- Đã bảo không mua, xéo đi chỗ khác, chủ quán đâu? Bảo nó đi đi, đừng đứng đây lèo nhèo ăn mất ngon, coi chừng ranh con thế mà nhanh lắm đấy, hở ra là nó "chôm" đồ luôn.
Tiếng quát của người khách nhậu làm nó giật mình, nó nhắm nghiền mắt lại, nó vẫn đứng không nhúc nhích, bàn tay nhỏ quờ trên giỏ kẹo, nửa muốn đưa mời khách mua nhưng các ngón tay của nó như cứng lại.
Chị chủ quán lại gần dúi vào tay nó gói phồng tôm.
- Đi đi cháu, khách nhậu người ta không ăn kẹo cao su đâu!
Bàn nhậu của khách ăn đêm ồn ào, mùi thức ăn thơm quá, họ sôi nổi, với những chuyện "chém gió" phần phật những câu bông phèng, xoay quanh cuộc sống, con người, tình đời và các phi vụ làm ăn đang rôm rả, với những ly bia sủi bọt liên tục được nâng lên hạ xuống.
"Là chuyện của người lớn mà" - nó thầm nghĩ: "Giá mình là con của một ai kia trong đám họ thì giờ này nó đã ngủ ngon trong chăn ấm đệm êm rồi, họ sướng thế! Ăn ngon, mặc đẹp và chắc là nhiều tiền lắm".
Nó run rẩy đứng lùi xa bàn khách ăn một chút, nó vẫn kiên nhẫn đứng cầu xin người ta mua giùm nó hộp kẹo mặc tiếng chửi mắng, xua đuổi cứ tràn lên mặt nó.
Tôi ngồi lặng lẽ ở một góc quán quan sát thằng bé, nó mới chỉ chừng 5, 6 tuổi, cha nó đâu? mẹ nó đâu? còn non dại quá, vậy mà khái niệm đầu đời của cuộc sống lại đang hình thành từ những va chạm xã hội, tâm hồn non nớt của nó phải chịu tổn thương đến tột cùng. Cái bản năng sống của con người thúc nó phải bật dậy mà khôn sớm.
Trong đời sống nhỏ của nó lúc này, kẻ sinh ra nó bỗng chìm xuống thật mơ hồ, bởi tôi nhận thấy nỗi tủi hờn hiện trên mặt nó. Thằng bé không còn làm mặt khổ để người ta thương, mà nó khổ sở, tủi cực thực sự, vì sau mỗi tiếng quát tháo xua đuổi, khuôn mặt non thơ của nó dường như co lại và mắt nó ngân ngấn, nó biết xấu hổ. Nó vẫn đứng như chôn chân với giỏ kẹo cao su trễ nải hơn trên tay, ngước cặp mắt đờ đẫn vì mệt mỏi, khuôn mặt sắt đét lại vì giá rét, tiếng mời khách mua của nó lạc dần, thưa dần đi trong đêm đông.
Thấy tôi chú ý nhiều đến thằng bé. Chị chủ quán ghé cạnh tôi than thở:
- Thật tội nghiệp, chúng nó đều có bố mẹ cả đấy, phần lớn họ từ quê ra, chẳng hiểu vì sao họ sức dài vai rộng mà chẳng chịu ở quê làm ăn, kéo nhau ra thành phố, nghĩ ra đủ chiêu trò để kiếm ăn, nhẫn tâm đẩy con nhỏ ra đường phố. Anh thấy đấy chúng còn bé quá biết gì đâu, người lớn xui gì làm vậy, bằng mọi giá phải kiếm ra tiền cho bố mẹ. Chúng không được học hành gì, rồi tệ nạn từ đây mà ra chứ đâu nữa!
Vâng chị nói đúng! Thật đáng thương cho những tâm hồn còn non nớt đã bị đày đọa rồi tương lai của chúng sẽ ra sao? Khi bài học đầu đời của tuổi thơ chỉ là lợi dụng sự thương vay, khóc mướn của người đời để tồn tại.
Tôi chia sẻ với chị chủ quán khi nghe chị kể về những mảnh đời của bao con trẻ bị đẩy "vong nhà" từ cha, mẹ, người thân của chúng. Các cụ nhà ta có câu "Hổ dữ chẳng ăn thịt con". Vậy những người làm cha mẹ nếu thấy được cảnh con trẻ đang phải chịu đựng thì thấm thía được điều gì?
"Biết yêu thương nhau là trách nhiệm của mỗi con người khi được làm Người".
Làm cha mẹ, chúng ta hãy cho con mình một tuổi thơ trong sáng, dù đói, no trẻ đều cần được sống thân thiện an lành với mái ấm gia đình nơi có tình thương của ông bà, cha mẹ, người thân, tình làng nghĩa xóm và được tới trường như bao trẻ nhỏ.
Những khởi đầu cho một đời người vô cùng quan trọng, từ gia đình tới xã hội hãy giúp cho con trẻ tự tin bước vào đời bằng niềm tin ý chí tạo nên nhân cách tốt. Đừng bắt chúng phải vào đời bắt đầu bằng số 0 nhỏ để rồi số 0 nhỏ đó nằm trong số 0 cực lớn trong đời làm người. Mong những bậc cha mẹ cùng hiểu điều đơn giản tối thiểu này mà nuôi dậy con em mình tốt hơn và để mầm mống tệ nạn trong xã hội không có chỗ lây lan!