái hiện.
“Việc xây dựng và gìn giữ tổ ấm thời nay không dễ vì sự bình đẳng nam nữ ngày càng cao. Như con gái tôi vẫn thẳng thắn nói: “Nếu đàn ông không vào bếp giúp vợ là sẽ ly hôn”.
Vậy nên làm thế nào để giữ được tổ ấm bền lâu cho con cái được hạnh phúc và phương trưởng đây? Theo tôi, mỗi người, bất kể là ai cũng đều phải sống phải có trách nhiệm với gia đình; phải gương mẫu và hài hòa ước muốn của mọi người”, bà Hằng nhấn mạnh.
Việc Nguyễn Hoàng Phúc An tham gia cuộc thi và giành giải cao, chị Nhã Uyên bảo rằng cả nhà đã vỡ òa niềm vui. Cũng vì, An biết về cuộc thi tận ngày sát nút nên vội làm và gửi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trong ngày áp cuối.
Khi ngắm nhìn bức tranh của con cũng như của các bạn nhỏ tham dự, chị Uyên bày tỏ: “Gia đình tôi cảm thấy rất xúc động vì thường ngày những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng con lại nhìn nhận và truyền tải vào bức tranh.
Từ tranh vẽ của các bạn nhỏ và chủ đề cuộc thi, tôi thấy ba mẹ là tấm gương cho các con, ba mẹ yêu thương, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau thì con cái sẽ nhìn thấy, cảm nhận được và sẽ học theo.
Đôi lúc không nhất thiết phải là những chuyến đi xa, mà tôi nghĩ đơn giản là bữa cơm có đầy đủ thành viên, hoặc 30 phút cả nhà cùng đọc sách trước giờ ngủ, hay cuối tuần cùng dọn dẹp nhà thì các con cũng đủ cảm thấy ấm áp”.
Cùng với niềm vui có hai con là Sơn Khang (lên lớp 4) và Sơn Tùng (lên lớp 2) lần lượt được giải Nhì và Khuyến khích ở cuộc thi, chị Đinh Thùy Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Các bức tranh thường đầy đủ mọi thành viên trong gia đình ở mỗi bữa ăn, chuyến đi chơi… song không hẳn là bố mẹ nào cũng làm được điều đó mà là các con vẽ như thế để thể hiện điều các con mong muốn.
Có khi bố mẹ còn ít dành thời gian quan tâm đến các con mà nhìn vào đây sẽ thấy mình cần trân quý những giờ phút bên nhau, hãy thu xếp công việc để về ăn bữa cơm hay dành thời gian đi chơi cùng chúng. Rõ ràng, từ chính con trẻ mà thúc giục người lớn có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình để các con cảm thấy được yêu thương, che chở”.
Còn chị Minh Anh thì bảo, dù phải bật cười trước bức tranh “bóc phốt” bố mẹ đầy hài hước của Quỳnh Chi nhưng sau đó trong lòng lắng lại không ít suy nghĩ.
Như chi tiết 2 bố mẹ cầm điện thoại để thấy rằng các con mong cả nhà cùng vui chơi chứ không phải sau khi thả con ở công viên thì bố mẹ lại quay ra say mê các trang mạng xã hội trên thiết bị điện tử.
Còn chi tiết mẹ nâng cả cái cây khi cáu vì cô bé trêu đùa em quá trớn lại là lời nhắn gửi: “Mẹ có thấy dưới gốc cây là con chuột chúi, mẹ làm hỏng cả nhà của nó. Còn mẹ nhìn xem chân con ngoắc vào chân em thì sao con để em ngã được. Vậy nên mẹ cố gắng tin tưởng con hơn nữa nhé!”, chị Minh Anh xúc động nói.
Triển lãm vẽ tranh về gia đình thu hút sự quan tâm của nhiều người khi ghé đến Lotte Mall West Lake Hanoi (Tây Hồ, Hà Nội). Chăm chú xem từng bức tranh, chị Hồng Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Những bức tranh được các bạn nhỏ thể hiện rất xúc động, khơi gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.
Cũng vì, cuộc sống hiện đại bận rộn với mưu sinh và mạng xã hội đôi khi làm các bậc làm cha, làm mẹ sao nhãng việc dành thời gian quan tâm đến con cái. Vẫn còn đó những bữa ăn thiếu vắng mẹ cha.
Vẫn còn đó những ngày nghỉ trẻ thơ chỉ biết làm bạn với tivi, máy tính, điện thoại... Vậy nên thật mừng khi ở triển lãm này, tranh của các em luôn thắm sắc hồng của những gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Mong là mỗi cha mẹ luôn lắng nghe ước mong của con trẻ, ước mong xây tổ ấm bình yên, hạnh phúc”.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2024, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tổ chức chuỗi sự kiện “Nhà mình thích ở bên nhau”, gồm: Thi vẽ tranh và triển lãm, book tour đọc sách, workshop chủ đề gia đình và talk show “Gia đình đa thế hệ - Khi gen X, gen Y và gen Z là người một nhà”.
Theo biên tập viên, dịch giả Bảo Bình, người phụ trách truyền thông sách thiếu nhi của Nhã Nam, chuỗi sự kiện hướng các thành viên trong gia đình cùng thể hiện tình cảm với nhau một cách sáng tạo, gần gũi, ấm áp và phù hợp với đời sống hiện đại nhất. Trong đó hoạt động vẽ tranh thu hút đông đảo các gia đình khắp mọi miền đất nước tham gia… Ban tổ chức đã nhận được 150 bức tranh và chấm chọn trao giải cho 25 tác phẩm.
“Khi đặt tên cho chuỗi sự kiện, chúng tôi quan tâm đến yếu tố làm sao thật gần gũi, đáng yêu và khi nghe là cảm thấy đó là chuyện, sự kiện của nhà mình nên lấy nhan đề của cuốn truyện nổi tiếng được Nhã Nam phát hành thành công trong nhiều năm qua là: “Nhà mình thích ở bên nhau”.
Bên cạnh đó, từ thực tế của cuộc sống hiện đại có không ít gia đình ít thích ở bên nhau hay có thể có một số người còn có những cãi nhau, giận hờn, không nhìn mặt nhau nhưng chắc chắn rằng trong thâm tâm mỗi người luôn mong được gần gũi. Những cáu giận, bực bội kia chỉ là khoảnh khắc mà sâu thẳm ở mỗi thành viên gia đình vẫn là ước ao có điểm để neo đậu sau những vất vả mưu sinh và luôn ở bên nhau”, chị Bảo Bình chia sẻ.