Thật ra việc này chỉ cần thiết trong một số ít trường hợp, chưa kể là nó có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của màn hình cảm ứng. Vậy, trong trường hợp nào thì bạn cần dán miếng bảo vệ màn hình cho smartphone?
Miếng dán bảo vệ màn hình bằng nhựa
Miếng dán bảo vệ màn hình điện thoại từng được xem là lựa chọn bắt buộc, nhưng những tiến bộ trong công nghệ thủy tinh và chất phủ gần đây đã khiến chúng thật sự không còn cần thiết.
Giờ đây, đã có thể khẳng định bạn có thể không cần đến một miếng dán bảo vệ màn hình khi mua điện thoại mới nữa.
Miếng dán bảo vệ màn hình cơ bản là một tấm nhựa trong suốt dán trên màn hình smartphone. Tấm nhựa được cắt phù hợp với hình dạng của thiết bị cùng với vài lỗ trống cho các nút bấm và loa ngoài, đó là lý do tại sao có nhiều miếng dán bảo vệ màn hình khác nhau cho các thiết bị khác nhau.
Để dán miếng bảo vệ màn hình, bạn cần phải làm sạch màn hình điện thoại với một miếng vải nhỏ trước khi dán miếng bảo vệ. Quá trình thực hiện cần đảm bảo, miếng dán bảo vệ màn hình phải được dán khít vào toàn bộ màn hình và không bỏ sót lỗ khí hoặc vết xước nào bên dưới miếng bảo vệ.
Nếu màn hình của bạn bị trầy xước, thì miếng dán bảo vệ sẽ bị trầy xước thay, việc thay thế miếng dán nhựa cũng rẻ và dễ dàng hơn so với kính bảo vệ trên điện thoại.
Nhược điểm của miếng dán bảo vệ màn hình bằng nhựa
Miếng dán bảo vệ màn hình có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của màn hình cảm ứng, nhất là các màn hình cảm ứng chất lượng kém và ít điểm.
Hơn nữa, miếng dán bảo vệ bằng nhựa còn bị thay đổi màu sắc theo thời gian, môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, các vệt trầy xước trên miếng bảo vệ cũng làm giảm đi tính thẩm mỹ trên màn hình smartphone.
Và một điều nữa là, nếu không dán miếng dán màn hình đúng cách, bạn có thể tạo ra các lỗ khí hoặc vết nứt ở dưới nó. Khi đó, bạn phải sử dụng một miếng dán màn hình mới.
Lớp kính bảo vệ Gorilla Glass
Có một thời gian miếng dán bảo vệ màn hình là một ý tưởng tốt, nhưng các thiết bị hiện đại ngày nay được tích hợp sẵn lớp bảo vệ màn hình. Hầu hết các smartphone hiện nay sử dụng lớp kính bảo vệ Gorilla Glass của Corning.
Đây là kính cường lực, rất cứng và có khả năng chống trầy xước cao. Phiên bản mới nhất là Gorilla Glass 3 được giới thiệu vào năm 2013, tăng hơn 40% khả năng chống trầy xước so với Gorilla Glass 2.
Nếu bạn đang dùng smartphone mua trong khoảng một năm gần đây, thì nhiều khả năng là nó đã được trang bị màn hình chống trầy xước. Do đó, nếu bạn dán thêm miếng dán bảo vệ màn hình thì sẽ thừa một lớp bảo vệ màn hình.
Ngay cả khi để lẫn với một chùm chìa khóa trong túi, màn hình tích hợp Gorilla Glass cũng không bị trầy xước, bởi nó là lớp bảo vệ chống các vết trầy xước từ kim loại như chìa khóa, tiền xu, cũng như các mặt hàng gia dụng kim loại thông thường khác.
Lấy chìa khóa hoặc thậm chí một con dao gia dụng quẹt lên smartphone được phủ lớp kính này, bạn sẽ không thấy bất kỳ vết trầy xước nào.
Khi nào thì miếng dán bảo vệ màn hình?
Vẫn có một số ít vật liệu có thể làm xước lớp Gorilla Glass trên màn hình, đặc biệt là cát. Nếu bạn đi trên bãi biển và để một ít cát lọt vào trong túi quần, chúng có thể cọ xát với màn hình kính smartphone.
Điều tương tự cũng xảy ra với đá cứng, nếu bạn thả smartphone trên mặt đất và để cát bám vào, tiếp xúc với bê tông hoặc đá... chúng rất dễ tạo ra vết trầy xước trên màn hình điện thoại. Thủy tinh, kim loại quý hiếm hay các vật liệu cứng như kim cương cũng có thể làm trầy xước lớp Gorilla Glass.
Vì vậy, nếu thường xuyên đi tắm biển, bạn có thể dán thêm miếng dán bảo vệ bằng nhựa lên màn hình của smartphone.